Định hướng về chính sách dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên

NDO -

Sáng 2/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học: “Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách” theo hình thức trực tuyến. Đông đảo các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà quản lý chuyên ngành tham dự.   

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng được xác định là địa bàn quan trọng của cả nước về kinh tế, xã hội cũng như quốc phòng, an ninh. Với hơn 5 triệu người sinh sống, thành phần dân tộc đa dạng, tỷ lệ đồng bào có tôn giáo ở Tây Nguyên khá cao, đã tạo nên một bức tranh dân tộc, tôn giáo khá sinh động của Việt Nam nói chung và của Tây Nguyên nói riêng.

Với 33 bản tham luận tham gia, Hội thảo thống nhất khẳng định, những năm qua với sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế-xã hội đã được ban hành, nhờ đó, đời sống của đồng bào Tây Nguyên từng bước khởi sắc. Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên luôn đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới.

Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về quan hệ dân tộc với tôn giáo; đánh giá thực trạng quan hệ dân tộc với tôn giáo và xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên; từ đó, cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách dân tộc, tôn giáo tại Tây Nguyên và cả nước; đề xuất, kiến nghị các giải pháp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nói riêng, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung…

Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, nhằm củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn chặn âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh.