Điện Biên gỡ vướng giải phóng mặt bằng nhờ “cẩm nang” dân vận

NDO -

Chủ động tìm hiểu, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm tại tỉnh Điện Biên, Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên đã xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, giúp các huyện, chủ đầu tư bảo đảm tiến độ dự án, giảm tình trạng khiếu kiện, thắc mắc trong nhân dân.

Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tái định cư thuộc dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tái định cư thuộc dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ.

Cụ thể hóa quy trình dân vận 

TP Điện Biên Phủ - địa bàn đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên, như: Dự án WB, dự án hạ tầng kỹ thuật khung, dự án đường 60m… cũng là nơi có nhiều dự án chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng.

Điển hình là dự án đường 60m được UBND tỉnh Ðiện Biên phê duyệt ngày 4/12/2015 có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng đã quá hạn hoàn thành hơn 6 tháng mà các việc vẫn ngổn ngang. 

Với Mường Ảng - huyện cửa ngõ của tỉnh Điện Biên, thời gian qua cũng có nhiều dự án chậm tiến độ, như: dự án đường nội thị giai đoạn I (hay thường gọi là trục 42 m); công trình đường nội thị giai đoạn I trục 27 và khu tái định cư; công trình sửa chữa, nâng cấp đường từ khối 2 thị trấn Mường Ảng đi Quốc lộ 279; công trình hồ chứa nước Ẳng Cang hầu hết đều tạm dừng thi công từ 3 đến 5 năm. Nguyên nhân cơ bản do vướng giải phóng mặt bằng. 

Về nguyên nhân, hầu hết chủ đầu tư các dự án đều chung ý kiến là người dân không đồng thuận vì nhiều lý do: đơn giá đền bù thấp, một bộ phận so bì chính sách giữa dự án này với dự án kia, số khác đòi hỏi lợi ích ngoài quy định pháp luật. 

Qua phân tích thực tiễn và khảo sát ở cơ sở, Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên thấy rằng, còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng không nhỏ tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án chính là sự thờ ơ của các phòng, ban, đoàn thể với công tác này, bởi họ coi đấy là việc riêng của chủ đầu tư hoặc là các ban quản lý dự án. 

Phân tích ý này, ông Lò Văn Mừng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các dự án mới chủ yếu tập trung vào các biện pháp hành chính và tính toán chuyên môn (kiểm kê, áp giá); chưa coi trọng khâu vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nên chưa tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân, nhất là những hộ dân liên quan trực tiếp đến dự án. 

Tại một số địa phương, tuy đã phân công, giao nhiệm vụ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, tuyên truyền triển khai dự án nhưng cán bộ, công chức không nắm chắc trình tự, thủ tục, nên khi tuyên truyền, vận động lại không giải thích hoặc không làm rõ kiến nghị của người dân. Có dự án triển khai thời gian dài, cán bộ, công chức thực hiện dự án lại thường xuyên thay đổi cho nên xảy ra tình trạng giải đáp, trả lời kiến nghị của người dân không thống nhất, sinh tư tưởng hoài nghi, thắc mắc…

Nắm rõ thực trạng và nguyên nhân vướng giải phóng mặt bằng, tháng 2/2020, Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BDVTU về “Công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn”. 

Hướng dẫn 05 đã cụ thể nội dung từng việc của công tác dân vận theo ba bước: (1) công tác dân vận trong giai đoạn chuẩn bị triển khai công trình, dự án; (2) công tác dân vận trong giai đoạn giải phóng mặt bằng; (3) công tác dân vận sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong mỗi bước, Hướng dẫn 05 còn cụ thể tiến trình thực hiện theo thứ tự việc nào trước, việc nào sau để cán bộ được giao làm tuyên truyền, vận động thuận tiện khi triển khai. 

“Công việc từng công đoạn cụ thể, tiến trình rõ ràng thì cán bộ dân vận bám vào đó triển khai. Như thế, công tác dân vận sẽ tập trung nội dung cụ thể và tránh được tình trạng mỗi cán bộ tuyên truyền một kiểu khiến người dân hoài nghi như thực tế đã có”, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên cho biết thêm.

Hiệu quả rõ nét

Ngay khi có “cẩm nang” hướng dẫn công tác dân vận triển khai công trình, dự án, Ban Thường vụ 10 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Điện Biên đã thành lập Tổ công tác dân vận. Áp dụng vào thực tế, tiến độ các dự án ở các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và TP Điện Biên Phủ đã nhanh chóng được tháo gỡ.

Điện Biên gỡ vướng giải phóng mặt bằng nhờ “cẩm nang” dân vận -0
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên kiểm tra thực địa tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn TP Điện Biên Phủ. 

Trao đổi về thực tiễn công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng ở Mường Ảng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy cho biết, bám sát Hướng dẫn 05, trong tháng 4/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện ban hành các văn bản thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Theo các quyết định, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân vùng dự án, từ đó chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo biện pháp tháo gỡ. 

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của lãnh đạo huyện Mường Ảng, chỉ trong thời gian chưa đầy 3 tháng, Mường Ảng đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng 3 dự án trọng điểm, với tổng số 311 hộ gia đình và 100% gia đình đều tự nguyện di dời bàn giao mặt bằng. 

Đến nay khi các công trình đã hoàn thành, bàn giao sử dụng huyện không nhận bất kỳ đơn, thư hay ý kiến khiếu nại, thắc mắc nào liên quan các dự án. 

Ông Lê Minh Điệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Điện Biên Phủ cho biết, theo nội dung, trình tự các bước tiến hành dân vận tại Hướng dẫn 05, ngay khi UBND tỉnh phê duyệt các dự án tái định cư phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ, thành phố và các phường trong vùng dự án đã thành lập tổ dân vận; đồng thời phân công nhiệm vụ từng thành viên phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác quy mô, tiến độ, chế độ, chính sách dự án đến nhân dân. Thành viên tổ dân vận nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để chính quyền địa phương và chủ đầu tư kịp thời điều chỉnh.

Đến nay cả ba dự án tái định cư thuộc dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ đều không vướng mắc khâu kiểm đếm, giải phóng mặt bằng, tiến độ trên thực địa, bảo đảm đúng kế hoạch UBND tỉnh giao.