Điểm qua một số luật, bộ luật có hiệu lực từ đầu năm 2021

NDO -

Kể từ ngày 1-1-2021, 11 luật, bộ luật chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là những luật, bộ luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống xã hội của nước ta. Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu một số điểm mới của các luật, bộ luật này.

Kể từ 1-1-2021, người lao động làm việc trong môi trường độc hại có thể nghỉ hưu sớm, nhưng không quá 5 năm so với quy định về tuổi nghỉ hưu. Ảnh: TTXVN
Kể từ 1-1-2021, người lao động làm việc trong môi trường độc hại có thể nghỉ hưu sớm, nhưng không quá 5 năm so với quy định về tuổi nghỉ hưu. Ảnh: TTXVN

1. Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ VIII, gồm 17 Chương và 220 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, thay thế cho Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 hiện hành (hết hiệu lực).

Đáng chú ý, Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi có hiệu lực sẽ quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam, và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Đồng thời, Bộ luật mới cũng quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu. Người lao động phải bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng bổ sung quy định mới về thời gian làm thêm giờ, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) với rất nhiều quy định liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội khi có hiệu lực thi hành được đánh giá là có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động và tạo động lực mạnh mẽ phát triển xã hội…

2. Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ưu đãi đầu tư công nghệ cao, năng lượng sạch

Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ chín, gồm bảy chương, 77 điều và bốn phục lục, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Theo đó, các hoạt động bị cấm đầu tư kinh doanh và sản xuất, sử dụng gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã và mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên...

Đồng thời, Luật cũng nghiêm cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh như: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Bên cạnh đó, Luật đã cập nhật đối tượng được ưu đãi đầu tư, phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước. Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế).

Theo đó, đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...

Điểm qua một số luật, bộ luật có hiệu lực từ đầu năm 2021 -0
Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thuộc danh mục được ưu đãi đầu tư. 

3. Bổ sung quy định mới góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, gồm 10 chương, 218 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (hết hiệu lực).

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đánh giá có nhiều nội dung, quy định mới nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, như quy định về điều kiện đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021...

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp, gồm: Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Điểm qua một số luật, bộ luật có hiệu lực từ đầu năm 2021 -0
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. 

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác...

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, sửa đổi, bổ sung 20 trong tổng số 102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội (QH) hiện hành.

Đáng chú ý, về tiêu chuẩn của đại biểu QH, để bảo đảm tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu QH, Luật đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu QH. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, đại biểu QH bắt buộc chỉ có một quốc tịch Việt Nam.

Luật cũng quy định tăng tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu QH. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu QH hoạt động chuyên trách từ QH khóa XV, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.

Điểm qua một số luật, bộ luật có hiệu lực từ đầu năm 2021 -0
Việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, Luật cũng chấm dứt việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh; quy định thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh (hoàn thành trước ngày 1-7-2021), là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH tại địa phương.

5. Tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và cống hiến

Luật Thanh niên (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, gồm bảy chương, 41 điều, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Theo đó, thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi, được Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Đồng thời, được áp dụng đối với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

Đáng chú ý, Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”; để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với năm luật, bộ luật nêu trên, kể từ ngày 1-1-2021, sáu luật mới cũng chính thức có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.