Dịch vụ công quốc gia: Kênh hữu hiệu nhất "hiện đại hóa" thủ tục hành chính

NDO -

Trước đây, người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính phải gặp trực tiếp cán bộ để yên tâm công việc được giải quyết; cũng từ việc gặp trực tiếp đó dẫn đến ở một số nơi phát sinh những bất cập, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Nhưng với yêu cầu của xã hội điện tử, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã tạo sự thay đổi, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn và cũng góp phần giảm "tham nhũng vặt", giảm sự lạm quyền của cán bộ, hạn chế trục lợi chính sách khi thực thi nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu khai trương Cổng DVCQG ngày 9-12-2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu khai trương Cổng DVCQG ngày 9-12-2019

Người dân ngồi nhà làm TTHC trên mạng

Đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, dư luận dậy sóng với thông tin về ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, người bị khởi tố oan sai về tội “kinh doanh trái phép”. Rồi vụ việc bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, chuyên "chống cát tặc" tại Đồng Nai bị nhân viên bảo vệ rừng đánh và bị công an bắt tạm giam.

Báo chí, dư luận đặt vấn đề về việc lạm quyền trong thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ công quyền ở địa phương. Các vụ việc được xử lý theo các quy định của pháp luật nhưng cũng đã đặt ra vấn đề về lạm quyền của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

Quan điểm nhất quán của Chính phủ về các vụ việc nêu trên là không né tránh, không bao che, đồng thời chỉ đạo thực hiện ngay một số việc trọng tâm như không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ; rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ được thực hiện xuyên suốt cả nhiệm kỳ Chính phủ này, cụ thể hóa bằng mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tháng 7-2019 về phương châm thực hiện Chính phủ điện tử, phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ nhận nhiệm vụ của Thủ tướng giao về triển khai xây dựng đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) tại địa chỉ: dichvucong.gov.vn.

Triển khai Cổng DVCQG là một nhiệm vụ lớn trong Chính phủ điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn và tiết kiệm.

Dịch vụ công quốc gia: Kênh hữu hiệu nhất
 
Giới thiệu lợi ích Cổng DVCQG dành cho doanh nghiệp.

Thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sử dụng chữ ký số phê duyệt Đề án Cổng DVCQG ngày 12-3-2019 đã trở thành một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.

Cổng DVCQG từ thời điểm khai trương tháng 12-2019 đến nay góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến “phi” thời gian, địa giới hành chính; tăng cường giám sát, đánh giá; kỷ luật, kỷ cương; hạn chế, phòng chống tiêu cực.

Vào thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp 8 nhóm thủ tục hành chính, với việc thay đổi từ làm thủ tục trực tiếp bằng giấy tờ sang thực hiện nhờ công cụ điện tử, theo tính toán là tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Giá trị gia tăng từ Cổng DVC sẽ giúp tiết kiệm được 1.736 tỷ đồng/năm bởi vì người dân sẽ chỉ đăng nhập 1 lần và có thể làm 1 dịch vụ ở nhiều địa phương, chỉ cần ngồi nhà hay bất cứ đâu cũng có thể lên mạng để làm thủ tục hành chính.

Đến ngày 1-7, VPCP công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 725 về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cung cấp trên Cổng.

Đến ngày 19/8 vừa qua, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương, Cổng DVCQG ghi dấu mốc cung cấp 1.000 thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Còn thời điểm hiện tại, trên Cổng DVCQG đã có 1.298 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 818 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp, 673 dịch vụ công dành cho công dân.

Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là hơn 6.700 tỷ đồng/năm, con số này sẽ tiếp tục tăng theo số lượng dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thanh toán online: Hạn chế trục lợi chính sách

Nhận xét về Cổng DVCQG, tháng 5-2020, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione từng nêu: "Giá trị của Cổng DVCQG đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19".

Bởi vì với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến. Điều này góp phần bảo vệ người dân, doanh nghiệp và chính đội ngũ cán bộ.

Hiểu rõ điều này, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG đã tăng gấp hơn 160 lần so với thời điểm khai trương. Điều này cho thấy Cổng DVCQG đang “tăng trưởng” theo cấp số nhân, đi cùng với đó là những hiệu quả đo đếm được cho người dân và doanh nghiệp.

Khi các thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, người dân, doanh nghiệp không còn phải gặp trực tiếp cán bộ thi hành công vụ, giảm sự tiếp xúc trực tiếp cũng góp phần giảm được "tham nhũng vặt", giảm sự lạm quyền của cán bộ, hạn chế trục lợi chính sách khi thực thi nhiệm vụ.

Hiện nay, Cổng DVCQG vẫn đang trong lộ trình tiếp tục tích hợp các dịch vụ công, cải tiến, phát triển để phục vụ ngày một hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Để hiệu quả và tiện ích hơn nữa cho người sử dụng, hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG được đưa vào vận hành từ tháng 3-2020. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tuy thời gian không dài nhưng sau 6 tháng hoạt động, đến ngày 23-9, đã có hơn 18.000 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến, tổng giá trị thanh toán thành công là hơn 6,8 tỷ đồng.

Cùng với xu thế phát triển của thương mại điện tử, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã trở thành yêu cầu tất yếu của xã hội. Vì vậy, thủ tục thanh toán trực tuyến ngày càng tốt hơn, tiện lợi hơn, đó chính là đem lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian, giảm chi phí khi phải đi lại. Đến hết tháng 9-2020 Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ bảo đảm thanh toán được thông qua tất cả các tài khoản ngân hàng, các ví điện tử, bảo đảm thuận lợi cho người sử dụng.

Đến cuối tháng 9-2020, Cổng DVCQG đã cung cấp thanh toán trực tuyến cho các loại hình thu như: (1) Phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính; (2) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tế; (3) Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; (4) Nộp thuế; (5) Thu tiền điện…

Loại hình thanh toán hiện đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhiều nhất là đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chiếm khoảng 56%; phí, lệ phí khoảng 23,6%, thu phạt khoảng 18%.

Đối với dịch vụ công ngành bảo hiểm xã hội cung cấp trên Cổng DVCQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá những kết quả tích cực bước đầu của Cổng DVCQG có sự đóng góp, phối hợp rất tích cực của ngành bảo hiểm xã hội.

Với tổng số 27 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 18 thủ tục hành chính, trong đó 15 dịch vụ công trực tuyến của bảo hiểm xã hội đã tích hợp trên Cổng DVCQG.

"Đây đều là những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ lớn, liên quan mật thiết tới đời sống của nhân dân và đã được cung cấp mức độ 4, nghĩa là toàn bộ quy trình thực hiện thủ tục, bao gồm cả thanh toán đều có thể thực hiện trên Cổng DVCQG", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Sau thời gian ngắn triển khai, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay đã có hơn 8.000 lượt thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngành bảo hiểm xã hội, với số tiền thanh toán thành công gần 6 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong đó có 3 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ ngày 12-5 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bao gồm: Hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Kết quả, từ ngày 16-5 đến ngày 15-9, đã tiếp nhận 838 hồ sơ và giải quyết 283 hồ sơ của các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng DVCQG.

Qua tài khoản Cổng DVCQG, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các TTHC thông qua Cổng DVCQG là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch.

Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

“Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh tại hội nghị nêu trên. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực để việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng DVCQG là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính.