Vẻ vang lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam – Chiến công nối tiếp chiến công

Đế quốc Mỹ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

NDO -

NDĐT - Nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền bắc, hạn chế những tổn thất và cứu nguy cho cuộc chiến tranh ở miền nam, sau khi dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công “mũi tên xuyên”, dùng 64 chiếc máy bay đánh phá ồ ạt các khu vực: sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các đơn vị Hải quân, phòng không, dân quân tự vệ và các địa phương đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi tám máy bay, bắt sống một phi công Mỹ. Điển hình là ngày 5-8, Bộ Tư lệnh hải quân đã cử Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 phục kích, đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đồng thời bắn rơi một máy bay, bắn bị thương một chiếc khác. Ngà

Khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ vùng trời miền Bắc. (Ảnh tư liệu).
Khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ vùng trời miền Bắc. (Ảnh tư liệu).

Ngày 7-2-1965, đế quốc Mỹ dùng không quân mở chiến dịch “Mũi lao lửa” và từ ngày 2-3-1965, Mỹ ném bom liên tục, ác liệt hơn gọi là “sấm rền” đánh phá liên tục miền bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền bắc.
Số máy bay Mỹ sử dụng vào cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc năm 1965 trung bình mỗi ngày có 100 đến 160 lần cất cánh, ngày cao điểm là 250 lần cất cánh. Số bom Mỹ ném xuống chiến trường Việt Nam trong năm 1965 lên tới 310.000 tấn. Hạm đội 7 của Mỹ khống chế khu vực cửa biển miền bắc, dùng pháo bắn phá vào đất liền. Đây là lần đầu tiên trong chiến tranh xuất hiện kiểu chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với quy mô lớn và ác liệt.
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền bắc đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa chiến đấu vừa sản xuất đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1965, trên tuyến lửa Quân khu 4 bộ đội ta đã bắn rơi hơn 300 máy bay giặc Mỹ. Trong các ngày 26 và 30 tháng tháng 3 tại Rú Nài (Hà Tĩnh) bộ đội pháo cao xạ đã nhử địch vào trận địa, bắn rơi 12 chiếc máy bay, mở đầu cách đánh phục kích của bộ đội phòng không.
Quân dân xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ mở đầu phong trào thi đua dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ.
Trong trận chiến đấu ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 bảo vệ cầu Hàm Rồng, bộ đội ta đã bắn rơi hàng chục máy bay, bắt sống một số giặc lái. Những chiến công của bộ đội phòng không không quân đã làm nức lòng đồng bào chiến sĩ cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc xuất hiện mặt trận trên không. Ngày 3 tháng 4 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.
Ngày 24 tháng 7 năm 1965, tại trận địa Suối Hai, Tiểu đoàn tên lửa 62 và 64 của ta phóng những quả đạn đầu tiên bắn rơi máy bay F4C và bắt sống một giặc lái. Đây là chiến máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên chiến trường miền bắc. Ngày 24 tháng 7 trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa anh hùng.
Đến cuối năm 1965 quân và dân miền bắc đã bắn rơi 834 chiếc máy bay giặc Mỹ, tiếp đó bắn rơi 773 chiếc năm 1966. Năm 1967 bắn rơi 1.067 chiếc và 571 chiếc năm 1968, bắt sống hàng trăm phi công Mỹ, 143 lần bắn chìm và bắn cháy tàu chiến Mỹ-ngụy. Trước sự thất bại nặng nề ở miền bắc và cả miền nam, ngày 1-11-1968, Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền bắc, sau đó chấp nhận tham gia hội nghị bốn bên tại Pa-ri.

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Quân đội nhân dân, tập II, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân-1999

Bài tiếp theo: “Chiến thắng Vạn Tường – Bước đầu đánh thắng quân Mỹ về quân sự trong “chiến tranh cục bộ ””.