Để công tác thi đua, khen thưởng sát hơn với thực tế

Sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua, khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Cán bộ, nhân viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhận danh hiệu Thợ mỏ sáng tạo do công đoàn ngành trao tặng.
Cán bộ, nhân viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhận danh hiệu Thợ mỏ sáng tạo do công đoàn ngành trao tặng.

Đề cập về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung mới bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời đã thiết kế lại, tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ nguyên tắc, loại hình khen thưởng đến các quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng; đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, theo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.

Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung nguyên tắc “quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo”; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân. Quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong phát hiện nhân tố, điển hình tiêu biểu để khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền và trình cấp trên khen thưởng.

Trao đổi về công tác khen thưởng trong tình hình hiện nay, các đồng chí tại Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương cho biết thêm: Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng. Đáng chú ý trong đó là mục tiêu khen thưởng; nguyên tắc khen thưởng; sắp xếp lại thứ tự các loại hình khen thưởng gồm: Khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng phong trào thi đua, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng đối ngoại. Sửa đổi, bổ sung về hình thức khen thưởng: Quy định rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được tặng kỷ niệm chương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tặng huy hiệu để phù hợp thực tiễn và thống nhất hình thức khen thưởng. Quy định cụ thể đối tượng xét tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh là bộ, ban, ngành, tỉnh, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục và tương đương, “hệ lực lượng” thuộc Bộ Công an. Đối tượng xét tặng Huân chương Độc lập các hạng là bộ, ban, ngành, tỉnh, các tập thể thuộc và trực thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh để thực hiện nguyên tắc khen thưởng là “Bảo đảm thống nhất giữa thành tích, hình thức và đối tượng khen thưởng”. Bổ sung quy định tiêu chuẩn tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng cho bộ, ban, ngành, tỉnh nhân dịp kỷ niệm năm tròn, Huân chương Quân công các hạng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhân dịp kỷ niệm năm tròn để phù hợp quá trình triển khai thực hiện. Quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh cho đối tượng là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học để thực hiện chủ trương của Đảng về chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác. Bổ sung tiêu chuẩn phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu Anh hùng Lao động đối với cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất và bỏ quy định về thời gian 5 năm một lần xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng Lao động, theo nguyên tắc khen thưởng, kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa…

Dự thảo Luật sửa đổi đã bước đầu được lấy ý kiến góp ý tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại các hội thảo, hội nghị chuyên đề. Hầu hết các ý kiến cho rằng, dự thảo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Tuy nhiên cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu để đạt những mục tiêu quan trọng, trong đó tập trung khắc phục bệnh thành tích; công khai, minh bạch; bao quát, không để khoảng trống, bảo đảm sự bình đẳng trong các cơ quan, tổ chức chính trị; khắc phục tình trạng chồng chéo.