Đánh giá thận trọng, chắc chắn các chính sách đặc biệt, đặc thù

NDO -

Chiều 8/12, thảo luận tại phiên họp các nội dung về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và một số nội dung khác, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tinh thần “nhanh nhưng phải đúng, phải chắc chắn và hiệu quả”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch 2 năm vừa qua; đồng thời rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ nhận thấy mặc dù Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.

Đánh giá thận trọng, chắc chắn các chính sách đặc biệt, đặc thù -0
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) 

Qua tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược; Trang thiết bị y tế.

Theo đó, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Chính phủ kiến nghị, trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị mắc Covid-19 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19: Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị mắc Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại; Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị mắc Covid-19...

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn, do đó, cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, có nội dung trong dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại dự thảo Nghị quyết, chỉ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung được Quốc hội uỷ quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể, tiếp tục rà soát về kỹ thuật lập pháp để dự thảo Nghị quyết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, nhất là những vấn đề có liên quan đến chuyên môn về y tế.

Tham gia ý kiến thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, ngoài lực lượng y tế ra thì các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch hoặc được điều động tham gia phòng, chống dịch có cần cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù gì hay không? Lưu ý tới lực lượng y tế cơ sở, trên thực tế, biên chế của y tế cơ sở rất ít, lương thấp nên số lượng nhân viên y tế cơ sở bỏ việc rất nhiều do áp lực công việc lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát để có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ y tế cơ sở và lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay cũng xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.