Đa dạng, sinh động các hình thức tuyên truyền bầu cử

NDO -

Càng gần đến ngày bầu cử, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh với nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, sinh động. Thực tế triển khai tuyên truyền bầu cử ở một số địa phương thời gian qua cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, qua đó cử tri hiểu và tích cực tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Đường phố Hà Nội trước ngày bầu cử.
Đường phố Hà Nội trước ngày bầu cử.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Những ngày qua, nhiều cử tri vào trang web tuyên truyền bầu cử thành phố Hải Phòng https://www.baucuhaiphong.gov.vn xem chương trình hành động của ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội, ƯCV đại biểu HĐND thành phố để tìm hiểu thông tin, cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra quyết định bầu chọn những người thật sự tiêu biểu nổi trội. Phó Giám đốc Sở TT và TT thành phố Hải Phòng Vũ Đại Thắng chia sẻ, bên cạnh tuyên truyền qua loa phát thanh, báo chí, các cuộc họp…việc đưa thông tin bầu cử lên cổng thông tin điện tử giúp tuyên truyền sâu rộng, nội dung phong phú, dễ theo dõi, tra cứu nên số lượng người truy cập ngày càng tăng. Bám sát tiến độ công tác bầu cử, giai đoạn đầu tập trung đăng tải Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử; cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn người ứng cử, hồ sơ ứng cử, công tác chuẩn bị bầu cử ở địa phương…; thời điểm này tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, tiểu sử các ƯCV, quyền và nghĩa vụ của cử tri, thông báo thời gian, thể thức bầu cử... để cử tri hăng hái làm tròn trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Từ đầu tháng 5, tần suất tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) được đẩy mạnh, góp phần cho cuộc bầu cử thành công.

Đa dạng, sinh động các hình thức tuyên truyền bầu cử -0
 Sau khi được thông báo, người dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tới khu vực bỏ phiếu kiểm tra thông tin trong danh sách cử tri niêm yết.

Thời buổi công nghệ 4.0, mạng xã hội trở thành công cụ tuyên truyền bầu cử hữu ích, lan tỏa nhanh, mạnh. Từ ngày 13-5, Sở TT và TT Hà Nội gửi tin nhắn Zalo, nhắc lịch bầu cử để cử tri nắm bắt kịp thời thời gian tổ chức bầu cử, tích cực bầu đúng và bầu đủ, lựa chọn những người xứng đáng là đại biểu của dân. Thông tin cập nhật trên tài khoản Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” giúp người dân có thêm kênh tiếp cận toàn diện về cuộc bầu cử, trong đó quy định phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia bầu cử cũng được nhiều người quan tâm.

Tại nhiều địa phương, các nhóm Zalo được thành lập không chỉ trong nội bộ Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử, Tổ bầu cử… mà còn cả ở trong thành viên tổ dân phố, cư dân các khu dân cư, nhà chung cư, thu hút ngày càng nhiều người quan tâm, theo dõi bởi thông tin chính xác, cập nhật nhanh, phong phú, tạo khí thế sôi nổi, phấn chấn hướng về ngày hội của toàn dân.

Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Thanh Xuân (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Vân, nhóm Zalo của các tổ bầu cử thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo, nội dung hướng dẫn triển khai tạo cơ sở để mỗi thành viên nghiên cứu thực hiện và có phương án tuyên truyền phù hợp. Tại Bắc Giang, nhiều cách làm sáng tạo minh chứng hiệu quả thiết thực như cán bộ Sở Nội vụ dùng trang Zalo cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin và hình ảnh về bầu cử; đông đảo người dân hào hứng tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND”; biên soạn, đăng 200 câu hỏi đáp về bầu cử trên cổng thông tin điện tử của Sở TT và TT. Trên fanpage Hoa Biển của Hội LHPN thành phố Hải Phòng đăng logo, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử do Hội LHPN Việt Nam thiết kế; các nguyên tắc và hành vi bị cấm khi vận động bầu cử.

Những điều cần biết về cuộc bầu cử được Thành đoàn Hà Nội cụ thể hóa bằng infographic trực quan, sinh động, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu; xây dựng clip đồ họa chuyển động giới thiệu nguyên tắc và trình tự, thời gian, quy trình bỏ phiếu bầu cử; đoàn viên nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn Thủ đô tích cực hưởng ứng lan tỏa thử thách nhảy “Bầu cử trách nhiệm - Chống dịch toàn diện” bằng những lời ca và bước nhảy sôi động, ấn tượng trên mạng xã hội Facebook là cách làm sáng tạo, đậm dấu ấn sức trẻ, tạo hiệu ứng tuyên truyền tích cực.

Hiệu quả tuyên truyền trực quan

Các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan vẫn phát huy ưu thế riêng có với nhiều điểm nhấn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi hướng tới ngày hội của toàn dân. Trên khắp các con đường từ nông thôn đến thành thị, miền núi hay hải đảo, đâu đâu cũng trang hoàng rực rỡ, tưng bừng khí thế. Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) Nguyễn Văn Phương cho biết, kế hoạch tuyên truyền bám sát tiến độ bầu cử, tập trung cao điểm từ tháng tư, trên các tuyến đường của thị trấn và các xã treo cờ, pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu, biểu ngữ, băng thả, băng vượt đường… nhằm cổ vũ, khích lệ người dân tích cực tham gia bầu cử. 63 trong số 400 tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT và DL) phát động, trưng bày tại Trung tâm Triển lãm thành phố Hải Phòng thu hút đông đảo người dân thưởng lãm. Trong đó, nhiều tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao bởi bám sát chủ đề cuộc thi, đáp ứng tốt về mỹ thuật. Một số bức tranh của học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chào mừng những sự kiện lớn trong tháng 5 cũng chọn đề tài cử tri đi bầu cử, góp phần cổ động, tuyên truyền hướng về ngày hội lớn của non sông.

Đa dạng, sinh động các hình thức tuyên truyền bầu cử -0
 Pa-nô, áp-phích tuyên truyền bầu cử trên các tuyến đường huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Tuyên truyền qua loa phát thanh cũng mang lại hiệu quả tích cực, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi. Đài phát thanh huyện Gia Lâm (Hà Nội) và truyền thanh các xã, thị trấn phát sóng chương trình “Hướng đến bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” ngày hai lần, từ ngày 10-5 tăng lên năm chương trình/ngày và dành toàn bộ thời lượng 30 phút Chương trình phát thanh “Giới thiệu pháp luật” vào chủ nhật hằng tuần để tuyên truyền về Luật Bầu cử và Hỏi đáp về bầu cử; bố trí xe ô-tô gắn cụm loa phóng thanh tuyên truyền lưu động trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc (Mộc Châu, Sơn La) Vì Văn Biên hồ hởi, loa phát thanh các bản thường xuyên phát tin, bài, tài liệu truyên truyền theo trình tự thời gian của các bước thực hiện công tác bầu cử, cán bộ đến từng hộ dân lập danh sách cử tri kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở bà con đi bầu bảo đảm đạt tỷ lệ cao. Chủ tịch UBND Thị trấn Tân An (Yên Dũng, Bắc Giang) Chu Văn Giáp cho biết, hệ thống phát thanh thường xuyên tiếp sóng đài truyền thanh huyện và thông báo rộng rãi để các gia đình liên hệ con em đi làm ăn xa bố trí ngày bầu cử về quê đi bỏ phiếu.

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền bầu cử cũng được nhiều địa phương triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng. Tại Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức 56 cuộc tuyên truyền cho hơn 11.000 cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân lao động tại các doanh nghiệp và các khu nhà trọ về ý nghĩa, tầm quan trọng, pháp luật về bầu cử, công đoàn Công ty TNHH Crystal Sweater Việt Nam tổ chức gameshow “Công đoàn với ngày hội non sông” tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để công nhân lao động tìm hiểu thêm kiến thức về cuộc bầu cử qua các phần thi: cử tri thông thái, cử tri hành động, ngày hội non sông.

Sở Tư pháp Bắc Giang biên soạn cuốn hỏi đáp về bầu cử, tờ rơi tuyên truyền pháp luật về bầu cử, Ủy ban Bầu cử xã Quảng Minh (Việt Yên) chỉ đạo mỗi thôn kẻ vẽ, in ấn khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử, treo cờ Tổ quốc và in tài liệu, văn bản về bầu cử gửi đến các thôn để tuyên truyền và tổ chức thực hiện; Ủy ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo xây dựng clip hướng dẫn các bước bỏ phiếu phát trên đài truyền hình tỉnh và các khu vực bỏ phiếu, biên soạn bản hướng dẫn bỏ phiếu để cử tri dễ dàng nắm bắt; tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt xa bờ chủ động kéo dài hoặc rút ngắn thời gian đánh bắt trên biển để trở về, kịp có mặt bỏ phiếu đúng ngày bầu cử.