Tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư

Coi trọng tính khoa học và sáng tạo

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát quá trình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tận tình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: TTXVN.
Tận tình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: TTXVN.

Những lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục trong bài viết đã là câu trả lời khẳng định đầy đủ, rõ ràng về công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn. Những nội dung mà Tổng Bí thư đề cập cũng là mong ước của nhân dân, làm sao xã hội ngày càng phát triển thì đời sống nhân dân càng hạnh phúc.

Khẳng định tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, Tổng Bí thư đồng thời chỉ rõ chủ nghĩa, học thuyết về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu. “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới…”. Tổng Bí thư đã thể hiện quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của việc học đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, học có phê phán, có sáng tạo, tuyệt đối không được giáo điều, máy móc. 

Hiện nay, tại nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, yếu về lý luận, xa rời thực tiễn, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh máy móc, rập khuôn, giáo điều trong công việc và chỉ đạo, điều hành.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ở không ít địa phương nhiều chủ trương, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, chưa sát thực tiễn; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn xơ cứng, thiếu sáng tạo. Vẫn có hiện tượng, các cán bộ làm chính sách “trên giấy” hoặc “sao y” mô hình của những nơi khác, không phù hợp thực tiễn địa phương, hoặc sai lệch so với chính sách, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, niềm tin của nhân dân.

Để có tri thức khoa học, cán bộ, đảng viên cần thường xuyên chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cũng như nắm được tình hình trong nước và ngoài nước. Mặt khác, cần bám sát thực tế, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với quần chúng nhân dân để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp.

Trong nội dung đổi mới, cải cách hành chính hiện nay, phải đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, viên chức, lấy sự hài lòng, tin tưởng của nhân dân làm mục tiêu. Sáng tạo không chỉ là những công trình cao siêu mà còn là những sáng kiến mới, những nỗ lực đổi mới vì nhân dân, vì cộng đồng. Sáng tạo cũng là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể, cần phải có trong tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên để tạo thành văn hóa sáng tạo, vì sự phát triển bền vững của đất nước.