Chuyện kể về Lữ đoàn 125 Anh hùng

60 năm đã trôi qua, kể từ ngày thành lập Ðoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân, cũng là thời điểm đánh dấu ngày mở Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Ðây là một trong những quyết định chiến lược quan trọng của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị từ truyền thống cha anh, tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Quân nhân Lữ đoàn 125 thực hiện nghi lễ chào cờ trước khi lên tàu. Ảnh: TÀI CHÁNH
Quân nhân Lữ đoàn 125 thực hiện nghi lễ chào cờ trước khi lên tàu. Ảnh: TÀI CHÁNH

Bài 1: Bắt đầu từ Ðường Hồ Chí Minh trên biển

Từ năm 1961, ngày 23-10 trở thành Ngày truyền thống của Ðoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân ngày nay. Ðây cũng là ngày mở Ðường Hồ Chí Minh trên biển - thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng thuộc hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Chúng tôi đã có nửa tháng được chứng kiến công việc và sự rèn luyện hằng ngày của các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 tại Quân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ðã có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ và ý nghĩa khi chúng tôi được nghe các cán bộ, chiến sĩ chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ, mới hiểu vì sao, khi nhắc đến Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân, mọi người đều gọi tắt là Lữ đoàn Anh hùng.

Cùng thuyết minh viên Nguyễn Thị Hằng vào thăm Nhà truyền thống Lữ đoàn 125, chúng tôi thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về những chiến công anh dũng; những vất vả, gian nan không thể dùng ngôn từ để diễn tả; cả những trái tim trọn vẹn hướng về hai chữ thiêng liêng - Tổ quốc, của những cán bộ, thủy thủ của Lữ đoàn 125 trong suốt 60 năm qua. Tiền thân của Lữ đoàn 125 là Ðoàn 759. Năm 1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Ðoàn 759 vận tải thủy. Từ những ngày đầu thành lập, lực lượng của Ðoàn có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V được điều ra. Có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền nam bằng đường biển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, Ðoàn 759 đã lấy nhà số 83 Lý Nam Ðế (Hà Nội) làm trụ sở.

Ðường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðể bảo đảm bí mật cho những tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Ðoàn 759 đã cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, để từ đó, tên gọi Ðoàn tàu không số được ra đời. Việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ, quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, phương pháp vận chuyển chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới đã thể hiện rõ nét tầm nhìn chiến lược của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bến K15 (Ðồ Sơn, Hải Phòng) được coi là cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây, ngày 11-10-1962 chuyến tàu không số đầu tiên xuất phát chở 30 tấn vũ khí sau năm ngày cập bến Cà Mau thành công - khai thông tuyến vận tải quân sự đặc biệt trên Biển Ðông. Sau khi những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Cà Mau thắng lợi, đã khẳng định ta có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài, vì vậy cần phải có những phương tiện vận chuyển tốt hơn đi trong mọi thời tiết; Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Ðoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 đến 100 tấn. Cuối năm 1962, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thuộc Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm việc đóng tàu vỏ sắt.

Ngày 17-3-1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Ðinh Ðạt làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm chính trị viên chở 44 tấn vũ khí lên đường và đã vào bến Trà Vinh an toàn. Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) tiếp tục cho hạ thủy những chiếc tàu sắt thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ðoàn 759 đã tổ chức đi nhiều chuyến chở hàng hóa, vũ khí; những chuyến tàu cùng cán bộ, chiến sĩ bí mật, nối tiếp nhau rời bến, cập bến chi viện cho chiến trường miền nam.

Mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần thử thách đầy khó khăn, gian khổ, căng thẳng, hiểm nguy đối với cán bộ, chiến sĩ. Không chỉ đấu trí với kẻ thù mà họ còn phải đối mặt với thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt. Ngay trong Ðoàn, không tàu nào biết tàu nào. Trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ cũng không được tiếp xúc với bạn bè, người thân. Nhờ tổ chức tốt, kỷ luật nghiêm, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần vững vàng và trình độ chuyên môn giỏi, những chuyến đi của Ðoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ được bí mật. Chỉ trong vòng một năm, Ðoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường, đạt hệ số vận chuyển cao. Ðây là chiến công to lớn góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân miền nam.

Nếu như vận chuyển đường bộ phải chuyển tiếp qua nhiều chặng, qua nhiều lực lượng, phương tiện, phải mất hàng tháng trời mới đến đích thì vận chuyển bằng đường biển tuy gian nan, nguy hiểm nhưng nếu vượt qua sự ngăn chặn của địch và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thì chỉ chưa đầy một tuần đoàn tàu đã có thể vào tới chiến trường. Thêm một nhiệm vụ cũng rất quan trọng của những chuyến tàu không số là đã đưa đón hàng trăm cán bộ cấp cao của Ðảng, Nhà nước, Quân đội và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường miền nam.

Ðể giữ bí mật, những đoàn tàu không số thường phải đi trong mưa bão để tránh tàu tuần tiễu, tuần tra của địch. Chính vì thế, không phải lúc nào cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều chuyến tàu gặp địch tuần tra, kiểm soát gắt gao, để giữ bí mật của con đường chiến lược, đành phải quay về. Có lần tàu bị mắc cạn gần đồn của địch, đúng lúc chúng đang càn quét ở vùng này; để giữ bí mật lâu dài, ban phụ trách bến nhiều lần yêu cầu cho phá hủy tàu; song cán bộ, chiến sĩ đã hạ quyết tâm không phá tàu, quyết ở lại giữ tàu, thi gan, đấu trí với máy bay địch; do đó đã giữ được bí mật tuyệt đối cho những chuyến đi quan trọng.

Tháng 8-1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Ðoàn 759 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 29-1-1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Ðoàn 759 thành Ðoàn 125. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Ðoàn 125 khẩn trương củng cố tổ chức và ổn định mọi mặt; vừa xây dựng, vừa vận chuyển; không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tích mới.

Từ năm 1971 đến 1972 là giai đoạn cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 125 phải đối mặt với những thử thách cam go, ác liệt. Trong đội ngũ trung kiên của Ðoàn đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng. Năm 1972, Tàu 645 gặp địch, buộc phải quay ra vùng biển quốc tế, tàu chiến của địch phát hiện và kèm sát tàu của ta với ý đồ bắt sống Tàu 645; gọi đầu hàng không có kết quả, địch bắt đầu nổ súng. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt; một số cán bộ, chiến sĩ ta bị thương và hy sinh, tàu bị hỏng lái, không điều khiển được. Ðại tá Phạm Minh Chiến, Chính ủy Lữ đoàn xúc động khi nhớ lại về lịch sử của chuyến tàu này: "Tại thời khắc đó, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đề nghị cho anh em rời tàu, còn anh ở lại chọn lúc tàu xa anh em mới điểm hỏa hủy tàu để giữ bí mật tuyến đường biển. Thiếu úy Nguyễn Văn Hiệu đã anh dũng hy sinh cùng con tàu". Ngày 6-11-1978, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong 10 năm (từ 1962 đến 1972) đã có hàng trăm chuyến tàu của Ðoàn 125 xuất phát, vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa, vũ khí các loại, kịp thời chi viện cho chiến trường miền nam. 10 năm vận chuyển là 10 năm kiên gan, chiến đấu bền bỉ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 125. Các cán bộ, chiến sĩ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn mưu trí, dũng cảm; vượt qua sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù để hàng trăm lượt tàu vẫn ra khơi, hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục nghìn lượt người đã từ hậu phương vào tiền tuyến, trực tiếp góp phần giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Bên cạnh những chiến công anh hùng ấy, nhiều con tàu đã bị địch phát hiện bắn phá hỏng, hoặc buộc phải hủy để bảo đảm bí mật, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông.

Những tấm gương của các đồng chí Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu... của Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân là điển hình anh hùng sống mãi với con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, mãi mãi cùng con tàu ở lại với biển, với non sông đất nước. Họ đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần lớn vào thắng lợi vĩ đại thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

Cùng với Ðường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Ðường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong đó cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp là Ðoàn 759 trước đây, Ðoàn vận tải quân sự 125 và Lữ đoàn 125 ngày nay là lực lượng nòng cốt. Nhiều thế hệ cán bộ, thủy thủ của Ðoàn tàu không số luôn là những tấm gương về sự trung thành vô hạn với Ðảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quật cường, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những con người can trường trên hành trình chiến đấu ấy đã làm nên những sự tích anh hùng, những huyền thoại của Ðoàn tàu không số, xâu chuỗi thành con đường bất tử - Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Bài 2: Xây dựng Ðảng để phát huy truyền thống anh hùng

Bài 3: Hát mãi thiên anh hùng ca bất tử