Chuẩn hóa trường chính trị góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh, hiệu quả

NDO -

Ngày 1/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về trường chính trị chuẩn. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ mục đích công nhận trường chính trị chuẩn nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị. Ngoài ra, chuẩn hóa các mặt công tác sẽ tạo cơ sở cho các trường chính trị tăng cường việc hợp tác, chia sẻ nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cả trong nước và quốc tế. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa, các trường chính trị cấp tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước ở địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta trong tình hình mới.

Nội dung cốt lõi của Quy định số 11-QĐ/TW chính là Bộ Tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị lãnh đạo trường chính trị tại các địa phương nhanh chóng phổ biến thông tin, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên của trường về những tiêu chí trong Quy định; rà soát, thống kê hiện trạng của trường về các lĩnh vực công tác cần chuẩn hóa, nhất là về đội ngũ cán bộ, viên chức; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất...

Để công tác giảng dạy đạt kết quả tốt, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ, giảng viên trường chính trị phải gương mẫu toàn diện từ lời nói đến việc làm; thường xuyên trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch. Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức trường chính trị. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo và tạo điều kiện để trường chính trị tăng cường mở các lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại trường; bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên. Từ đó, phấn đấu 100% cán bộ giảng dạy ở các trường chính trị phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị. 

Đặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham mưu triển khai Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và hướng dẫn quy trình, tham gia thẩm định, công nhận trường chính trị chuẩn; thống nhất tham mưu quy định về tiêu chuẩn, đối tượng học Trung cấp lý luận chính trị.