Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ công bố huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 30/4, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ và lăng mộ Nguyễn Xí; Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Cầu Cấm và công bố huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới. Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao bằng công nhận huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao bằng công nhận huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Nghi Lộc tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng, quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt, chí sĩ yêu nước, các vị cách mạng tiền bối của Đảng. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất này luôn là địa bàn chiến lược, trọng yếu; nhân dân có đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất; đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Dấu tích lịch sử-văn hóa còn in đậm trên vùng đất linh thiêng này, ghi dấu chặng đường hình thành và phát triển, đặc điểm văn hóa, cư dân nơi đây. Đến nay toàn huyện có 32/240 di tích đã được xếp hạng. Trong đó có, đền thờ và lăng mộ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí và di tích lịch sử Cầu Cấm. Ngày 4/11/2020, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 3241/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với địa điểm lịch sử Cầu Cấm.

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Lộc đã huy động, bố trí hơn 6.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội tại các xã, thị trấn; trong đó đã huy động nhân dân đóng góp 1 triệu ngày công, hiến hơn 3,5 triệu m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng nguồn lực gần 1.500 tỷ đồng gồm tiền mặt, hiện vật. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, đến nay toàn huyện có trên 90% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Các mô hình liên kết giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu; giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện không ngừng tăng lên từ 1.366 tỷ đồng năm 2011 lên 1.706 tỷ đồng năm 2020; quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp quy mô từ 50-150ha vùng; xây dựng 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 40.900m2, mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 800 triệu đồng/ha/năm.

Trên địa bàn huyện có 310 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 40 trang trại đạt tiêu chuẩn cho sản lượng thịt hơi các loại đạt 9.000 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 540 tỷ đồng. Các hợp tác xã, làng nghề đã tham gia xây dựng, phát triển và từng bước tiêu chuẩn hóa hơn 40 sản phẩm đặc sản của địa phương để xây dựng các sản phẩm OCOP.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 47 triệu đồng/năm (tăng gần 34 triệu đồng/người so với năm 2010)… An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường...

Với những thành quả trên, ngày 18/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1940/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Nghi Lộc đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ huyện Nghi Lộc đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2020 của tỉnh Nghệ An.