Chủ tịch Quốc hội: "Tháo gỡ “điểm nghẽn” sẽ giúp Cà Mau bứt phá"

NDO -

Hai “điểm nghẽn” lớn nhất của Cà Mau là giao thông và quy hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một khi tháo gỡ được khúc mắc trên thì Cà Mau sẽ có điều kiện bứt phá nhanh và bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Sáng 25/1, tiếp tục chuyến công tác tại Cà Mau, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.

Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải…

Từ địa phương nghèo thuần nông, sau 25 năm tái thành lập tỉnh, Cà Mau đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có sự chuyển biến đáng kể.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn giúp Cà Mau có điều kiện bứt phá bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, cùng kiến nghị, đề xuất Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xem xét hoặc có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ủng hộ, quan tâm nhiều hơn để giúp Cà Mau tháo gỡ 4 vấn đề lớn:

Thứ nhất, xem xét, sớm có ý kiến với Bộ Công thương thống nhất khi tỉnh Cà Mau xin ý kiến về đề xuất bổ sung cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng vào quy hoạch (trong đó dự kiến sử dụng sản lượng điện công suất 260 MW từ lưới điện quốc gia cho Dự án Nhà máy sản xuất khí hydro xanh), làm cơ sở để địa phương quyết định bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch và thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định. 

Thứ hai, Chủ tịch Quốc hội xem xét, thống nhất để tỉnh Cà Mau quản lý, thu thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Cụm Dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. 

Thứ ba, giúp Cà Mau gỡ khó khăn để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, như: Chỉ đạo, giao Bộ Giao thông vận tải cho chủ trương sớm thực hiện sửa chữa, nâng cấp Sân bay Cà Mau để đưa vào khai thác, vận hành trong nửa đầu năm 2022 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư nâng cấp Sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (khả năng đón tàu có tải trọng đến 250.000 DWT) trong quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở để tỉnh Cà Mau xúc tiến thủ tục mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi với quy mô 6 làn xe vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Hiện nay, Cà Mau đã có nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận và đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu lưu thông từ nay đến năm 2030, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét, có ý kiến để Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau bảo đảm quy mô 4 làn xe. 

Thứ tư, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn giai đoạn 2021-2025 cho 5 dự án, với tổng vốn dự kiến khoảng 2.860 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đạt được trong suốt thời gian qua. Nhất là năm 2021, dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Cà Mau đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, điều trị khỏi cho hơn 90% số ca mắc, giảm tối đa ca bị tử vong; phủ vaccine hơn 99% dân số từ 12 tuổi trở lên và đang tiêm mũi tăng cường. 

Bày tỏ vui mừng và xúc động mỗi khi về Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chia sẻ: “Mỗi lần về đây là mỗi lần tôi xúc động, nhất là khu vực miệt rừng ngập mặn Ngọc Hiển gắn đến tên tuổi của vị Anh hùng trong cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai. Ngọc Hiển còn là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, có văn hóa sông nước đặc thù và có Mũi Cà Mau - vùng đất thiêng liêng cũng là nơi ghi dấu khẳng định chủ quyền nước ta trên đất liền”. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ngọc Hiển và Đất Mũi còn có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Vì thế, lãnh đạo Cà Mau cần hết sức chú ý để đầu tư cho huyện Ngọc Hiển và Đất Mũi. 

Đồng tình với các đề xuất của tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ 2 điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh là về giao thông và công tác quy hoạch. Là nơi xa xôi nhất của cả nước, nếu Cà Mau không giải quyết được 2 việc trên thì khó thu hút đầu tư để bứt phá, phát triển. Đó cũng là lý do trong chỉ đạo đối với Cà Mau trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch tổng thể phát triển vì Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao về vấn đề quy hoạch để đẩy nhanh quá trình này. Trong quy hoạch, Cà Mau cần lưu ý tiến hành song song quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, huyện, cái nào xong trước làm trước rồi đến quy hoạch đất đai, xem xét lại số liệu thực tế đất đai so với số liệu sổ sách vì đang có sự chưa thống nhất. Cùng với đó, cần xem lại kịch bản tăng trưởng cho từng năm, biện pháp làm sao để có những ưu tiên phù hợp, đặc biệt là các ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông. 

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện 6 nội dung trọng tâm. Trong đó, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng, nhất là các quy định về trách nhiệm nêu gương với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp, bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. 

Trên cơ sở Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Cà Mau cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả các chương trình nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Trong đó, cần chú trọng phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững. 

Cùng với đó, cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách, các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, chuyển hóa thách thức thành cơ hội phát triển; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, đặc biệt là con tôm và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển của tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Trong năm 2022, chương trình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc có 4 chuyên đề giám sát, có chuyên đề liên quan đến Cà Mau. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh quan tâm đến việc trên, nhất là những vấn đề liên quan tới công tác quy hoạch, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tổng hợp lại gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trên tinh thần ưu tiên nhất để Cà Mau tháo gỡ điểm nghẽn, có điều kiện tăng tốc, bứt phá, thật sự là một trong 4 cực tăng trưởng bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long.