Tâm huyết với chỉ đạo của Tổng Bí thư

Chủ động, kịp thời xử lý các nguy cơ rủi ro trong tình hình mới

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 15/9/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh: "phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến". Nhìn trực diện vào tình hình trong nước và thế giới, có thể nêu lên một số nguy cơ rủi ro.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9. Ảnh: TTXVN

Một là, đất nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình do hệ thống chính sách không tạo đủ động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng phát triển kinh tế khi mà một quốc gia, sau khi thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, nghèo đói và thu nhập thấp, không tiếp tục phát triển đủ mạnh để vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình. Theo giá trị tiền tệ năm 2010, Ngân hàng Thế giới xác định mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm từ 1.000 USD đến 12 nghìn USD là mức thu nhập trung bình (middle income)(1). Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2017 nhận định, thời gian trung bình để một quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên thu nhập cao là 30 đến 40 năm. Hết thời gian "vàng" này, thu nhập không tăng lên, quốc gia đó chính thức bị đánh giá là rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Từ năm 1945 đến nay, hàng trăm quốc gia trên thế giới đã thoát nghèo để đứng vào đội ngũ thu nhập trung bình, nhưng rất ít quốc gia vượt qua vạch vôi trung bình cao để "hóa rồng", "hóa hổ" như những điển hình công nghiệp hóa mới, hiện đại, văn minh. Tình trạng tụt hậu cả tuyệt đối và tương đối vẫn rất gay gắt trên thế giới. Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng nước ta vẫn tụt hậu ít là 5 đến 10 năm, nhiều là 20 năm trở lên về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để phòng tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần vừa phát triển với tốc độ cao kéo dài, vừa phát triển một cách bền vững với chất lượng cao và đặc biệt phải phòng tránh nguy cơ sai lầm về chính sách. Phát triển nhanh và bền vững là hướng đi đúng đắn, nhưng để phát triển nhanh, cần một hệ thống chính sách khác với hệ thống chính sách cần thiết cho phát triển bền vững. Thách thức đặt ra ở đây là năng lực và nghệ thuật kết hợp hai hệ thống chính sách khác nhau (thậm chí đối lập nhau) trong một quá trình phát triển thống nhất. Chìa khóa cho vấn đề nan giải này chính là đổi mới sáng tạo, kiên quyết thoát khỏi kiểu phát triển dựa chủ yếu vào nhân công giá rẻ, tài nguyên và lao động thủ công, chuyển sang phát triển có sức cạnh tranh cao, dựa chủ yếu vào việc gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp.

Hai là, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không được khắc phục, bùng phát thành lực lượng làm thay đổi định hướng phát triển. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: "Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn... Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp… là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới".(2)

Cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã đạt được những thành tựu vĩ đại là nhờ toàn Đảng, toàn dân kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là nhờ nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển. Nguy cơ, rủi ro "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" dẫn đến chệch hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay đến từ cả hai thái cực "tả" khuynh và "hữu" khuynh, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại… Về chính trị, mọi sự tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ mục tiêu chủ nghĩa xã hội đều là rủi ro đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế, cả quan điểm bác bỏ kinh tế thị trường và quan điểm kinh tế thị trường chung chung đều phá hủy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Về văn hóa - xã hội, tách rời việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa khỏi các điều kiện cụ thể của đất nước hoặc thái độ hư vô chỉ cần xây dựng con người nói chung đều thủ tiêu chủ thể lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về đối ngoại, lấy hệ tư tưởng làm tiêu chí hàng đầu, duy nhất hoặc tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia dân tộc, không gắn với sự nghiệp cách mạng trên thế giới đều vi phạm một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Để phòng ngừa nguy cơ, rủi ro phức tạp này, điều trước tiên là phải nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ then chốt, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trung ương Đảng đã xác định rất trúng, đặc biệt coi trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược. Chủ trương này cần được thể chế hóa kịp thời với những chương trình, kế hoạch, quy định cụ thể.

Ba là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không được kiểm soát, làm bùng nổ xung đột, chiến tranh; Việt Nam mất đi môi trường quốc tế hòa bình, ổn định. Dù xảy ra ở điểm nóng nào, chiến tranh đều làm cho môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi mà Việt Nam được thừa hưởng trong quá trình đổi mới sẽ không còn nữa. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoạt động xuất, nhập khẩu, tiến trình hội nhập quốc tế... sẽ bị ngưng trệ, làm hàng loạt các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không còn đủ nguồn lực và điều kiện triển khai.

Để giảm thiểu tác động từ nguy cơ rủi ro này, Việt Nam cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương sáng suốt của Đảng nêu ra tại Văn kiện Đại hội XIII là: "Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa"(3). Đây không chỉ là nhiệm vụ quốc phòng, mà là kế sách phòng tránh chiến tranh ngay trong thời bình, từ lúc nước chưa nguy, phải được nhận thức và hành động ở chiều sâu và tầm cao văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội. Cha ông ta trong lịch sử nhờ thường xuyên "thái bình tu trí lực", biết sửa mình trị nước, khoan thư sức dân, mở mang sản nghiệp, tôn tạo nền tảng quốc gia, khéo léo bang giao, sẵn sàng phương lược… nên vững bền Đại Việt "vạn cổ thử giang san", như lời phú của danh tướng Trần Quang Khải. Kế sách giữ nước ngay trong việc dựng nước, từ sớm, từ xa hết sức quý báu này cần được nghiên cứu tổng kết công phu, bài bản để quốc gia dân tộc Việt Nam ngày nay tồn tại trong hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Các nguy cơ rủi ro như đã trình bày xuất hiện từ bên trong và đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, dù là bên trong hay bên ngoài, các nguy cơ rủi ro này trở thành sự thật hay không và tác động đến mức nào, đều phụ thuộc vào nhân tố chủ quan, bên trong chúng ta. Bởi vậy, kịp thời nhận thức và tranh thủ thời gian bắt tay vào hành động là cách thức tốt nhất để biến "nguy" thành "cơ", hay ít nhất thì cũng để không bị động, bất ngờ trong mỗi bước đi, trong từng chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan nội chính có vai trò, vị trí nòng cốt, chiến lược.

-------------------------------

(1) The Economist, Asias Middle Income Trap.

https://www.economist.com/graphic-detail/2011/12/22/running-out-of-steam

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.108

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.117