Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cần tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 40, ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an xã, thị trấn trong hoạt động điều tra. Một số ý kiến cho rằng, hoạt động của công an xã, phường, thị trấn là hoạt động tiền tố tụng chứ không phải là hoạt động trong tố tụng. Trong khi đó, hoạt động điều tra chỉ được coi là hoạt động trong tố tụng từ khi vụ án được khởi tố để điều tra. Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh đề nghị, cần quy định cụ thể trách nhiệm của công an cấp xã, thị trấn theo hướng các cơ quan này là đơn vị hỗ trợ hoạt động điều tra, tránh hiểu sai cơ quan công an cấp xã, thị trấn cũng là một cấp điều tra. Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định vai trò, trách nhiệm của công an xã, thị trấn trong hoạt động điều tra hình sự. Do vậy, dự thảo luật quy định cơ quan này thực hiện nhiệm vụ như một cơ quan điều tra là không phù hợp.

Đề cập nội dung của dự thảo luật liên quan việc bổ sung một số cơ quan như Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này, tránh tình trạng nhiều đơn vị cùng có chức năng điều tra, dẫn đến chồng chéo. Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung nhiệm vụ điều tra hình sự cho lực lượng Bộ đội biên phòng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, nhưng cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia.

Cho ý kiến vào Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức lại hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam theo mô hình dọc do Bộ Công an quản lý để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng bức cung, dùng nhục hình. Theo Ủy ban Tư pháp của QH, bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh quản lý là chưa phù hợp. Vì vậy, đề nghị tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và đề nghị cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra.

Một nội dung được nhiều ý kiến tập trung góp ý là thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đã quy định rõ, Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam. Do vậy, không nên giao thẩm quyền này cho cơ quan Công an nhằm bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động giam, giữ. Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và việc gia nhập Công ước Viên năm 1980.