Các chức sắc tôn giáo ở Tây Nguyên bác bỏ những điều vu cáo, xuyên tạc

Trong ngày 10 và 11-4, ở một vài nơi trong tỉnh Ðác Lắc và Gia Lai xảy ra những vụ gây rối trật tự công cộng, nguyên nhân là do một số đồng bào người dân tộc thiểu số bị bọn xấu, có sự tiếp tay từ các thế lực bên ngoài, xúi giục, lừa phỉnh đã làm những việc quá khích, tổn hại đến cuộc sống bình yên mà cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã xây đắp trong nhiều năm qua. Một số thế lực thù địch bên ngoài đã vu cáo, xuyên tạc, dựng lên cái gọi là "đàn áp, ngăn cản hoạt động tôn giáo" ở Tây Nguyên. Chúng tôi đã gặp một số chức sắc các tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên và họ đã lên tiếng bác bỏ sự vu cáo, xuyên tạc đó.

Trên địa bàn Tây Nguyên, các tôn giáo như: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài đã và đang hoạt động. Chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Ðồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những kẻ lợi dụng tôn giáo, hoạt động chống phá sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Trên thực tế, đồng bào các tôn giáo ở Tây Nguyên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương trong thời gian qua, sống "tốt đời đẹp đạo", "sống phúc âm, phụng sự thiên chúa, phục vụ Tổ quốc..."

Chúng tôi có dịp về làng MNú, xã Chư Á, thành phố Plây Cu tham dự buổi sinh hoạt thường kỳ của trên một nghìn bà con tín hữu tại đây. Ðây là một sinh hoạt được duy trì thường xuyên vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, kể từ khi chi hội Tin lành của làng được chính thức công nhận tư cách pháp nhân. Mục sư Siu Bek là quản nhiệm. Khi hỏi ý kiến của ông về những luận điệu xuyên tạc với dụng ý xấu của thế lực thù địch về cái gọi là "ngăn cản các hoạt động tôn giáo và đàn áp tôn giáo", ông khẳng định: Ðó là sự xuyên tạc trắng trợn. Bản thân tôi là một trong những mục sư vừa được tấn phong, đã có hơn 10 năm làm quản nhiệm, thường xuyên đi lại gặp gỡ các tín hữu, tôi chưa bao giờ gặp sự cản trở nào trong các hoạt động tôn giáo, kể cả trước đây, khi chi hội do tôi phụ trách chưa được công nhận tư cách pháp nhân. Từ khi chi hội chính thức ra mắt, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về nhiều mặt của chính quyền, các sinh hoạt trong chi hội được tổ chức thường xuyên hơn, quy củ và nền nếp hơn...

Trước đó, nghĩa là chỉ sau hai ngày xảy ra việc một số bà con nghe theo bọn xấu xúi giục, tụ tập, gây rối trật tự công cộng, chúng tôi về xã AMa Rơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) dự lễ ra mắt chi hội Tin lành Plei RNgol với sự tham gia của 736 tín hữu, thay mặt hơn hai nghìn tín hữu đang sinh sống trên địa bàn. Tại đây, mục sư Siu YKim, Ủy viên Ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) nói: Thay mặt bà con tín hữu chi hội Tin lành Plei RNgol nói riêng và bà con tín hữu Tin lành trong tỉnh Gia Lai nói chung, tôi cảm ơn Ðảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tổ chức các hoạt động tôn giáo trong thời gian qua đúng với tôn chỉ mục đích của đạo pháp và pháp luật của Nhà nước.

Trước những thông tin mà các thế lực xấu vu cáo, xuyên tạc về vấn đề tôn giáo, ông Siu YKim cho biết: Ðiều đó hoàn toàn trái với thực tế. Hôm nay, việc ra mắt chi hội Tin lành Plei RNgol là một minh chứng rõ ràng. Về phía chúng tôi, từ khi được công nhận tư cách pháp nhân, được tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức hoạt động, các chi hội thật sự là chỗ dựa của các tín hữu, thực hiện đúng tinh thần "sống phúc âm, phụng sự thiên chúa, phục vụ Tổ quốc...".

Ông Nguyễn Thành Cam, phó Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Gia Lai còn cho biết: Cùng với việc ra mắt chi hội Tin lành Plei RNgol, đến nay trên địa bàn Gia Lai đã có 11 chi hội Tin lành và các chi hội đều được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động. Trong tỉnh còn có 10 vị mục sư vừa được tấn phong phụ trách hoạt động của các chi hội. Không chỉ với Tin lành, các tôn giáo khác cũng được tạo điều kiện hoạt động, giúp bà con thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình theo tinh thần "tốt đời đẹp đạo".

Chúng tôi tiếp xúc và trao đổi ý kiến với Thượng tọa Thích Từ Hương, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai. Ông cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 66 nghìn phật tử, với 218 tu sĩ và tăng ni, 66 Chùa và Tịnh xá. Trong thời gian qua, Ban trị sự đã được tạo điều kiện thuận lợi trong việc truyền đạo, đào tạo bồi dưỡng tăng ni và hoạt động tôn giáo ở các chùa. Nhiều chùa được xây dựng, trùng tu, góp phần làm đẹp cảnh quan văn hóa, nhiều chức sắc, tăng ni và bà con phật tử được tặng huy chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc".

Hiện ở tỉnh Gia Lai có 230 nghìn đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo, bà con theo đạo đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội và nhiều người là gương điển hình trong các phong trào ở cơ sở. Chỉ tính riêng trong hai năm gần đây, trong số một nghìn hộ có tín ngưỡng tôn giáo đăng ký tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi và công tác xã hội tốt do UBMTTQ tỉnh phát động và qua phong trào này, đã có 612 hộ đạt danh hiệu nói trên, trong đó có 100 hộ đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, 156 hộ đạt cấp huyện và 356 cấp xã. Tiêu biểu là gia đình ông Trần Văn Hạnh (theo đạo Thiên chúa giáo) ở xã Ðác Ya, huyện Ðác Ðoa, do cần cù lao động, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng (đã trừ chi phí), gia đình ông Nguyễn Bốn (theo đạo Phật) ở xã H'Neng, huyện Ðác Ðoa thu nhập 60 triệu đồng/năm, gia đình ông Kpă Tiêm (Tin lành) ở xã Ma Yươm, huyện Ia Pa, thu nhập trên 20 triệu đồng/năm...

Tiếng chuông nhà thờ ở ngã sáu Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) vẫn ngân vang mỗi khi giờ hành lễ đến. Các tín đồ rủ nhau đến nhà thờ nghe giảng đạo, nếp sinh hoạt ấy trong đồng bào công giáo ở Ðác Lắc này đã có từ lâu và được duy trì thường xuyên. Chúng tôi gặp linh mục Giuse Nguyễn Tiến Sự, quản xứ giáo xứ Thánh linh, Buôn Ma Thuột. Ông nói lên suy nghĩ của mình: Tôi mong các tôn giáo hãy đoàn kết để xây dựng nước ta ngày càng văn minh, giàu đẹp. Tôi muốn nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài đã tìm ra chân lý cuộc sống cho dân tộc Việt Nam. Không những vậy, Người có tư tưởng rất đúng đắn về tôn giáo, càng nghiên cứu tôi càng kính phục Người. Kế thừa tư tưởng của Người, Ðảng và Nhà nước ta đã có những chính sách nhất quán về tôn giáo. Tôi hoan nghênh và biết ơn về điều đó. Tôi thường xuyên nói với giáo dân rằng: Chúng ta có chung một tổ tiên và chúng ta đang sống trong lòng Tổ quốc Việt Nam, chúng ta được tự do, bình đẳng hoạt động tôn giáo là nhờ những chính sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước. Tôi phản đối những phần tử xấu đội lốt tôn giáo, lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Thượng tọa Thích Chánh Quang, Phó Ban thường trực Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Kon Tum, hơn 10 năm trụ trì ở chùa Tổ đình bác ái. Chùa được xây dựng vào năm 1931. Trong mấy ngày qua, ông nghe những tin không vui về việc gây rối trật tự công cộng ở một số nơi trên mảnh đất Tây Nguyên vốn thanh bình. Về thông tin bịa đặt nói rằng "có sự đàn áp, ngăn cản hoạt động tôn giáo" ở Tây Nguyên, ông tỏ rõ quan điểm của mình: Tôi bác bỏ luận điệu xuyên tạc đó. Những giờ giảng giáo lý, chúng tôi thường nói về chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước, phải lo cho quốc thái dân an. Chúng tôi khuyên phật tử phải một lòng vì nước, chấp hành luật pháp Nhà nước và làm tròn bổn phận công dân...

Khi được hỏi về hoạt động tôn giáo ở địa phương, chị Y DYứt, dân tộc Gia Rai, ở làng Kon Tum Kpơng, phường Thắng Lợi (tỉnh Kon Tum), cho biết: Gia đình mình theo đạo Tin lành đã lâu, riêng mình theo đạo từ nhỏ và cả làng này theo đạo Tin lành, dân làng đoàn kết yêu thương nhau, mọi người luôn giúp đỡ nhau trong sản xuất, sinh hoạt. Chúng mình hiểu và làm theo lời của chúa là sống "tốt đời, đẹp đạo". Là người theo đạo lâu năm, nhưng vừa qua nghe một số thông tin bịa đặt, mình cùng nhiều người trong làng phản đối những điều dối trá đó.

Mục sư Kơ Liêng Ha Sơng, người dân tộc Kơ Ho Chil ở buôn Bonneur C, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng) mời chúng tôi vào ngôi nhà xây khang trang của mình bên cạnh nhà nguyện bình yên nằm giữa buôn. Ông cùng các tín đồ Tin lành trong buôn trò chuyện rất cởi mở. Ông cho biết: Ðồng bào buôn Bonneur C theo đạo Tin lành từ năm 1953, hiện nay có 260 tín đồ.

- Xin lỗi ông, chúng tôi hỏi: Kẻ xấu nói rằng, Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị trong đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số, là người chăn chiên, mục sư nghĩ thế nào về luận điệu đó?

Không cần suy nghĩ nhiều, mục sư Hà Sơng nói ngay: Chúng tôi biết, kẻ đưa ra luận điệu xấu đó là Ksok Kok, một tên tội lỗi, là Phun-rô lưu vong nhiều năm sống ở đất Mỹ, cùng với một số kẻ xấu khác đã nhiều lần nói xấu Việt Nam, âm mưu khuấy động sự bình yên của vùng đất Tây Nguyên. Anh em chúng tôi, những người chăn chiên và có tín ngưỡng thực sự bất bình vì Ksok Kok mượn danh Chúa để làm điều ác. Nói Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo là một sự vu cáo, bịa đặt. Theo ý Chúa, những kẻ dối trá như thế đáng đày xuống hỏa ngục! Sự thực trên vùng đất chúng tôi đang sống và hành đạo rất bình yên. Mọi người hòa hợp để xây dựng cuộc sống với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước. Bà con theo đạo cũng như không theo đạo ý thức rõ nghĩa vụ của mình và ai cũng được tôn trọng tự do tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Ðể minh chứng cho lời nói đó, mục sư đã dẫn chúng tôi sang nhà thờ và dự buổi hành lễ do ông chủ trì. Mục sư rao giảng cho tín đồ những điều tốt đẹp, có ích với cuộc sống hiện tại và tương lai của các con chiên.

Tại ngôi nhà thờ mới ở trung tâm xã vừa khánh thành, linh mục Phạm Quang Hào, phụ trách giáo xứ Suối Thông, xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng), dù rất bận rộn nhưng vẫn dành một buổi trò chuyện với chúng tôi. Mục sư kể: Trước hết cho phép tôi cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho giáo dân có thêm một nơi thờ Chúa, hành lễ và sinh hoạt tôn giáo khang trang. Chăn chiên ở một vùng phần lớn giáo dân là bà con dân tộc thiểu số Kơ Ho và Churu, chúng tôi có ý thức trong việc phối hợp và hỗ trợ phần nào với chính quyền nhằm giữ sự bình an, ổn định cuộc sống anh em Ki-tô hữu. Trong những buổi hành lễ, chúng tôi thường khuyên bà con phải biết sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, răn dạy con chiên không được làm điều xấu, vừa ảnh hưởng đến trật tự, vừa trái với giáo lý và những điều răn của Chúa. Ngừng một lát, mục sư Phạm Quang Hào nói: Chúng tôi phản đối những luận điệu vu cáo, xuyên tạc mà Ksor Kok cùng với những kẻ xấu đã rêu rao. Những người dân ở đây sống bình an, vì sự đổi mới của quê hương, bà con không thèm quan tâm những điều mà Ksor Kok hay kẻ xấu nào đó nói. Tôi sống và hành đạo ở vùng đất Tây Nguyên đã rất nhiều năm nên tôi thấu hiểu ý nguyện của đồng bào, đó là: Luôn hướng về một cuộc sống tốt đẹp, yên bình, kính Chúa, yêu nước.

Những hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên là vậy, thế mà một số thế lực thù địch ở bên ngoài, một vài cơ quan thông tin đại chúng ở phương Tây lại dựng lên những chuyện không đâu nhằm xuyên tạc, vu cáo Việt Nam. Những tiếng nói lạc lõng, vô lối ấy bộc lộ dã tâm muốn khuấy động cuộc sống yên bình của nhân dân Tây Nguyên. Nhưng chúng đang tắt lịm một cách thật lố bịch bởi sự bác bỏ hùng hồn từ chính thực tế và từ những tiếng nói trung thực của đồng bào Tây Nguyên.