Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công thương ký kết Chương trình phối hợp công tác

NDO -

Chiều 14-6, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công thương. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy và Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải thay mặt hai đơn vị ký kết Chương trình phối hợp công tác
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy và Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải thay mặt hai đơn vị ký kết Chương trình phối hợp công tác

Đây là chương trình nhằm triển khai thực hiện Quyết định 238-QĐ/T.Ư của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật.

Theo đó, Bộ Công thương và Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp để cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu chính thống, chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực, địa bàn trong phạm vi quản Nhà nước của Bộ Công thương có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ để làm căn cứ, luận cứ đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo, định hướng dư luận xã hội đối với những vấn đề có tính chất quan trọng nhạy cảm, phức tạp liên quan đến ngành công thương có thể tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: năng lượng, giá điện, an ninh cung cấp điện, các dự án quy hoạch điện, năng lượng tái tạo, giá xăng dầu, an toàn môi trường.

Hai bên cũng phối hợp để phản ánh kịp thời công tác điều hành của Bộ Công thương về bảo đảm cung cầu, phát triển thị trường trong nước; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; hoạt động sản xuất công nghiệp; triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, ô tô, chế biến, chế tạo. Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin về các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết; hoạt động phòng vệ thương mại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất, xuất khẩu; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kết quả xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh; hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh; công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về pháp luật cạnh tranh; phối hợp tổ chức các chương trình cung cấp thông tin cơ bản về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Bộ Công thương có chức năng quản lý Nhà nước đa ngành về kinh tế, bao gồm hầu hết các ngành, lĩnh vực trọng yếu, có vai trò quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trong đó có nhiều vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm. Mặt khác, hoạt động của Bộ không chỉ phủ kín trên lãnh thổ của Việt Nam mà còn ở khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, là đối kinh tế thương mại của Việt Nam, đồng thời tác động hằng ngày, hằng giờ lên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của đất nước, tác động đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành công thương trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng rất cần có sự chia sẻ, giúp đỡ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội toàn dân. Đặc biệt, ngành tuyên giáo cùng các cơ quan thông tin, tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin và dư luận xã hội về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như những chỉ đạo điều hành của ngành công thương. Đồng thời, cũng rất quan trọng trong việc tập hợp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân chung quanh các lĩnh vực mà Bộ Công thương được giao quản lý. Thông qua quy chế phối hợp này và các hoạt động hợp tác cụ thể trong tương lai,  Bộ Công thương mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp giúp đỡ để hoạt động của ngành công thương luôn đúng với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn tình hình. Ban Tuyên giáo T.Ư sẽ giúp ngành công thương tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ và giúp đỡ từ phía xã hội cũng như toàn dân, định hướng thông tin dư luận xã hội để không xảy ra những sự cố về truyền thông.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Quyết định 238-QĐ/T.Ư đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng là phối hợp để thống nhất định hướng trong giải quyết những vấn đề nổi cộm, những vấn đề không khéo giải quyết sẽ thành “điểm nóng”. Trong thực tế, đã có nhiều sự kiện thực tiễn do định hướng thông tin phối hợp chưa kịp thời, sau đó trở thành vấn đề nổi cộm. Bên cạnh đó, Quyết định 238-QĐ/T.Ư cũng là quá trình vận động, phát triển, đổi mới trong đường lối, quan điểm và phương pháp lãnh đạo của Đảng ta. Việc phối hợp trong hoạt động giữa các Ban của Đảng nói chung, cũng như Ban Tuyên giáo T.Ư với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt qua các thời kỳ. Nhưng tình hình mới đặt ra yêu cầu chúng ta cần làm tốt công tác này hơn nữa nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội. Trong tất cả các hoạt động cần có thống nhất về nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, trong điều kiện mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ thông tin cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phối hợp nói trên càng có ý nghĩa thiết thực.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao việc Bộ Công thương là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên triển khai chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư theo Quyết định 238-QĐ/TW. Bộ Công thương có chức năng nhiệm vụ rất quan trọng, quản lý khá toàn diện, đa ngành về cả “công lẫn thương”, chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế, trong đó có nhiều lĩnh vực yêu cầu là khâu đột phá lớn trong hội nhập của đất nước hiện nay. Do đó, trong tổ chức, thực hiện cần có sự lãnh đạo, định hướng, thống nhất, đồng thời phải có lực lượng, chiến thuật và chiến lược rõ ràng, hiệu quả. Những gì Đảng, Nhà nước lãnh đạo và Bộ Công thương xác định quyết tâm thực hiện thì chúng ta phải chủ động việc định hướng tuyên truyền. Có nghĩa là định hướng, thống nhất trong ý chí hành động phải đi trước một bước. Sau buổi lễ hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công thương chắc chắn sẽ phối hợp để triển khai các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhằm thể hiện rõ mục tiêu trên. Cũng từ kinh nghiệm phối hợp với ngành công thương, Ban Tuyên giáo Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước, nhất là ở những lĩnh vực dễ dẫn đến tình hình có vấn đề trong nhận thức về kinh tế - xã hội và pháp luật.