Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2 Sai phạm nghiêm trọng quy trình công tác cán bộ

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác cán bộ, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển đến bố trí sử dụng và chính sách cán bộ. Những sai phạm nghiêm trọng trong vụ Trịnh Xuân Thanh là do các cơ quan đã bỏ qua, hoặc làm không đúng và có nhiều sai phạm khi thực hiện các quy định, quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, thậm chí là có những biểu hiện không bình thường.

Làm trái chỉ đạo của Đảng, Nhà nước

Biểu hiện làm trái các quy định của Đảng về công tác cán bộ đầu tiên trong vụ Trịnh Xuân Thanh là việc Bộ Công thương quyết định tiếp nhận cán bộ này từ PVC vào công chức nhà nước không qua thi tuyển khi chưa có hồ sơ, văn bản đề nghị theo quy định, gửi Bộ Nội vụ thẩm định, cho ý kiến trước khi ra quyết định là vi phạm Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 24, ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định: “Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức khi tiếp nhận... và xếp ngạch, bậc lương... phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ”,... Về quy trình tiếp nhận không qua thi tuyển, Bộ Công thương cũng có nhiều sai phạm, như không thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch, là trái với Thông tư số 13, ngày 30-12- 2010 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết một số điều tuyển dụng và nâng ngạch công chức theo Nghị định 24 của Chính phủ, đã nêu trên. Sau hơn mười tháng có quyết định tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh, ngày 6-8-2014, Bộ Công thương mới có văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc xét tuyển và bổ nhiệm vào ngạch, xếp lương công chức đối với cán bộ này.

Tiếp đến là những việc làm sai trái của Tỉnh ủy Hậu Giang. Đầu tháng 4-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang có công văn do Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc ký, gửi Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung một phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực công nghiệp (ngoài các phó chủ tịch UBND tỉnh hiện có) từ nguồn cán bộ quy hoạch ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Không được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mà yêu cầu “giữ nguyên số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh như hiện nay...”, Tỉnh ủy Hậu Giang “quay sang” gửi công văn cho Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Công thương xin Trịnh Xuân Thanh (tháng 10-2013). Sau đó, tháng 4-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang lại có công văn, cũng do ông Huỳnh Minh Chắc ký, gửi Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Công thương nhắc lại việc xin Trịnh Xuân Thanh. Hai công văn nêu trên đều viện lý rằng, việc xin Trịnh Xuân Thanh là căn cứ Thông báo kết luận 146, ngày 4-10-2013 của Bộ Chính trị về chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối với một số tỉnh, thành phố để luân chuyển, đào tạo cán bộ. Điều này hoàn toàn không đúng, vì Thông báo kết luận 146, nêu rõ: Đối tượng lựa chọn tăng thêm là cán bộ trẻ, có trình độ năng lực, uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, có triển vọng phát triển,... Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh không phải là cán bộ luân chuyển mà chỉ là cán bộ thuyên chuyển bình thường, đang bị kiểm tra vì chịu trách nhiệm chính trong kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở PVC. Tỉnh Hậu Giang tổ chức bầu Trịnh Xuân Thanh (không có trong quy hoạch cán bộ của tỉnh) làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, không xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ là sai quy định; có biểu hiện không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, khi thực hiện quy trình tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy Hậu Giang không chỉ đạo thẩm tra, xác minh, không thảo luận trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà chỉ xin ý kiến qua điện thoại, là vi phạm Quy định về phân cấp quản lý cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 67, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị; vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015,...

Những sai phạm của tỉnh Hậu Giang liên quan đến một số cơ quan ở trung ương. Cụ thể như, ngày 12-12-2013, Văn phòng T.Ư Đảng có Công văn số 6926, thông báo kết luận của Ban Bí thư, trong đó có nêu cho Hậu Giang tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh từ nguồn nhân sự tại chỗ, nhưng tại Văn bản số 6149, ngày 20-1-2014 của Ban Tổ chức T.Ư do đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực nhiệm kỳ 2010-2015 ký, gửi Hậu Giang lại ghi: “nguồn nhân sự theo nhu cầu của tỉnh tại văn bản đề nghị số 766, ngày 17-10-2013”, tức văn bản Hậu Giang xin đích danh Trịnh Xuân Thanh làm phó chủ tịch UBND tỉnh.

Điều khó hiểu là chỉ trong vòng một ngày 13-5-2015, có hàng loạt việc được hoàn tất về thủ tục một cách thần tốc, như: HĐND tỉnh Hậu Giang họp bất thường, bầu bổ sung phó chủ tịch UBND tỉnh đối với Trịnh Xuân Thanh và giao UBND tỉnh làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; UBND tỉnh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, từ 16 giờ 30 phút đến khoảng 17 giờ cùng ngày 13-5-2015, tức chỉ khoảng 30 phút, nhiều thủ tục tiếp theo được giải quyết thần tốc hơn tại Bộ Nội vụ, từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, soạn thảo tờ trình và quyết định, trình lãnh đạo vụ xem xét, trình thứ trưởng phụ trách ký, duyệt,... Không thể hiểu động cơ nào thôi thúc mà việc thẩm định hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh nhanh một cách không ngờ đến thế. Trịnh Xuân Thanh tài, giỏi đến mức nào hay vì lý do gì mà làm gấp gáp đến như vậy?

Cần một cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát

Từ câu chuyện nêu trên báo về chiếc xe tư nhân gắn biển số xanh, phát hiện những dấu hiệu không bình thường, Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cơ quan kiểm tra làm rõ. Qua đó mới phát hiện hàng loạt sai phạm. Nguyên nhân của các nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc này là sai phạm trong công tác cán bộ - một lĩnh vực nhạy cảm, nếu không có bản lĩnh sẽ dễ bị lợi dụng, thậm chí sa ngã. Điều gì giúp Trịnh Xuân Thanh “qua mặt” một số cơ quan tham mưu chiến lược, cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô như vậy? Hành vi sai phạm của Trịnh Xuân Thanh kéo theo nhiều hành vi sai phạm nghiêm trọng khác của nhiều tập thể, cá nhân. Do năng lực cán bộ yếu, hay do bị lợi dụng mà làm trái?

Điều lo ngại ở đây là tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ tham gia các công việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thiếu tinh thần đấu tranh, dân chủ một chiều, không làm hết trách nhiệm, thiếu dũng khí can ngăn những việc làm chưa đúng, tham mưu sai, cung cấp thông tin về Trịnh Xuân Thanh không chính xác dẫn đến những cái sai tiếp theo của các cơ quan khác, quy trình tiếp theo về công tác cán bộ đối với Trịnh Xuân Thanh. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan liên quan hầu như vắng bóng, hoặc buông xuôi. Trong các cuộc họp của chính quyền, tổ chức đảng nơi cán bộ bị xử lý, hầu hết cán bộ, đảng viên ở đó e ngại, không dám nói thẳng; thậm chí có trường hợp không nhận thức được sai phạm mà còn ủng hộ, bao che cho Trịnh Xuân Thanh. Đối với cái sai do người đứng đầu gây ra, hầu như cấp dưới không ai dám góp ý, đấu tranh, phần vì nể nang, phần sợ bị trù dập. Do đó, việc tăng quyền hạn cho người đứng đầu cần phải đi kèm với chế tài, xử lý nghiêm minh, khi người đứng đầu lạm quyền, sai phạm, nhất là trong công tác cán bộ.

Chưa bao giờ dư luận lo ngại, bức xúc về tình trạng bổ nhiệm cán bộ tràn lan ở nhiều địa phương, cơ quan như hiện nay. Chồng bổ nhiệm vợ, bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em. Có cơ quan như Sở LĐ-TB và XH Hải Dương có 46 người thì 44 là cán bộ lãnh đạo quản lý. Thiết nghĩ cần có cơ chế để ngăn chặn triệt để tình trạng này, làm đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, ngày 24-2-2017: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.

Vụ Trịnh Xuân Thanh, là bài học quý về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Từ việc chiếc xe tư nhân gắn biển số xanh, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc kịp thời, chủ động, kiên trì, quyết liệt, toàn diện, nhưng thận trọng, công tâm, khách quan và đã phát hiện hàng loạt sai phạm, xử lý và tham mưu cho Ban Bí thư xử lý nghiêm minh.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân vi phạm của cán bộ là do thiếu kiểm tra, giám sát; nếu được kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn thì hậu quả vi phạm sẽ ít nghiêm trọng hoặc có thể không xảy ra. Trong công tác cán bộ cũng vậy, việc bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, của ủy ban kiểm tra các cấp đối với tất cả các khâu của công tác này. Mọi dấu hiệu không bình thường cần được kịp thời xem xét, kết luận; nếu vi phạm phải xử lý công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Như thế mới chặn được nạn chạy chức, chạy quyền, mới chọn được cán bộ có đức, có tài thật sự.

Nếu công tác xây dựng Đảng là then chốt, thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, là công việc gốc của Đảng. Sai phạm trong công tác cán bộ sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống tổ chức, làm suy yếu bộ máy; làm cho cán bộ trung thực có năng lực mất động lực phấn đấu; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền các cấp. Những bài học nêu trên không chỉ là nỗi đau của các cơ quan liên quan, trực tiếp là bảy cán bộ bị kỷ luật mà còn là sự cảnh tỉnh đối với các tổ chức đảng, cấp ủy, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, những cơ quan, những người làm công tác cán bộ.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 14-3-2017.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư:

Cần thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả đối với cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, một mặt, bảo đảm đầy đủ điều kiện để thực thi trách nhiệm, quyền hạn một cách hiệu quả; mặt khác, kiềm chế để quyền lực không bị bóp méo, không trở thành công cụ để mưu lợi cá nhân, làm phương hại đến quyền lợi của nhân dân, sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý là yêu cầu cấp bách hiện nay, để không có cơ hội câu kết, hình thành "nhóm lợi ích" tiêu cực, tham nhũng; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước trong hoạt động của xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều được kiểm tra, giám sát và chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, dù bất kỳ người đó là ai, giữ chức vụ gì nhằm ngăn ngừa nguy cơ “tha hóa” quyền lực.

(Báo Nhân Dân số ra ngày 8-12-2016)