Thực hiện nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xem xét, kết luận những sai phạm liên quan nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Vụ việc tuy chưa kết thúc, nhưng bảy cán bộ đã bị kỷ luật, trong đó có một số cán bộ cấp cao ở ban, bộ, cơ quan Trung ương, dù có người đã về hưu. Tìm hiểu kỹ vụ việc, cho thấy một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là do yếu kém, khuất tất trong công tác cán bộ. Qua đó, có thể rút ra nhiều bài học sâu sắc về công tác này.

Bài 1 : “Bùa hộ mệnh” nào nâng đỡ Trịnh Xuân Thanh ?

Từ một cán bộ có nhiều sai phạm nghiêm trọng, đang bị kiểm tra, xem xét; đã bị cho thôi các chức vụ về Đảng và chính quyền, nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn phát triển nhanh qua nhiều chức vụ, lên đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trúng cử đại biểu Quốc hội. Vì sao có chuyện không bình thường ấy? Ai nâng đỡ, đứng sau con đường tiến thân của cán bộ được đánh giá là yếu kém về năng lực điều hành, kinh doanh thua lỗ, tùy tiện, làm trái quy định về quản lý tài chính ấy?

Vội vàng, thiếu minh bạch

Từ năm 2011 đến năm 2013, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) mà Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu đã kinh doanh thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng. Một số tổ chức, cá nhân thuộc PVC bị xử lý, trong đó có xử lý hình sự. Tháng 5-2013, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho Trịnh Xuân Thanh thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVC; thôi là người đại diện quản lý phần vốn của PVN tại PVC. Chức vụ về Đảng và chính quyền của Trịnh Xuân Thanh ở PVC cũng bị cho thôi từ ngày 27-8-2013.

Thật khó hiểu, chỉ hai ngày sau đó (29-8-2013), Bộ Công thương lại đề nghị PVN đánh giá, nhận xét quá trình công tác để Bộ có cơ sở xem xét, quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm công chức đối với Trịnh Xuân Thanh và một tháng sau thì trở thành Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP Đà Nẵng. Như một phép màu, từ đây, Trịnh Xuân Thanh ung dung thăng tiến: Tháng 3-2014, được giao phụ trách Văn phòng Bộ; tháng 12-2014, được bổ sung quy hoạch Thứ trưởng Công thương; tháng 2-2015, bổ nhiệm Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Ở một diễn biến khác, vừa “chân ướt, chân ráo” về Bộ Công thương hơn một tháng, ngày 17-10-2013, Trịnh Xuân Thanh lại được Tỉnh ủy Hậu Giang xin, để bố trí làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách công nghiệp. Ông Huỳnh Minh Chắc, Bí thư Tỉnh ủy khi đó đã ba lần ký công văn đôn đốc việc này. Ngày 20-4-2015, Trịnh Xuân Thanh có quyết định điều chuyển về Hậu Giang; đồng thời cùng ngày, Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Công thương có công văn gửi Tỉnh ủy Hậu Giang, với nội dung: Đồng chí Trịnh Xuân Thanh là cán bộ thuộc diện quy hoạch chức danh lãnh đạo Bộ Công thương, đã trải qua nhiều vị trí công tác; BCSĐ Bộ Công thương đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí Trịnh Xuân Thanh được tham gia Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Tại sao đã đồng ý cho Trịnh Xuân Thanh chuyển công tác về Hậu Giang, BCSĐ, lãnh đạo Bộ Công thương vẫn bổ nhiệm một cách vội vàng để cán bộ này giữ nhiều chức vụ khác tại cơ quan Bộ? Điều đáng chú ý là sự vội vàng không bình thường ấy thể hiện rõ việc nhiều cơ quan ký các văn bản liên quan đến cán bộ này; vi phạm nguyên tắc, tiêu chuẩn, đối tượng, không chặt chẽ trong thực hiện quy trình về công tác cán bộ. Cụ thể như, Trịnh Xuân Thanh bị PVC đánh giá là không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ (năm 2012); bị PVN cho thôi hết các chức vụ về Đảng và chính quyền, nhưng Bộ chủ quản vẫn tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chánh Văn phòng Bộ; khi được giao phụ trách Văn phòng Bộ cũng không có quyết định bằng văn bản mà chỉ thông báo tại cuộc họp cán bộ chủ chốt của Văn phòng. Đặc biệt, cuối tháng 11-2014, Trịnh Xuân Thanh mới chính thức có quyết định được tiếp nhận vào công chức nhà nước, nhưng trước đó một tháng, BCSĐ, Bộ trưởng Công thương đã có tờ trình đề nghị; sau đó tháng 12-2014 được Ban Tổ chức T.Ư phê duyệt bổ sung quy hoạch thứ trưởng. Chỉ qua giới thiệu bằng miệng, không cho thẩm tra, xác minh hồ sơ lý lịch, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang ba lần ký công văn đôn đốc để xin bằng được Trịnh Xuân Thanh. Sai phạm đã “hai năm rõ mười”, nhưng tại các buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, hầu hết các cơ quan, cá nhân liên quan không thành khẩn nghiêm túc nhận khuyết điểm. BCSĐ và lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng không có thông tin gì về việc kinh doanh thua lỗ của PVC, việc Trịnh Xuân Thanh bị cho thôi các chức vụ Đảng, chính quyền. Ông Huỳnh Minh Chắc phân trần: Trong những lần ra Hà Nội họp, được cán bộ cơ quan Trung ương giới thiệu; Trịnh Xuân Thanh gặp mặt chào xã giao và vào Hậu Giang công tác, cho nên rất tin tưởng, không đặt vấn đề thẩm định,...

Sau khi Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang, trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát hồ sơ bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, văn bản do Bộ trưởng Công thương ký vẫn khẳng định PVC đã khắc phục yếu kém sau kiểm tra, kiểm điểm; xác định không có dấu hiệu tiêu cực cá nhân. Nhận xét về Trịnh Xuân Thanh, văn bản khẳng định “trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao (tại Bộ Công thương - PV), ông Thanh đã tỏ ra tích cực, có cố gắng và đóng góp cho phong trào chung; mặt khác, với ý thức trách nhiệm chung, ông Thanh cũng đã chủ động tham gia cùng PVN, PVC tìm biện pháp khắc phục hậu quả, khắc phục khó khăn của PVC”. Tuy nhiên, một số cơ quan chuyên môn cho rằng, kết quả kiểm điểm của Bộ Công thương phần lớn là thống kê việc đã làm; trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với các sai phạm mang tính chất định tính, chưa rõ trách nhiệm, đặc biệt đối với kiến nghị xử lý trách nhiệm, tập thể, cá nhân liên quan những tồn đọng chưa được thực hiện, trong đó có trách nhiệm của Trịnh Xuân Thanh.

Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

Trong quy trình thực hiện một số việc đối với Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Công thương, nhiều việc có ý kiến đồng ý của tập thể. Cụ thể như, khi làm quy trình để Trịnh Xuân Thanh phụ trách Văn phòng Bộ, có 9 trong số 10 thành viên BCSĐ đồng ý (một đồng chí đi công tác). Khi làm quy trình bổ nhiệm Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì tất cả tám Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công thương đồng ý; 9 trong số 10 thành viên BCSĐ đồng ý (một đồng chí đi công tác). Đáng lưu ý, đây là thời gian mà Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ sai phạm của PVC, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Trịnh Xuân Thanh.

Kết quả những lần lấy ý kiến làm quy trình bổ nhiệm có bảo đảm thực chất dân chủ hay chỉ là hình thức? Chắc chắn những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, BCSĐ, lãnh đạo Bộ Công thương không thể không biết, nhưng vẫn ủng hộ cán bộ này với tỷ lệ phiếu cao. Việc tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ không xin ý kiến BCSĐ là không đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ (vì chức danh thuộc thẩm quyền của BCSĐ, phải được BCSĐ thống nhất); mặt khác Văn phòng Bộ đã có bốn phó chánh văn phòng, cho nên việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh là vượt chỉ tiêu biên chế. Quá trình đánh giá đối với Trịnh Xuân Thanh có nhiều biểu hiện bao che, thiếu trung thực. Từ năm 2008, PVN đã phát hiện những vi phạm pháp luật và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của PVC, như sai phạm về thủ tục đấu thầu, mua sắm vật tư,...; nghiêm trọng là kinh doanh thua lỗ từ năm 2011 đến năm 2013 mà Trịnh Xuân Thanh phải là người chịu trách nhiệm chính. Thế nhưng, một số văn bản của Bộ Công thương đánh giá khi bổ nhiệm cán bộ đối với Trịnh Xuân Thanh vẫn cho rằng: “đủ trình độ, năng lực, điều kiện”.

Khi xin Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực công nghiệp, Tỉnh ủy Hậu Giang không đưa ra thảo luận trong tập thể Ban Thường vụ, là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Công văn đầu tiên mà Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Công thương xin Trịnh Xuân Thanh là ngày 17-10-2013. Khi ấy cán bộ này mới về Bộ Công thương hơn một tháng, chưa phải là công chức, chưa có quy hoạch thứ trưởng, vẫn là đối tượng kiểm tra kinh doanh thua lỗ ở PVC.

Hệ thống lại quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, cho thấy có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ không được thực hiện đầy đủ, thực chất; sai phạm quy trình, quy định trong công tác cán bộ. Sự việc lại diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, càng thấy ý thức đảng, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh thật đáng lo ngại. Từ vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hay chỉ dân chủ hình thức. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta, vừa bảo đảm phát huy tính tích cực và sáng tạo của mọi tổ chức đảng và đảng viên; mặt khác vừa bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Công tác cán bộ là công tác về con người, một lĩnh vực khó, nhạy cảm, càng phải thực hiện nghiêm, đầy đủ, không chỉ dân chủ trong cấp ủy mà còn phải dân chủ trong cơ quan đơn vị; lắng nghe ý kiến của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, cấp ủy nơi cán bộ đó cư trú. Có công khai dân chủ thật sự mới có đầy đủ các thông tin để đánh giá, quy hoạch, nhất là khi bố trí sử dụng đúng cán bộ. Đó cũng là một trong những giải pháp ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; khắc phục tình trạng bè phái, thiên vị, cục bộ trong công tác cán bộ. Đồng thời dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi cán bộ cố tình làm trái, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

(Còn nữa)

Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

(Trích: Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng)