Lần theo dấu chân Người trên đất Mỹ

Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người

NDO -

NDĐT - Trong những ngày qua, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham gia nhiều hoạt động song phương tại TP Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ), chúng tôi vinh dự đến thăm tầng hầm khách sạn Omni Parker, nơi lưu giữ hình ảnh chân thực và sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có mặt nơi đây hơn 100 năm về trước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện với bà con Việt Nam và bạn bè Mỹ tại khách sạn Omni Parker.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện với bà con Việt Nam và bạn bè Mỹ tại khách sạn Omni Parker.

Chuyện về người thanh niên Việt đặc biệt

Trong những ngày tháng 9 lịch sử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các thành viên trong Đoàn, các bạn bè Mỹ, bà con người Việt Nam ở nhiều vùng khác nhau trong TP Boston và các nơi đã xúc động thăm nơi Bác Hồ làm việc tại khách sạn Omni Parker.

Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người ảnh 1

Khách sạn Ommi Parker tại trung tâm TP Boston ngày ngày đón khách tấp nập vào ra.

Thông tin giới thiệu của khách sạn và tập sách giới thiệu về khách sạn Omni Parker House được đặt trong khung kính treo cẩn thận trên dọc tường hành lang tầng hầm. Tư liệu cũ với nhiều hình ảnh, bài viết về cuộc sống sinh hoạt của người dân Boston trong giai đoạn trước có ghi cụ thể: "Hồ Chí Minh từng giữ vị trí phụ trách lò bánh (pastry chef) của Parker từ năm 1911- 1913. Chiếc bàn mà ông ấy đã làm việc, hiện vẫn còn trong lò bánh này....". Treo trang trọng bức ảnh đen trắng chàng thanh niên Việt Nam Văn Ba và bên dưới ảnh chiếc bàn đá làm bánh, khách sạn còn trưng bên cạnh lá thư của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Tâm Chiến đề ngày 2-8-2005 gửi cảm ơn Tổng Giám đốc khách sạn này, ông Richard Mason và đội ngũ nhân viên đã đón tiếp chu đáo, thịnh tình chuyến thăm Mỹ lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn công tác.

Sự độc đáo và nổi tiếng của khách sạn còn thể hiện ở chỗ, từ cửa khách sạn ngay con phố tấp nập người qua lại được xây dựng từ năm 1855 theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ của Anh, cao 7 tầng ngay khu trung tâm sầm uất, gắn tấm biển ghi dòng chữ: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn. Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống. Nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng…”. Rồi một loạt tên tuổi nhiều danh nhân nổi tiếng, các văn nghệ sĩ lừng danh từng tổ chức nhiều cuộc hội ngộ, các sự kiện văn hóa quan trọng, các hoạt động mang dấu ấn lịch sử nước Mỹ và bang Massachusetts. Còn có bài thơ từ rất lâu tán dương khách sạn này, tựa đề “Tòa Parker cổ kính” của tác giả người Mỹ Oliver Wendell Holms đăng báo năm 1927. Cả phiên bản giấy mời đề ngày 19 tháng 3 năm 1859 gửi Ngài Abraham Lincoln đến dự và phát biểu dịp chào mừng sinh nhật Tổng thống Thomas Jefferson tổ chức tại khuôn viên Parker House...

Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người ảnh 2

Tấm biển đóng ngay cửa ra vào khách sạn Omni Parker.

Những người bạn Mỹ lần đầu gặp cũng cho chúng tôi biết, trước khách sạn Omni Parker trong thời kỳ cách mạng trước đây, từng diễn ra các cuộc biểu tình, bãi công và đấu tranh giành độc lập của những người dân thành phố, với sự tham gia của đông đảo công nhân, người lao động, đại diện các tầng lớp trong xã hội.

Anh thợ Văn Ba trong trái tim bè bạn

Lần đầu tiên được đón Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội từ Việt Nam sang, chị Trần Xuân Tươi, ở miền sông nước Trà Vinh, sang cùng gia đình từ rất lâu, và hơn 17 năm là thợ làm bánh ở khách sạn Omni Parker, cho biết, chị và hai đồng nghiệp người Việt, một ở Cần Thơ, một ở TP Hồ Chí Minh đều làm ở khách sạn này, rất vui mừng và xúc động. Đón Đoàn với nụ cười rạng rỡ, chị Tươi trân trọng mời các thành viên trong Đoàn món bánh kem đặc sản truyền thống của khách sạn từ rất lâu của khách sạn. "Đây là loại bánh ngày xưa Bác Hồ từng làm. Máy làm bánh cũ vẫn ở ngay kia, nhưng bây giờ đã được làm bằng dây chuyền tiên tiến. Chất liệu độc đáo của món bánh đặc sản vẫn giữ “gu” và bí quyết làm bánh về cơ bản vẫn giữ nguyên. Ngày nay chỉ thêm phần design (mẫu mã) hiện đại hơn về trang trí hoa văn, màu sắc tạo sự hấp dẫn...” - chị Tươi giải thích.

Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người ảnh 3

Chị Trần Xuân Tươi bên lò bánh kem nổi tiếng của khách sạn Omni Parker.

Trong không khí trang nghiêm bồi hồi nghe kể những câu chuyện chân thực và cảm động của bà con người Việt Nam và những người bạn Mỹ, chúng tôi được tiếp cận thêm những thông tin lịch sử, càng hiểu hơn ý nghĩa vô cùng đặc biệt tại căn bếp nhỏ hẹp nơi ngày xưa anh thợ Văn Ba - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhào bột và nướng bánh, bôn ba xứ người, để quan sát cuộc sống, lao động và học tập, nắm bắt nhiều tư tưởng lớn tiến bộ của thời cuộc ở nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Chiếc bàn đá mẻ gọt góc cạnh phía ngoài trước đây Bác Hồ cùng những người thợ làm bánh làm việc từ sáng sớm dưới căn hầm khách sạn. Đến nay, hiện vật mang ý nghĩa lịch sử và tuổi đời hơn 100 năm vẫn được những người thợ làm bánh, những người quản lý, nhân viên trong khách sạn trân trọng lưu giữ cẩn thận. “Ai cũng coi đây là niềm tự hào, độc đáo mà không nơi nào khác trên nước Mỹ, bất cứ khác sạn lớn nào ở vùng Boston hay những nơi khác có được!" - Chị Tươi bộc bạch vậy.

Chị Tươi cho biết thêm, chiếc bàn đá mang trong mình một câu chuyện về Bác Hồ, với người Mỹ gọi Bác là “Uncle Ho”, nhiều năm qua đã trở thành đề tài nhận được sự quan tâm của bà con ở nhiều bang đến tham quan du lịch Boston. Chủ đề này cũng thu hút nhiều chuyên gia, giới nghiên cứu lịch sử, du khách trong nước Mỹ và người nước ngoài, được nhiều hãng truyền thông Mỹ và quốc tế đưa tin, viết bài. “Tôi rất tự hào làm việc ở đây, được tiếp xúc và giới thiệu với bà con người Việt, du khách gần xa, các phóng viên Mỹ và Việt Nam về câu chuyện của Bác, lịch sử khách sạn cổ nổi tiếng này”.

Chị Tươi cho biết, khách sạn Omni Parker càng nổi tiếng vì có Bác Hồ, những người Mỹ nổi tiếng qua lại, năm qua đã tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, kể từ khi được xây dựng bởi ông chủ đầu tiên là Harvey Parker. Omni Parker House nay nằm trong danh sách khách sạn 4 sao gần chân đồi Beacon, với hơn 500 phòng được thiết kế độc đáo theo 50 kiểu dáng cổ điển nhưng không kém phần sang trọng.

“Uncle Hồ” và Boston

Sau khi thăm xưởng bánh tại khách sạn, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn công tác đã có cuộc gặp gỡ với đại diện bà con, những trí thức người Việt, các bạn bè Mỹ và đông đảo sinh viên, học sinh Việt Nam đang sinh sống, làm ăn, học tập ở TP Boston và các bang lân cận. Trên căn phòng ấm cúng tầng 2 của khách sạn, Giáo sư người Mỹ Kevin Bowen trong gần nửa giờ đồng hồ, đã giới thiệu công trình nghiên cứu công phu về quá trình lịch sử và một số hình ảnh về Boston thời Bác Hồ làm việc.

Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người ảnh 4

Giáo sư sử học Mỹ nói chuyện về lịch sử TP Boston trong thời gian Bác Hồ có mặt tại thành phố này.

Qua nội dung trình bày của Giáo sư Kevin Bowen, các nhân viên khách sạn và những người bạn Mỹ ở New York, Boston chúng tôi có dịp gặp gỡ, càng hiểu hơn hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, bấy giờ là người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành vẫn luôn được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và rất trân trọng Người. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Ngài Chủ tịch Thượng viện bang Massachussetts Stanley Rosenberg, Ngài Chủ tịch Hạ viện bang Robert Delcon, cả với Giáo sư Brian Lemay, Tiến sĩ sử học Nathaniel Sheiley tại Tòa Thị chính trước đây ở TP Boston, những người bạn Mỹ cũng đã nhắc lại nhiều tư liệu, công trình nghiên cứu lịch sử ghi rằng: Thời gian sống và làm việc ở Mỹ, là quãng thời gian Bác Hồ đã nghiên cứu thấu đáo lịch sử, thâm nhập cuộc sống của người dân, chứng kiến những bước ngoặt lịch sử, cả tính cách, văn hóa, các phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc và cộng đồng nước Mỹ, cụ thể ngay trong cuộc sống nhộn nhịp của người dân ở Boston.

Lịch sử nước Mỹ ngày nay đã vinh danh TP Boston là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ, là nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập cho nước Mỹ, được coi như cái nôi của cách mạng Mỹ. Bởi lẽ đó, các nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ cho rằng, người thanh niên Việt Nam yêu nước chắc hẳn đã cảm kích và trân trọng cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Mỹ. Người đã làm nhiều nghề, tham gia nhiều hoạt động xã hội và trực tiếp chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại thành phố. Nơi được chọn lưu trú của người thanh niên yêu nước Việt Nam bấy giờ ở khách Omni Parker House, một vị trí lý tưởng rất gần điểm đến cảng Boston có rất đông người lao động từ khắp nơi trên thế giới qua lại, để sự giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin vì thế thuận lợi hơn.

Qua các cuộc gặp gỡ thân chân thành, cởi mở, không hề có sự lễ nghi, khách sáo những ngày qua ở TP Boston, như là một sự tự nhiên, những người bạn ở Mỹ đã tạo nên một "gạch nối" giữa quá khứ và hiện tại của dân tộc Việt Nam thông qua những câu chuyện về "Uncle Hồ". Gợi nhắc về lịch sử và mối quan hệ hai nước trong quá khứ và hiện tại có nhiều điểm tương đồng thú vị và có những “cơ duyên” đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam một lần nữa nhắc lại với những người bạn Mỹ, trong thời gian nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng do Người sáng lập đã đứng về phía đồng minh chống chủ nghĩa phát xít. Người cũng tích cực hợp tác với các nhóm sĩ quan Hoa Kỳ để bàn các giải pháp chống phát xít Nhật.

Cơ duyên và tương đồng

Mở đầu các hoạt động của chuyến thăm song phương, nhìn lại chiều dài lịch sử con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và TP Boston, bang Massachusetts còn đề cập một sự kiện khách quan rõ ràng, thể hiện lần nữa tầm nhìn xa trông rộng vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quãng thời gian Người có mặt ở Boston, nước Mỹ.

Điều đó lịch sử ghi nhận ngay từ những ngày đầu lập quốc Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, đề cập đến quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi người và coi đó là quyền bất khả xâm phạm.

Những năm sau đó, cũng chính Bác Hồ của chúng ta đã nhiều lần viết thư gửi tới các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bày tỏ nguyện vọng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam muốn phát triển quan hệ với Chính phủ và nhân dân Mỹ.

Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người ảnh 5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và gia đình họa sĩ Mỹ chụp ảnh lưu niệm.

Đêm hôm trước Đoàn rời TP Boston theo chương trình hoạt động thăm chính thức Mỹ tại Thủ đô Washinhton D.C, một cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, họa sĩ David Thomas đã giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội ta, bà con Việt Nam tại Boston và các thành viên trong Đoàn về một số tác phẩm tranh tiêu biểu về Bác Hồ.

Người Họa sĩ Mỹ đã nhiều lần sang Việt Nam thu thập, tìm hiểu tư liệu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thanh niên từng làm bánh ở Khách sạn Omni Parker hơn 100 năm về trước. Ông đã trân trọng tặng Chủ tịch Quốc hội hai cuốn sách “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Chất độc màu da cam”.

Trên diễn đàn khán phòng, người cựu chiến binh Mỹ nói, ông từ lâu mong muốn và tự nguyện làm hết sức mình công việc nghiên cứu, góp phần nhỏ đóng góp quá trình hàn gắn quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp của hai nước. Và cũng là tình cảm tự đáy lòng mình, của một nghệ sĩ Mỹ trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo xuất chúng của dân tộc Việt Nam, một nhà văn hóa lớn nổi tiếng thế giới.