Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bắc Giang ngăn ngừa sai phạm trong tổ chức đảng và đảng viên

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bắc Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo. Tác phong, lề lối làm việc, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị đã thể hiện những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn những sai phạm trong tổ chức đảng và đảng viên đến mức phải thi hành kỷ luật, đòi hỏi các cấp ủy rút kinh nghiệm và kịp thời có giải pháp phòng ngừa.

Những bài học chưa cũ

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bắc Giang đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Nguyễn Tiến Duẩn, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Yên Dũng về dấu hiệu vi phạm xảy ra trong quản lý và sử dụng tài chính; chi trả chế độ trợ cấp người có công và các đối tượng chính sách xã hội, trong thời gian đồng chí giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện (từ tháng 7-2011 đến 6- 2015). UBKT Tỉnh ủy đã kết luận những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật theo quy định của Ðiều lệ Ðảng; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật về Ðảng theo quy định; đồng thời, chuyển nội dung vi phạm cho Cơ quan Cảnh sát Ðiều tra. Ðồng chí Nguyễn Tiến Duẩn bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Ðảng.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, liên quan vụ việc, Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Dũng, đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội (giai đoạn 2011-2015) kiểm điểm trách nhiệm về việc để cán bộ thuộc quyền quản lý vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Sự việc nghiêm trọng dẫn đến phải xử lý kỷ luật để lại những bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, giám sát đảng viên nói chung, nhất là người có vị trí, chức vụ, phụ trách các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực.

Liên quan việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý và sử dụng tài chính tại xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Ngạn đã xem xét thi hành kỷ luật các cán bộ, đảng viên có vi phạm. Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức ủy viên Ban Thường vụ Ðảng ủy xã Trù Hựu nhiệm kỳ 2015-2020 đối với đồng chí Nguyễn Sơn Tùng, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã; cách chức ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đối với hai đồng chí Trần Duy Mạnh, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã và Lê Văn Huân, kế toán ngân sách xã Trù Hựu. Ðối với Ðảng ủy và Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Thân Văn Chiến, sai phạm được xác định là chưa duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của Ðảng ủy. Việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai còn hạn chế; chưa quyết liệt trong kiểm tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn; thiếu kiểm tra, giám sát UBND xã trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, duyệt chi chứng từ khống, lập quỹ trái phép, sử dụng không đúng quy định...

Từ các vụ việc nêu trên, một số cấp ủy cho rằng, việc thiếu kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách nhiệm vụ thường xuyên, buông lỏng quản lý cán bộ, đảng viên thuộc quyền, sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. Khi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu vi phạm còn ảnh hưởng tập thể, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân, tác động trực tiếp đến hiệu quả triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Vấn đề đặt ra là các cấp ủy đảng cần có các giải pháp ngăn chặn, để không phải "chạy" theo xử lý những việc đã rồi.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Hạn chế tới mức thấp nhất những vụ việc tương tự như ở xã Trù Hựu, các cấp ủy đảng từ huyện đến xã ở Lục Ngạn đã triển khai nhiều giải pháp phòng, ngừa. Theo đó, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với cơ sở trong công tác quản lý và sử dụng tài chính, quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các nguyên tắc, chế độ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách. Mỗi nhiệm vụ nêu ra, đều phân công rõ việc, rõ đối tượng, nêu cao trách nhiệm và quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tại thành phố Bắc Giang, giai đoạn 2014- 2016, Ðảng bộ thành phố có 67 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Nguyên nhân chủ yếu do vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm; quản lý đất đai; quản lý tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản; đoàn kết nội bộ; tham nhũng; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Sáu cán bộ bị kỷ luật thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Cũng giai đoạn này, Ðảng bộ thành phố đã đưa ra khỏi Ðảng 28 trường hợp. Thực tế đó đòi hỏi các giải pháp căn cơ từ phía cấp ủy. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Giang Thân Văn Phú, năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã lập bốn tổ công tác thẩm định, kiểm tra quá trình khắc phục hạn chế, yếu kém của các cấp ủy, tổ chức đảng; kiểm tra việc triển khai chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tại 24 chi bộ, đảng bộ cơ sở, giám sát hai đảng ủy phường, xã. Ðiểm nhấn trong quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị là chọn lĩnh vực trọng tâm, bộ phận trọng điểm gắn với nhiệm vụ cụ thể của tập thể, cá nhân để đăng ký hoàn thành. Kết quả được báo cáo chi bộ hằng tháng. Trong đó, xác định vai trò nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, với yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương đăng ký ít nhất một việc khó. Ðối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố, cán bộ chủ chốt phường, xã lựa chọn một đến hai vấn đề còn hạn chế, yếu kém thuộc trách nhiệm của mình để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Mỗi đảng viên căn cứ việc đã đăng ký, tự đối chiếu 27 biểu hiện suy thoái đã nêu trong Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, báo cáo trước chi bộ theo tinh thần tự phê bình và phê bình bằng hình thức đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Kinh nghiệm từ Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang cho thấy, một trong những giải pháp hiệu quả ngăn ngừa vi phạm trong năm 2017 là các cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý. Trước hết, tập trung kiểm tra các tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp; cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý, cán bộ giữ cương vị chủ chốt; các tổ chức đảng, đảng viên ở những địa bàn trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm. Theo đánh giá bước đầu, cách làm này cùng với việc lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung chỉ đạo đã giải quyết hiệu quả những hạn chế, tồn đọng kéo dài; đồng thời góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong, và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII tại sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy, chi bộ đã góp phần phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Ðảng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), cũng như công tác chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ, cán bộ, đảng viên, trong đó chú trọng người đứng đầu, Tỉnh ủy Bắc Giang đã thành lập bốn đoàn kiểm tra, do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra chuyên đề đối với bốn đồng chí là người đứng đầu một số sở, ngành của tỉnh. Việc nâng cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của người đứng đầu sẽ góp phần tạo chuyển động trong cả hệ thống, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, đồng thời hạn chế những sai phạm trong cán bộ, đảng viên.