Bắc Giang cần tích cực thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nhanh, bền vững

NDO -

Chiều 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bắc Giang nằm ở vị trí rất thuận lợi kết nối 2 vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, nằm trên hành lang phát triển kinh tế Lào Cai-Hà Nội, Lạng Sơn-Hà Nội, hành lang kinh tế ven biển, do đó dư địa phát triển rất lớn nếu kết nối giao thông tốt. Do đó cần biết khai thác lợi thế về vị trí địa lý đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không. Bắc Giang đất hẹp, người đông, giá trị lớn nhất là con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, truyền thống lâu đời gắn với truyền thống văn hóa Kinh Bắc.

Tỉnh cần có quyết tâm để thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông. Nhưng những thuận lợi này mới chỉ ở tiềm năng, do vậy tỉnh cần nhận thức đúng để đầu tư đúng, trúng những dự án cần thiết, hiệu quả. Tỉnh cũng có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, bảo vệ cho Thủ đô. Từ đó phải xác định tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề của tỉnh. 

Bắc Giang cần tích cực thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nhanh và bền vững -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đánh giá diện mạo đô thị, đường giao thông của Bắc Giang thay đổi, ngày càng thuận lợi, sạch đẹp hơn, có sự tiến bộ rõ nét; đánh giá rất cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua của Bắc Giang. Rõ ràng, lúc khó khăn chống dịch, tỉnh đã bình tĩnh, tự tin, năng động, sáng tạo những cách làm hay, vượt qua những khó khăn to lớn.

Theo Thủ tướng, từ kinh nghiệm của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng ta đã đúc kết ba trụ cột trong phòng, chống dịch. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch, tiêu thụ vải thiều, xây dựng nông thôn mới…, từ đó kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách tăng, đời sống nhân dân được cải thiện, lòng tin của nhân dân vào chính quyền ngày càng được củng cố. 5 tháng đầu năm, Bắc Giang đã làm tốt công tác tổ chức SEA Games 31; công tác xây dựng Đảng, tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị, làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế của tỉnh, đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế còn chậm, chủ yếu phụ thuộc FDI; chưa tự cân đối được ngân sách; cơ cấu thu cần phải thực hiện bền vững hơn; tốc độ phát triển đô thị còn chậm. Muốn tạo công ăn việc làm thì phải mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó mới phát triển đô thị. Do đó cái gốc của vấn đề vẫn là phát triển sản xuất, kinh doanh. Thu hút đầu tư làm tích cực nhưng còn ít nhà đầu tư chiến lược. Nếu tỉnh kết nối tốt thì sẽ trở thành trung tâm.

Tỉnh phải tích cực cải cách hành chính nhiều hơn, tích cực hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh. Cần xây dựng thương hiệu sản phẩm như nông nghiệp, ngoài vải thiều ra, từ đó quy hoạch vùng nguyên liệu; trồng theo tiêu chuẩn VietGap, hỗ trợ vốn cho nông dân; có khoa học công nghệ hỗ trợ; làm tốt khâu chế biến sau thu hoạch, bao bì mẫu mã… Khi đã có thương hiệu sản phẩm thì sẽ phát triển thị trường. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp khi dân số cơ học tăng lên. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với tỉnh có vị trí quan trọng như Bắc Giang. 

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Phải rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên cả về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, bảo đảm an ninh quốc phòng, từ đó bố trí nguồn lực, phân công lãnh đạo việc nào làm trước, làm sau.

Thủ tướng hoan nghênh tỉnh quyết tâm đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt; yêu cầu cố gắng hoàn thành dự án trước Tết Nguyên đán 2023. Vấn đề là người tổ chức công việc, người lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, xem công việc của tỉnh như việc của nhà mình.  

Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, khó lường, do đó phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, phát hiện kịp thời, đưa ra giải pháp kịp thời thích ứng tình hình, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh trên tinh thần khoa học, thực tiễn, hiệu quả, khách quan.

Tăng cường hơn nữa tính tự lực, tự cường, vươn lên từ nội lực, đó là con người, thiên nhiên, tận dụng mọi lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mọi nguồn lực, không ỷ lại, trông chờ; vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất; tạo ra động lực phát triển. Tăng cường hơn nữa phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân bài bản, coi như là công việc của mình.

Đẩy mạnh huy động hợp tác công tác, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội; thực hiện và phát huy mô hình lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư; đầu tư nhưng sử dụng công; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Bắc Giang cần tích cực thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nhanh và bền vững -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tỉnh cũng cần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển từ giáo dục thông thường sang nâng cao kỹ năng, phẩm chất của người học. Các sở, ngành phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh vấn đề này.

Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện tốt công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, kịp thời, nhất là chú trọng tiêm cho các học sinh đang nghỉ hè để chuẩn bị vào năm học mới. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Triển khai quy hoạch bài bản, nghiêm túc, quản lý quy hoạch tốt; không nên thay đổi quy hoạch, nhất là quy hoạch phải có công viên, thiết chế văn hóa, từ đó tạo ra công ăn việc làm. 

Triển khai tích cực chương trình phục hồi kinh tế; không chỉ có Chính phủ mà các địa phương cũng phải tích cực làm; phục hồi nhanh và phát triển phải bền vững. Phát triển nhanh công nghiệp nhưng phải giải quyết tốt vấn đề môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: không hy sinh an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Phải luôn quán triệt tinh thần này, phát triển đô thị nhưng phải phát triển bền vững, bao trùm, xanh.

Đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động; tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Có chủ trương, chương trình để nâng cao năng suất lao động. Có kế hoạch đầu tư bài bản trong chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc, bền vững, xanh, sạch. Đầu tư cho an sinh xã hội, hạ tầng văn hóa, y tế, giải quyết một cách bài bản. Bảo đảm an ninh quốc phòng; luôn nêu cao cảnh giác; càng phức tạp, càng khó khăn thì các thế lực thù địch càng lợi dụng tình hình chống phá. 

Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh phải khai thác, sử dụng đất hiệu quả, không lãng phí.