“Ba sẵn sàng” trong hồi ức một nữ TNXP Thủ đô

NDO -

NDĐT- Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Các tầng lớp thanh niên từ trường học, công xưởng, đến các khối phố, thôn xã... đều sục sôi căm phẫn. Trước tình hình này, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của thế hệ thanh niên Thủ đô.

Đồng chí Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Thủ đô, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố, cựu TNXP TP Hà Nội.
Đồng chí Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Thủ đô, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố, cựu TNXP TP Hà Nội.

“Được đi TNXP là mừng lắm, bỏ cả du học!”

Hưởng ứng Chỉ thị số 71 ngày 21-6-1965 của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong lần động viên đầu tiên, đã có tới hơn 15 nghìn người con ưu tú của Thủ đô tham gia thanh niên xung phong (TNXP). Lúc này, dân số của TP Hà Nội mới chỉ khoảng hơn một triệu người.

Trong số đó, có tới 50% là nữ, 30% vừa tốt nghiệp phổ thông. Nhiều người còn chưa một lần xa nhà, có người là con một trong gia đình bố mẹ, ông bà đã cao tuổi. Nhưng để đáp lại tiếng gọi của Tổ quốc, họ sẵn sàng khai thêm tuổi, mặc nhiều quần áo cho đủ cân nặng, có cả những trường hợp giấu bố mẹ đi cắt hộ khẩu để sau này lấy lý do “việc đã rồi”. Tưởng như đã có một cơn lốc của lòng nhiệt tình, của tình yêu Tổ quốc kéo họ đi.

Tất cả những ký ức đó giờ lại trở về với bác Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Thủ đô, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố. Cứ mỗi năm, gần đến dịp 9-8, bác Vịn lại tưởng nhớ những người bạn, người đồng đội trong lớp TNXP năm 1965.

Nay tuổi đã cao, nhưng mỗi khi nhắc đến các đồng đội, mắt bác lại sáng lên niềm tự hào. Bác cho biết, ngay từ đợt tuyển quân đầu tiên, có nhà cả vợ cả chồng, có nhà hai anh em trai, hoặc hai chị em gái đều nộp đơn tình nguyện.

“Tôi nhớ nhất là chị Hoàng Thị Kim Vinh, chồng đang chiến đấu trong Nam, cũng gửi đứa con nhỏ duy nhất cho mẹ để lên đường”, bác Vịn bồi hồi.

“Ba sẵn sàng” trong hồi ức một nữ TNXP Thủ đô ảnh 1

Các nữ chiến sĩ TNXP tập trung trong đợt tuyển quân năm 1965. (ảnh tư liệu)

Bản thân bác Vịn khi đó là một cô Bí thư chi đoàn mới tuổi trăng tròn, đang nuôi hoài bão được học đại học ở nước ngoài. Nhưng vừa hoàn tất thủ tục thì Chỉ thị 71 được ban hành. Không do dự, cô Bí thư Dương Thị Vịn lập tức viết một lá đơn xin gia nhập đội TNXP Thủ đô. Sau đó vài ngày, cô nhận được cùng lúc hai thông báo: Giấy báo trúng tuyển đi du học và giấy gọi lên đường.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có anh trai là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, mẹ lại vừa mất, nhà còn các em nhỏ, cô hỏi ý kiến cha thì được khuyên: “Học đại học thì học lúc nào cũng được, còn chống Mỹ cứu nước bây giờ là việc không thể dừng. Đánh giặc xong, con về đi học cũng chưa muộn”.

“Lúc đó, tôi mừng lắm. Bí thư chi đoàn mà được gia đình đồng ý thì sẽ nhiều thanh niên khác cũng sẽ được đi. Thế là tôi cất giấy gọi đi du học, rồi cùng 12 cán bộ, đoàn viên khác đi nhận nhiệm vụ”, bác Vịn vừa kể vừa cười.

“Ba sẵn sàng” trong hồi ức một nữ TNXP Thủ đô ảnh 2

Một nữ TNXP Thủ đô hành quân qua ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. (ảnh tư liệu)

“Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm!”

“Tôi cùng các bạn trong chi đoàn được biên chế vào đại đội 816. Sau ba ngày học tập ổn định quân ngũ, tiếp nhận quân trang, chúng tôi vượt chặng đường hành quân 12 ngày đêm. Vai đeo nặng ba lô, xẻng cuốc, bao gạo, chân phồng vai rộp, tim thót lại khi phải vượt qua những trọng điểm pháo sáng rực trời, khét lẹt mùi bom đạn vừa nổ, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến đích”, người cựu nữ TNXP hồi tưởng.

Địa bàn hoạt động của đại đội TNXP 816 là tuyến lửa khu bốn, gồm ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngày cũng như đêm, khi tiếng bom vừa ngớt, cô Bí thư trẻ và đồng đội lại đi rà phá bom mìn, bảo đảm đường thông cho bộ đội. Hằng ngày đối mặt với gian khổ, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng chưa bao giờ đội viên TNXP lùi bước trước quân thù.

Là phận gái nơi chiến trường, thiếu lương thực, quần áo, bệnh tật, ốm đau liên miên đã đành, nhưng ngày ngày phải chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, các nữ TNXP nhiều lúc tưởng như không thể đứng vững. Chính tình cảm đồng đội và lời thề “Ba sẵn sàng” trước lúc lên đường đã vực họ dậy, quyết sống trọn vẹn với khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

“Đêm Noel 25-12-1967 là đêm mà biết bao đồng bào, đồng đội đã vĩnh viễn ra đi ngay trước mắt tôi, một đứa con gái vừa bước qua tuổi 20. Bất chấp lệnh ngừng bắn, kẻ địch điên cuồng mang máy bay đến ném bom, bắn phá đoàn xe chở các cụ già, trẻ em từ huyện Vĩnh Linh ra Bắc. Trong đêm tối rét buốt, giữa hàng chục chiếc máy bay địch có thể đem đến cái chết bất cứ lúc nào, tất cả đội viên TNXP đã lao ra chiến đấu, cứu người bị thương...” - bác Vịn kể mà không cầm được nước mắt.

“Ba sẵn sàng” trong hồi ức một nữ TNXP Thủ đô ảnh 3

Các nữ TNXP Thủ đô tại chiến trường. (ảnh tư liệu)

Gian khổ là vậy, nhưng khi được hỏi động lực nào đã mang lại những quyết tâm ấy, bác trả lời đơn giản: “Quan trọng là mình hiểu được đất nước đang cần. Bản thân tôi lúc đó còn là một Đảng viên trẻ, phải làm gương cho các bạn”.

“Cái không khí ngày xưa nó hào hùng mà sôi động lắm. Đi kháng chiến, đi cứu nước mà tâm trạng ai cũng như trẩy hội. Biết là vào chiến trường thì gian khổ, ác liệt, nhưng khi chuẩn bị đi, ai cũng háo hức. Ngày ở chiến trường, bom đạn như cơm bữa, báo yên chưa hết báo động đã kêu vang. Nhưng chúng tôi vẫn sống, vẫn chiến đấu và hát. Hát cho nhau nghe, hát động viên tinh thần, hát vì những người đồng đội đã ngã xuống...” - bác Vịn xúc động.

Chiến tranh đã qua đi, để lại trong lòng những người ở lại như bác Vịn nỗi đau không gì sánh được. Nhưng từ sâu thẳm trái tim, họ luôn tự hào đã sống một cuộc đời ý nghĩa, bởi tuổi xuân của họ không trôi qua lãng phí, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khen ngợi: “Các cháu là thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng”.

Khởi nguồn từ phong trào “Ba sẵn sàng”, trong mười năm (1965-1975), đã có tổng cộng 86.064 đoàn viên thanh niên Thủ đô nhập ngũ, vượt chỉ tiêu tới gần 10%. Ngay năm đầu tiên phát động phong trào, đã có 15.329 thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ. Đây cũng là năm có số chỉ tiêu tuyển quân lớn nhất trong mười năm kháng chiến.

Trong số này, có tới 87% thanh niên ở độ tuổi từ 18-25. Ngoài những đoàn viên có trình độ đại học trở xuống, còn có hàng nghìn bác sĩ, y tá, kỹ sư, nhà giáo, thợ lành nghề.

Trên địa bàn Thủ đô, số gia đình có quân nhân tham gia chống Mỹ cứu nước là 55.937 hộ; số gia đình có quân nhân chiến đấu ở B, C là 41.479 hộ; số liệt sĩ, thương binh trong kháng chiến chống Mỹ lần lượt là khoảng 30.000 và 56.000 người. Trong đó, có một phần đáng kể là thanh niên Hà Nội thời kỳ “Ba sẵn sàng”