Thái Bình, nhớ lẽ khoan dân

NDO - Những ngày đầu xuân Tân Mão, chúng tôi về những xã một thời là  "điểm nóng" ở Thái Bình. Những bài học sau sự kiện năm 1997, nhất là bài học về dân chủ ở cơ sở, đối với các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Bình, đến nay vẫn còn ý nghĩa sâu sắc.

Gốc của 'điểm nóng'

So với các xã khác trong huyện Quỳnh Phụ, An Ninh đến nay vẫn là xã thuần nông, không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng người dân An Ninh lại có truyền thống cách mạng, luôn đi đầu trong các phong trào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Về xã An Ninh, chúng tôi rất ấn tượng với bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc. Trụ sở làm việc của xã khang trang, trường học các cấp, trạm y tế, đường làng, ngõ xóm đều được kiên cố hóa. Những ngôi nhà cao tầng san sát hai bên trục đường chính của xã. Tất cả đều thể hiện một cuộc sống sung túc của người dân. Trên bước đường phát triển, An Ninh cũng đã trải qua nhiều biến cố, có lúc tưởng chừng khó có thể vượt qua nổi. Bí thư Ðảng ủy xã An Ninh Nguyễn Văn Hứa  vẫn nhớ  rõ cái đêm 26 rạng sáng 27-6-1997: 'Khi đó, tôi làm Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã. Một số người quá khích đã kéo lên UBND xã phá hoại tài sản, đốt nhà của một số cán bộ xã, trong đó có cả nhà tôi... Người dân cho rằng, việc huy động các nguồn vốn đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm quá nhiều và thiếu dân chủ, trong khi đời sống còn khó khăn; cán bộ xã có sai phạm trong sử dụng các nguồn thu của dân. Tôi cho rằng, những bức xúc của người dân là có cơ sở, điều nghiêm trọng nhất là cán bộ xã khi đó đã để mất niềm tin trong dân'.

Sự việc còn diễn ra ở nhiều nơi khác trong tỉnh. Ðể giải quyết sự việc, tỉnh Thái Bình đã thành lập 242 tổ công tác với hàng nghìn lượt cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, các ngành và lực lượng vũ trang xuống bám sát cơ sở; vừa thanh tra kinh tế, vừa kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở đảng, chính quyền và đoàn thể. Hơn 2.000 cán bộ, đảng viên vi phạm (trong đó có gần 800 bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã và chủ nhiệm HTX) đã bị kỷ luật; hơn 70% số tổ chức cơ sở đảng phải thay từ một nửa đến hai phần ba cấp ủy...

Tại Ðại hội lần thứ IX của Ðảng (năm 2001), đồng chí Bùi Sỹ Tiếu khi đó làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã nêu rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự việc phức tạp trên là do: Quá thiên về phát triển kinh tế, cho nên xem nhẹ công tác xây dựng Ðảng, để một thời gian dài năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng (nhất là ở cơ sở) bị giảm sút nghiêm trọng,  nguyên tắc Ðảng bị buông lỏng. Công tác giáo dục, rèn luyện về phẩm chất và năng lực cũng như quản lý cán bộ, đảng viên không được quan tâm thường xuyên. Chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Ðảng và quản lý nhà nước. Vì vậy chưa tạo được sự thống nhất cao về nhận thức cũng như hành động ở trong Ðảng và ngoài nhân dân.

Nguồn gốc của mọi mâu thuẫn đều nảy sinh từ cơ sở. Chỉ có tổ chức cơ sở trực tiếp, chủ động giải quyết với sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên thì mới trúng và có hiệu quả.

Dưỡng dân mới huy động được sức dân

Sau những sự việc phức tạp xảy ra, những cán bộ sai phạm bị xử lý, đội ngũ lãnh đạo mới của xã An Ninh và các xã khác được kiện toàn. Bí thư Ðảng ủy xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) Lê Xuân Hải (năm 1997, là  Phó Bí thư Ðảng ủy xã) cho biết: Ðiều quan trọng là nội bộ luôn đoàn kết, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Bình Ðịnh phấn đấu đến năm 2015 trở thành xã nông thôn mới, muốn vậy, xã vẫn phải tiếp tục huy động các nguồn lực trong dân. Vì vậy, Ðảng ủy quán triệt sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới; xác định việc huy động sức dân để lo cho dân; thành lập 98 khu dân cư tự quản (20-30 hộ/khu) để thực hiện việc bàn bạc, huy động, sử dụng, giám sát các nguồn vốn. 

Là người chứng kiến những sự việc phức tạp xảy ra năm 1997, ông Trần Văn Khánh, đảng viên cao tuổi ở thôn Ái Quốc (Bình Ðịnh), luôn thấm thía bài học về 'lòng dân'. Khi niềm tin của người dân được củng cố thì họ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để vì sự nghiệp chung. Ông nêu quan điểm: 'Dân vẫn tích cực đóng góp để xây dựng hạ tầng nông thôn. Bà con đã hiến 48 m2 đất/khẩu để mở rộng đường giao thông và sẵn sàng đóng góp nhiều khoản khác. Nhưng huy động  phải theo phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'. Bí thư Ðảng ủy xã Trọng Quan (Ðông Hưng) Ðầu Văn Phái cho rằng: 'Khi đời sống của nhân dân được nâng cao thì việc huy động nguồn vốn đóng góp trong dân mới thuận lợi. Vì vậy, theo chúng tôi để trở thành xã nông thôn mới thì cần phải bắt đầu từ đầu tư phát triển sản xuất'.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ Nguyễn Quang Cơ cho rằng: Bài học đắt giá từ sự kiện năm 1997 đã giúp đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên địa phương luôn phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Mục tiêu của Ðảng bộ huyện đến năm 2015 có ít nhất 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Và  điều quan trọng là huy động được sự đóng góp tự nguyện của  dân'. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðông Hưng Nguyễn Tiến Hưng nói: Muốn huy động sức dân, trước hết cần đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Ðời sống dân có khá giả, huy động các nguồn vốn trong dân mới thuận.

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, cho rằng: Ðể trở thành xã nông thôn mới, vốn đầu tư đến hàng chục tỷ đồng. Nếu không có đầu tư đồng bộ của Nhà nước, sức dân làm sao lo nổi. Phát triển nông thôn mới không có nghĩa là phá bỏ những cái đã có. Những cái đã có như hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Huy động các nguồn lực đầu tư của dân nhưng phải thực hiện phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'.

Từ quyền làm chủ tới quy chế dân chủ ở cơ sở

Chỉ sau thời gian ngắn xảy ra những sự việc phức tạp ở nông thôn Thái Bình, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/T.Ư về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị nêu rõ: '...Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Muốn vậy, Nhà nước cần ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở...'

Sau 25 năm đổi mới, Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thái Bình đã đi đầu cả nước về nhiều phong trào trong phát triển kinh tế-xã hội những năm đổi mới; trong đó có phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm. Cùng với các nguồn vốn đầu tư từ trung ương và địa phương, người dân Thái Bình đã tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2011-2015, đã xác định mục tiêu đến năm 2015 tỉnh có ít nhất 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới.

Thái Bình tập trung xây dựng nông thôn mới với mục tiêu: Sản xuất phát triển; cuộc sống sung túc; bộ mặt sạch sẽ; thôn, xã văn minh và quản lý dân chủ. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Thái Bình xác định  đây là một nhiệm vụ, vừa khó khăn, phức tạp, vừa lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân. Trước mắt, chỉ đạo xây dựng quy hoạch nông thôn mới ở tất cả các xã; tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới ở tám xã điểm, rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng.

Theo đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị: 'Có thể nói Thái Bình là nơi ra đời Chỉ thị số 30-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, ngày 18-2-1998, về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở'. Ðồng chí nhớ lại: 'Năm 1997, Trung ương đã thành lập Tổ công tác do tôi làm Tổ trưởng, khi ấy tôi làm Trưởng Ban Dân vận T.Ư. Ðối với tôi, thời gian về giải quyết những sự việc phức tạp ở Thái Bình đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Tôi coi Thái Bình như là quê hương thứ hai của mình'.

Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng chí Phạm Thế Duyệt cho rằng: Việc huy động nguồn lực trong dân là rất cần thiết. Ðiều quan trọng là phải tạo sự đồng thuận trong dân. Thái Bình vẫn là tỉnh thuần nông, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy, mọi chương trình phải có tính hiệu quả cao và người dân được phát huy cao nhất quyền làm chủ. Phải làm tốt công tác dân vận, vì dân vận khéo thì làm việc gì cũng thành công.