Sự kiện Tết Mậu Thân như những gì đã diễn ra

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, trừ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng sau này, chưa có cuộc động binh và huy động lực lượng nào có quy mô lớn và khí thế cao như Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Từ chỗ đứng của Tết Mậu Tý 2008 này, ngoảnh nhìn lại Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 40 năm về trước, ai là người Việt Nam, dù đã trải qua hay chưa từng được nếm trải những tháng ngày hào hùng ấy đều cảm thấy niềm tự hào và sự cảm phục khôn cùng. Âm vang và những hình ảnh sống động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ấy không chỉ được lưu giữ trong ký ức mà còn hiện hữu mãi với thời gian.

Về phía Mỹ, không phải không có những nhà quân sự, chính khách, nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn muốn viết lại lịch sử về sự kiện Tết Mậu Thân theo ý riêng của mình. Họ cho rằng, đối với "tấn thảm kịch"  Tết  Mậu Thân, Mỹ không thua trên chiến trường nam Việt Nam mà thua trên các đường phố Mỹ và ngay trên đồi Ca-pi-tôn.

Dẫu sao, lịch sử vẫn là lịch sử. Chúng ta thử nhìn lại sự kiện Tết Mậu Thân như những gì đã từng diễn ra.

Ðòn sét đánh giáng lên đầu quân xâm lược

Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được tóm lược như sau:

Ðúng đêm giao thừa và đêm mồng 1 Tết Mậu Thân (30 và 31-1-1968), ta đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền nam; đồng loạt tiến công ở bốn thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của cả Mỹ lẫn ngụy, bao gồm cả bốn bộ tư lệnh quân khu-quân đoàn, tám bộ tư lệnh sư đoàn, hai bộ tư lệnh biệt khu ngụy, hai bộ tư lệnh dã chiến, 30 sân bay, nhiều tổng kho lớn.

Trong các mục tiêu tiến công của các lực lượng vũ trang giải phóng, có những trận gây chấn động lớn như đánh Tòa đại sứ Mỹ, dinh Ðộc lập ngụy, Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn và 26 ngày đêm làm chủ thành phố Huế. Ðồng thời, nhân dân hầu khắp các vùng nông thôn được sự giúp sức của lực lượng vũ trang đã nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kìm kẹp của ngụy quân ở thôn, xã, giành thắng lợi oanh liệt cả về tiêu diệt sinh lực địch và giành quyền làm chủ.

Thông cáo của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng cho biết: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 15 vạn tên địch, trong đó có bốn vạn tên Mỹ, phá hủy khoảng 1/3 vật tư chiến tranh của Mỹ - ngụy; phá 60 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã và hơn một triệu dân. Riêng ở Trị Thiên-Huế thì hầu hết nông thôn hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên được giải phóng với 296 thôn, trong đó có 240 thôn xây dựng chính quyền cách mạng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của ta như "một đòn sét đánh" đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Theo dư luận chính giới Mỹ lúc này, nó làm nổi bật lên trước mắt chính quyền Johnson nguy cơ lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh.

Sau một tháng, tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamaratừ chức. Sau hai tháng, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố ba điểm: 1-Ðơn phương ngừng đánh phá miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; 2-Nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris; 3-Không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nữa... Ðây là sự thừa nhận đầu tiên đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ, chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ chuẩn bị công phu và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của Mỹ những năm 60. Ðến tháng 5-1968, Mỹ phải bắt đầu đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của ta, như thực tế chứng minh, đã làm cho ý chí xâm lược của bọn cầm quyền Mỹ lung lay một bước nghiêm trọng.

Ai là nhạc trưởng của bản đại hòa tấu Tết Mậu Thân ?

Cho đến khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra, giới cầm đầu quân sự và chính quyền Mỹ tuy có phỏng đoán về một cuộc tiến công lớn của đối phương song tính chất, quy mô và thời điểm của cuộc tiến công thì họ hoàn toàn bất ngờ.

Các tin tình báo Mỹ không phải không biết, tháng 7-1967, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời tại Hà Nội. Cũng tại đây, từ tháng 8-1967 trở đi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Hùng không xuất hiện trong cương vị lãnh đạo của ông. CIA cũng ghi nhận nhiều cuộc thâm nhập lớn quân đội và vũ khí từ bắc vào nam và sự có mặt của nhiều tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến trường này. Về ngoại giao, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết bác bỏ cái gọi là "đàm phán không điều kiện" do Mỹ đưa ra. Cái mà họ không hay biết, hay không tưởng tượng nổi là chiến lược đề ra và sự chuẩn bị ráo riết với quy mô, hướng tiến công và thời điểm bất ngờ như đã nói trên.

Ai là người chỉ huy thật sự của cuộc Tổng tiến công ấy? Mục tiêu đích thực của đối phương là gì? Ðó là những câu hỏi mà các nhà chiến lược Mỹ vắt óc nặn ra nhưng khó tìm lời giải đáp.

Sự thật là sau hai mùa khô (1965 - 1966 và 1966 - 1967) thất bại nặng nề trên chiến trường miền nam và trước phong trào phản đối chiến tranh mạnh mẽ ngay tại nước Mỹ và trên thế giới, giới cầm quyền Mỹ bắt đầu dao động, lúng túng, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục tăng quân, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công lần thứ ba với 120 vạn quân, trong đó có 50 vạn quân Mỹ.

Tình hình trên chiến trường lúc này rất phức tạp. Mỹ đã thua to nhưng vẫn chưa từ bỏ âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược. Ta đã thắng lớn nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Các hội nghị Bộ Chính trị nửa cuối năm 1967, nhất là Hội nghị tháng 12-1967, được Hội nghị Trung ương 14 (tháng 1-1968) nhất trí thông qua đều chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đã dao động và trong thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ, để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định; phải tạo được một bước ngoặt lớn của chiến tranh.

Muốn vậy, không thể tiến lên từng bước, từng bước đặt ra chỉ tiêu tiêu diệt bao nhiêu địch, đưa bao nhiêu dân giành quyền làm chủ như những năm trước đó. Không đánh theo cách cũ như Ðông-Xuân trước, vì như vậy thì chiến tranh sẽ nhùng nhằng và kéo dài. Phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ.

Tuy yêu cầu hàng đầu của cuộc tiến công này vẫn là tiêu diệt nhiều địch, nhưng có nhiều nội dung mới khác hẳn trước.

- Hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn, mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Ðà Nẵng, Huế, nơi địch đang sơ hở, cũng là nơi dễ nhạy cảm và tạo thôi động lớn.

- Mục tiêu tiến công chủ yếu không phải là các tập đoàn quân chủ lực địch, mà nhằm vào các cơ quan đầu não chiến tranh của chúng, các trung tâm chỉ huy, các hậu cứ, vừa tiêu diệt sinh lực địch vừa phá hủy phương tiện chiến tranh. Ðây là chỗ hiểm yếu, dễ chấn động nhất.

- Không gian tiến công không phải chỉ một vài vùng, mà là toàn miền, tiến hành đồng loạt trên quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay.

- Thời gian tiến công không vào thời điểm thông thường mà đúng vào giữa đêm giao thừa Tết Nguyên đán, lúc bất ngờ nhất.

- Phương châm tiến công địch vẫn là kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng nhưng trên diện rộng ở cả ba vùng chiến lược trong toàn miền.

Thực tế Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã diễn ra gần đúng như "kịch bản" mà Bộ chỉ huy tối cao của ta đã vạch ra.

Sự chống đỡ vất vả của Nhà trắng trước công luận

Khách quan mà nói, khoảng mười ngày trước khi cuộc Tổng tiến công nổ ra, đêm 20 rạng ngày 21-1-1968, ta đã nổ súng tiến công trước vào Khe Sanh và hầu hết các vị trí địch trên đường số 9. Mặt trận Khe Sanh là một đòn chính của bộ đội chủ lực ta nhằm thu hút quân cơ động của Mỹ, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác, nhất là Huế, Ðà Nẵng tiến công và nổi dậy thắng lợi. Ngay lúc đó, Nhà trắng và Lầu năm góc đã đánh giá rằng có khả năng ta tập trung lực lượng tạo ra "một cái giống như Ðiện Biên Phủ" ở vùng rừng núi Khe Sanh.

Và trong báo cáo khẩn cấp đề ngày 22-1-1968 của tướng Westmoreland gửi Tổng thống Johnson, ông ta đã báo động về "một tình hình khẩn trương chưa từng thấy" của phía địch, song rất lúng túng trong phán đoán hướng tiến công của đối phương. Các báo cáo khác từ Sài Gòn đều cho rằng ít có khả năng cuộc tiến công sẽ nổ ra trong tháng 1-1968. Vậy mà cuối cùng, như sau này Johnson thú nhận, nó đã mở màn sớm hơn dự đoán của Nhà trắng.

Ông ta nói: "Ðối phương đã làm cho chúng ta rất bối rối trong một thời gian...". Chúng ta đã biết sắp có một hành động phô trương lực lượng, nhưng thực tế nó đã diễn ra ồ ạt hơn chúng ta dự đoán. Chúng ta không nghĩ rằng họ tiến công nhiều mục tiêu đến thế. Chúng ta không tin rằng Bắc Việt và Việt cộng có thể phối hợp được đến mức như vậy trong phạm vi cả miền nam Việt Nam. Chúng ta đã dự tính là họ sẽ dùng một lực lượng lớn để tiến công nhưng không ngờ lực lượng ấy lớn hơn mức chúng ta dự đoán. Và cuối cùng, thật khó mà tin được rằng cộng sản lại tiến công đúng vào dịp Tết.

Tổng thống trách móc chính giới và dư luận Mỹ đã "mô tả lâm ly trận tiến công hồi Tết, song cuối cùng phải thừa nhận: "Nói như thế không có nghĩa là cuộc tiến công Tết của đối phương không phải là một đòn choáng váng đối với tất cả chúng ta ở mức độ này hay mức độ khác".

AFP ngày 3-2-1968 nhận xét: "Có thể đây là chiến thắng to lớn nhất từ trước đến nay. Cả nam Việt Nam rực lửa, từ Khe Sanh đến Cà Mau, ở đâu cũng có chiến trận". Và: "Cái sai lầm nghiêm trọng nhất của Cục tình báo Mỹ chắc chắn ở chỗ không tin rằng Việt cộng có thể động viên nhiều người như thế và mở ra những cuộc tiến công phối hợp mạnh mẽ đến mức đó. Từ hai năm nay, ở Mỹ người ta luôn khẳng định tinh thần Việt cộng đã lung lay lắm rồi!".

Reuters ngày 5-2-1968 viết: "Mỹ có đến nửa triệu quân ở nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu USD, vậy mà không bảo vệ được một tấc vuông đất nào ở nam Việt Nam cả".

Báo chí Mỹ còn cay đắng hơn.

Tờ Người hướng dẫn khoa học Thiên chúa giáo, ngay từ ngày 31-1-1968: miêu tả khá kỹ "cuộc tiến công ồ ạt táo bạo của cộng sản" vào Sài Gòn và nhận xét: "Nếu kiểu tiến công này của Việt cộng nổ ra lúc chiến tranh mới bắt đầu-một thứ trận Trân Châu Cảng-thì còn dễ hiểu và tha thứ được; nhưng chiến tranh bây giờ đã qua bảy năm rồi và lực lượng Mỹ có mặt ở chiến trường cũng đã từ ba năm nay! Có phải đó là kiểu thất bại mà chúng ta sẽ phải chịu, mặc dù chúng ta có tại trận đến nửa triệu quân và mặc dù các quan chức cao cấp của chúng ta từ Sài Gòn đi máy bay về báo cáo với chúng ta cách đây chỉ mới hai tháng rằng mọi việc đều tiến triển tốt?".

Thời báo New York, ngày 1-2-1968 viết cùng ý ấy: "Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả Ðại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á. Bằng những cuộc tiến công táo bạo vào những thành phố chính ở miền nam và bằng việc tập trung quân ở Khe Sanh, cộng sản đã làm tiêu tan niềm lạc quan bao trùm lên Washington và Sài Gòn trong mấy tháng qua. Ðây rõ ràng không phải là hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định hồi tháng 11-1967" (ý muốn nhắc đến cuộc nói chuyện có tính khoác lác của Westmoreland tại Câu lạc bộ báo chí quốc tế ở Washington tháng 11-1967, rằng Việt cộng ngày càng suy yếu...).

Về chuyện xảy ra trong đêm 31-1-1968 tại Nhà trắng, Tờ báo Tin nhanh (5-12-1968) kể lại: Sau khi một vị cố vấn của Tổng thống nhận được điện báo của đại tá Gia-cốp (phụ tá quân sự của Ðại sứ Bân-cơ) từ Sài Gòn gửi về, vị cố vấn hối hả chạy đến gặp Johnson:

- Thưa Tổng thống! Họ đã chiếm sứ quán ta ở Sài Gòn...

- Ai? Họ là ai?

- Thưa... Việt cộng...

Ngài Tổng thống - Tổng tư lệnh đấm tay xuống bàn. Các vệ sĩ của ông ùa đến, thấy Johnson nổi cơn thịnh nộ, quát:

- Không! không! không đúng!...

Nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật.

Phong thái ung dung của người làm chủ tình thế

Ngày 1-1-1968, trước Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tròn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi "Thư chúc mừng năm mới" đến đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Bác viết: "Từ năm 1965, đế quốc Mỹ đưa hàng chục vạn quân trực tiếp xâm lược miền Nam nước ta và gây chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, nhân dân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết đánh Mỹ, cứu nước đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

Ðến cuối năm 1967, quân và dân miền Nam anh hùng đã diệt, làm bị thương và làm tan rã hàng chục vạn quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu.

Quân và dân miền Bắc anh hùng đã bắn tan xác hơn 2.680 máy bay giặc Mỹ.

Sang năm nay, bọn Mỹ xâm lược càng bị động càng lúng túng, quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa".

"Với đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, tôi chúc mừng năm mới như sau:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!"

Lời thơ mừng năm mới ấy được Ðài Tiếng nói Việt Nam một lần nữa đưa lên sóng phát thanh vào đêm 30 Tết. Ðó thật sự là mệnh lệnh chiến đấu của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân!