Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (*)

Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng ở địa điểm cách Hà Nội hơn 10 km đường chim bay, thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Tiên Sơn, Hà Bắc. Từ Sơn nằm trong khu an toàn của Trung ương, có phong trào cách mạng mạnh, có cơ sở quần chúng tốt.

Hội nghị phải họp ở hai nơi. Nơi thứ nhất là chùa làng Đồng Kỵ, nơi thứ hai là làng Đình Bảng. Trụ trì  chùa Đồng Kỵ là sư cụ Phạm Thông Hòa, một nhà sư yêu nước. Bà hộ và chú tiểu đều là những người tốt. Nhà chùa đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Mỗi lần chúng tôi về họp, nhà chùa nấu cơm cho ăn và canh gác, bảo vệ chu đáo. Chùa nghèo, nhưng cụ không chịu lấy tiền cơm. Sư cụ Phạm Thông Hòa và chùa Đồng Kỵ do tôi trực tiếp xây dựng cơ sở. Đầu tiên, tôi hỏi ông Đám Thi (ở Đình Bảng) xem có quen cụ sư  nào nhờ giới thiệu. Tôi nói với ông Đám Thi rằng, chúng tôi tin tưởng vào lòng yêu nước của các nhà sư. Một buổi sáng, đầu đội khăn xếp, mặc áo the thâm, tôi được cụ bà Đám dẫn lên gặp cụ sư nói chuyện. Lần  gặp thứ nhất, sư cụ chưa nhận lời. Lần gặp thứ hai, sư cụ nhận và nói: "Những điều bác nói rất quan trọng. Nhưng các bác phải đóng vai làm thợ sơn tượng và đến ít người thôi". Từ đó, chùa Đồng Kỵ là nơi chúng tôi hay đi lại,  làm việc hội họp. Chùa Đồng Kỵ được chọn làm địa điểm chính thức họp Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng.

Kể từ sau Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 ở Pác Bó, Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và quản thúc hơn 2 năm ở Trung Quốc, một số đồng chí Trung ương hoạt động ở biên giới và ở nước ngoài, chúng tôi thường hay họp Hội nghị Thường vụ mở rộng. Hội nghị Thường vụ họp đúng vào lúc Bác Hồ đang làm công tác đối ngoại ở phía nam Trung Quốc. Mãi sau cuộc đảo chính Nhật, Pháp nổ ra, Bác mới về tới vùng Cao Bằng. Anh Hoàng Quốc Việt lúc ấy đang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Minh 5 người sang Trung Quốc đàm phán việc hợp nhất các lực lượng Việt Nam chống Nhật ở nước ngoài, theo lời mời của Trương Phát Khuê, tư lệnh Đệ tứ chiến khu của chính quyền Tưởng Giới Thạch.

Vì thế,  Hội nghị chỉ có 5 người. Anh Nguyễn Lương Bằng và tôi thay mặt Thường vụ. Anh Lê Đức Thọ ở nhà tù Hòa Bình ra cuối năm 1944, vừa mới được bổ sung vào Trung ương. Đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ có các anh   Nguyễn Văn Trân và Lê Thanh Nghị.

Mãi đến sâm sẩm tối ngày 9-3, những đồng chí được triệu tập mới về đủ mặt. Thời kỳ bí mật, không thể họp đông, nhưng được gặp nhau lúc ấy và còn đủ mặt là điều rất mừng. Sau bữa cơm "chay", độn khoai chấm tương, vào thời buổi đó là sang lắm rồi, chúng tôi họp ngay ở một phòng nhỏ cạnh nhà tổ sau chùa. Phòng này là nơi làm cơm cúng vào ngày giỗ các sư tổ.

Hội nghị bắt đầu trong một diễn biến bất thường, làm cho địa điểm chính thức của Hội nghị trở thành địa điểm không chính thức.

- Thường vụ Trung ương đã nhận được tin giặc Nhật, Pháp có thể bắn nhau, nên triệu tập các đồng chí về đây họp để bàn cách đối phó...

Tôi vừa mới bắt đầu nói câu mở đầu hội nghị, ngoài cổng bỗng có tiếng gõ cửa. Chúng tôi lập tức tắt đèn, tài liệu đút túi,   dép cầm tay, ở tư thế sẵn sàng rút ra khỏi chùa. Rút đường nào, chạy về đâu, chúng tôi đều đã chuẩn bị trước và bàn bạc với sư cụ cách đối phó rồi.

Sư cụ bảo chú tiểu ra mở cửa và bước xuống sân. Ánh đèn pin loang loáng, tiếng bước chân mấy người ùa vào. Chúng tôi nghe thấy sư cụ cất tiếng trước:

- À, thầy phó, thầy trưởng đấy à! Các thầy có việc gì ra chùa đấy.

- Nhà chùa hôm nay có nhiều người lạ ra vào thế?

- Có gì đâu, đấy là mấy ông thợ sơn tượng đến tính tiền. Chúng tôi làm cơm cho các ông ấy ăn và họ đã về rồi.

Nghe trả lời vậy, bọn trương tuần vẫn chưa chịu đi ngay. Chúng cứ loanh quanh ở sân chùa. Biết là đã bị lộ, chúng tôi chui qua bờ  dậu, rút ra ngoài đồng đến địa điểm họp dự bị.

Đêm cuối tháng giêng âm lịch, trời tối đen và lạnh. Cánh đồng khô, trơ những gốc rạ. Ra đến giữa đồng, đột nhiên chúng tôi thấy từ Hà Nội lóe lên những ánh chớp, rồi tiếng súng lớn, súng nhỏ thi nhau nổ. Một vài đám cháy bốc lên. Tôi nói ngay với anh em:

- Nhật, Pháp bắn nhau rồi các đồng chí ơi!

Tình hình diễn ra thật đúng như dự đoán của Đảng ta! Anh Trân, lúc ấy là người ít tuổi nhất trong đám, phấn khởi quá, rút ngay khẩu súng "Braoning"  6,35 ra bắn một phát. Tiếng súng nhỏ, chìm lẫn trong những tiếng súng ầm vang phía Hà Nội. Nhưng anh Bằng cũng đứng lại nhắc nhở anh Trân:

- Này không được tếu nhá!

Tôi nói với anh em phải trở về Đình Bảng họp tiếp ngay để kịp đối phó với tình hình gấp rút. Dù cho địa điểm chính thức đã chuyển sang nơi khác, nhưng sự kiện xảy ra ở chùa Đồng Kỵ đêm 9-3 vẫn để lại những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người dự hội nghị. Có lúc tôi nghĩ, có lẽ nên đặt cho hội nghị này một cái tên lịch sử: Hội nghị Thường vụ Trung ương Đồng Kỵ...

Ra khỏi chùa Đồng Kỵ, chúng tôi chạy tắt cánh đồng, băng qua các bờ ruộng, dẫm lên những gốc rạ, về làng Đình Bảng. Đến nơi, người nóng bừng, áo sâm sấp mồ hôi. Anh Tỉnh bố trí cho chúng tôi họp ở nhà thờ họ gia đình ông Đám Thi (xóm Thọ Môn). Hai ngày sau, thấy có một người lạ mặt dòm ngó, hội nghị lại chuyển đến nhà bà Gắm, xóm Trung Hòa, họp tiếp.... Tình hình dồn dập, khẩn trương do cuộc đảo chính của Nhật tạo ra đang đặt trước mặt hội nghị chúng tôi, một loạt vấn đề nóng bỏng. Một là: Pháp đã bị Nhật đánh bại, thì kẻ thù chính của cách mạng Đông Dương bây giờ là ai, Pháp còn là kẻ thù nữa không? Hai là: cuộc xung đột Nhật, Pháp đã dẫn đến tình thế cách mạng cho cuộc Tổng khởi nghĩa chưa, nếu chưa thì nó cho ta một tình thế có thể làm được những gì? Ba là: những điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa sắp tới là gì? Bốn là: Phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cần nắm lấy khâu nào là khâu then chốt?...

 Hội nghị quyết định chuyển mọi hình thức tuyên truyền cổ động, tổ chức và đấu tranh sang thời kỳ tiền khởi nghĩa nhằm động viên mau chóng quần chúng tiến dần từng bước lên Tổng khởi nghĩa. Muốn thế, phải áp dụng ngay những hình thức tuyên truyền mạnh bạo hơn như tuyên truyền xung phong có vũ trang, công khai diễn thuyết khắp nơi, dán nhiều áp-phích và năng giới thiệu lá cờ Việt Minh với đồng bào, phải áp dụng ngay những hình thức đấu tranh cao hơn như biểu tình tuần hành, bãi công chính trị, mít-tinh công khai, bãi khóa, bãi chợ, bất hợp tác với Nhật về mọi phương diện, chống thu thóc, không nộp thuế; dựa vào nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường đấu tranh, tổ chức những cuộc biểu tình phá kho thóc của đế quốc giải quyết nạn đói; thành lập các ban tổ chức xung phong đi gây cơ sở ở nơi chưa  có phong trào; tổ chức đến đâu huấn luyện đến đó; đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ cứu quốc, bộ đội du kích, huy động đội tự vệ tước vũ khí của binh lính bại trận đào ngũ, mất tinh thần; phát động đánh du kích ở những nơi có địa hình địa thế; thành lập những căn cứ địa mới, thống nhất các chiến khu và thành lập Việt Nam giải phóng quân;  tổ  chức  ủy  ban quân sự cách mạng (tức ủy ban khởi nghĩa); thành lập ủy ban nhân dân cách mạng ở những vùng quân du kích hoạt động và Ủy ban nhân dân cách mạng Việt Nam theo hình thức một chính phủ cách mạng lâm thời. Biện pháp quan trọng được Hội nghị coi là then chốt để phát động phong trào chống Nhật, cứu nước là "phá kho thóc, giải quyết nạn đói". Nhận rõ trách nhiệm nặng nề trước vận mệnh của dân tộc, các đồng chí dự Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương đều tập trung trí tuệ, đem hết năng lực và nhiệt tình ra làm việc, suy nghĩ, tìm tòi những phương án tối ưu để giành thắng lợi. Trong tình thế khẩn trương, sôi sục, trước nhu cầu bức thiết, tất cả các vấn đề đều nhất trí cao. Lịch sử đã ghi nhận rằng, chính trong cảnh tranh tối, tranh sáng của gian nhà hẹp ở Ðình Bảng, con đường giành thắng lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã được tìm ra.

...Ðến khoảng 11 giờ trưa ngày 12-3, Hội nghị kết thúc. Ai nấy đều phấn khởi, quyết tâm, muốn hành động ngay. Ăn vội bát cơm rồi chia tay, anh em tỏa về các nơi. Ai cũng thấy rằng không thể chậm trễ, phải chạy đua với thời gian, đem ánh sáng mới của Ðảng đến mọi miền đất nước, thức dậy mùa xuân của dân tộc... Tôi trở về Viên Nội để chỉnh lý văn kiện Hội nghị và triển khai Nghị quyết. Từ Ðình Bảng về Viên Nội, tình hình đã đổi khác. Bọn lý dịch hoang mang, lo sợ; quần chúng náo nức chờ đón; các hội viên cứu quốc phấn khởi, hăng hái; uy tín của Mặt trận Việt Minh lên cao. Về tới Viên Nội, tôi trở lại nhà cụ Triều ở đầu xóm, một cơ sở trung kiên của cách mạng. Gia đình vẫn dành riêng cho tôi một buồng nhỏ, kín đáo. Căn cứ vào đề cương trình bày ở Hội nghị và những kết luận của Hội nghị, tôi viết bản chỉ thị của Ban Thường vụ. Tôi viết trong 2 hôm thì xong. Cứ mỗi lần viết chỉ thị, nghị quyết hay văn kiện gì, tôi lại nhớ đến Bác Hồ nhắc nhở khi đọc bản dự thảo nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5-1941. Hôm đó, Bác cười bảo tôi:

- Chú viết hãy còn "tây" quá. Làm sao tránh được những chữ thừa.

Ghi sâu lời dạy bảo của Bác, tôi đọc đi đọc lại bản chỉ thị, xóa những chữ thừa, sửa lại những câu văn dài, với gần 4.000 chữ, bản chỉ thị cố gắng ghi lại toàn bộ nội dung Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ... Tư tưởng chỉ đạo của bản chỉ thị là chương trình hành động cách mạng của nhân dân ta thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cần phải hành động ngay, hành động cương quyết, nhanh chóng, sáng tạo, chủ động, táo bạo; không tự bó tay khi tình thế biến chuyển thuận lợi, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến đến Tổng khởi nghĩa. "Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta!". Lời kết của Bản chỉ thị đồng thời là niềm tin của chúng tôi.

Tôi nắn nót viết dòng chữ to tên của bản chỉ thị: NHẬT, PHÁP BẮN NHAU VÀ HÀNH ÐỘNG CỦA CHÚNG TA (Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương ngày 12 tháng 3). Sau đó chuyển bản chỉ thị đến cơ quan in báo Cờ giải phóng ở cuối xóm. Bản chỉ thị được in bằng đá li-tô, khá rõ, đẹp... Cả Ðông Dương khi ấy đang như một cánh đồng cỏ khô. Từng tập, từng tập bản chỉ thị của Ban Thường vụ nhanh chóng theo chân các đồng chí giao thông bay đến các miền đất nước như những cánh chim lửa. Và lửa cách mạng đã bùng lên! Không có ai dập tắt được, không có lực  lượng phản động nào, không có sức mạnh tàn bạo nào ngăn cản được ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy trong cả nước.

Từ mọi miền của Tổ quốc, các cán bộ, đảng viên và cán bộ Việt Minh đang chỉ đạo phong trào tìm thấy ở bản chỉ thị NHẬT, PHÁP BẮN NHAU VÀ HÀNH ÐỘNG CỦA CHÚNG TA những phương hướng chính xác và biện pháp hành động cụ thể đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của cách mạng và nguyện vọng thiết tha của quần chúng. Nó là kim chỉ nam cho mọi hành động của Ðảng trong cao trào chống Nhật, cứu nước, trực tiếp dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945). Một thời kỳ mới của cách mạng bắt đầu.

----------------
(*) Trích trong cuốn "Trường-Chinh, tuyển tập văn học", tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 1997.