Nâng tầm cao đối tác chiến lược

NDO - Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Ba ngày thăm chính thức Vương quốc Thái-lan tươi đẹp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đã ghi một dấu mốc lịch sử quan trọng, là bước tiến lên tầm cao mới trong quan hệ hai nước.

Những ngày trên "đất nước của những nụ cười" với hơn 67 triệu dân, đến đâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta cũng được đón tiếp trọng thị, thân tình. Khi chuyên cơ của Ðoàn vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ðôn Mường, Thủ đô Băng-cốc, Phó Thủ tướng Y.Lim-lem-thông và nhiều quan chức Thái-lan ra tận chân cầu thang máy bay, đón chào và trân trọng tặng hoa người lãnh đạo cao nhất của Ðảng ta.

Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể theo nghi lễ cấp Nhà nước. Có mặt tại Phủ Thủ tướng hơn một giờ đồng hồ trước lễ đón, chúng tôi cảm nhận rõ lòng mến khách và sự chuẩn bị chu đáo của bạn cho sự kiện quan trọng này. Thủ tướng Dinh-lắc Xin-va-vắt đợi ở cửa Dinh Thủ tướng và ra tận cửa xe ô-tô để đón, mời Tổng Bí thư lên bục danh dự, tiến hành lễ đón.

Cuộc gặp hẹp và hội đàm của Tổng Bí thư với Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt; các cuộc hội kiến với Chủ tịch QH Xổm-xặc Kiệt-xụ-ra-nôn, với Chủ tịch Thượng viện Ni-kôm Vi-rắt-pa-ních; các cuộc tiếp lãnh đạo Ðảng Vì người Thái, Ðảng Dân chủ Thái-lan, lãnh đạo tỉnh Na-khon Pha-nôm,... đều diễn ra trong không khí thân tình, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Vui mừng khẳng định sự phát triển trong quan hệ hữu nghị gần 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Thái-lan đã thống nhất, trong thời gian tới sẽ thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, phát triển đất nước,...

Thành công lớn nhất trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái-lan của Tổng Bí thư Ðảng ta lần này là hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ðây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Thái-lan, mở ra thời kỳ mới đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Trong buổi Tổng Bí thư gặp, ăn cơm với Hội doanh nghiệp Thái - Việt, nhiều chủ doanh nghiệp hết sức phấn khởi khi đón nhận thông tin này và làm cho buổi gặp kéo dài hơn dự kiến trong không khí đầm ấm, sôi nổi. Các chủ tịch hiệp hội Ngân hàng, Thương mại Thái-lan đều vui mừng khẳng định: "Ðây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của hai nước; chúng tôi muốn làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với hai Chính phủ để tăng cường hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực mà hai quốc gia có tiềm năng".

Thăm Dự án Hoàng gia Chi-tra-la-da Vi-la, Tổng Bí thư được giới thiệu về một mô hình hấp dẫn từ sáng kiến của Ðức Vua Phu-mi-phôn A-đun-gia-đệt. Theo nữ kỹ sư Ro-sa-rin Smi-ta-hun-du, đây là nơi nghiên cứu, thí nghiệm nhiều loại giống cây trồng và cũng là nơi tập huấn cho kỹ sư nông nghiệp Hoàng gia các phương thức thực hành để truyền đạt lại cho nông dân. Dự án phân làm hai loại, gồm phi lợi nhuận và bán lợi nhuận. Ngày nay, có hơn 300 vùng nông thôn nghèo ở Thái-lan đang hưởng lợi từ các dự án Hoàng gia và được áp dụng, thực hiện ở hơn 28 trạm khuyến nông và có ảnh hưởng tới hơn 50 nghìn hộ nông dân nghèo trên khắp đất nước. Vì thế, Ðức Vua Phu-mi-phôn A-đun-gia-đệt đã được LHQ trao tặng Huy chương thành quả trọn đời vì phát triển nhân loại (tháng 5-2006). Ðến nay, đây vẫn là Huy chương duy nhất được LHQ dành cho một Quốc vương. Qua tham quan dự án, Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có nhiều gợi mở trong việc hoạch định các chương trình xây dựng nông thôn mới của nước ta hiện nay.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 6-8-1976, mối bang giao giữa  hai nước thật sự khởi sắc sau chuyến thăm chính thức Thái-lan tháng 9-1978 của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2009 đạt 6,78 tỷ USD và con số đó là 8,62 tỷ USD, năm 2012. Ðến tháng 2-2013, Thái-lan có 300 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng thứ mười trong số gần một trăm quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, nhưng chúng ta mới có bảy dự án đầu tư sang nước bạn với tổng vốn đầu tư 11,35 triệu USD. Tin rằng, khi quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được cụ thể hóa thành các chương trình hợp tác thì việc gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020 sẽ là hiện thực.

Tham dự các hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Thái-lan, chúng tôi được nhiều lần nghe các nhà lãnh đạo hai nước ôn lại những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại đất nước này trong hành trình tìm đường cứu nước.

Ngay sau khi rời Băng-cốc đến tỉnh Na-khon Pha-nôm ở vùng Ðông Bắc Thái-lan, vừa xuống sân bay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thẳng Làng hữu nghị Thái - Việt. Cổng Làng hữu nghị cũng là cổng làng Na-choọc (bà con thường gọi là bản Mạy, xã Nõn Giạn, huyện Mương) - nơi mà tháng 7-1928, với bí danh Thầu Chín, Bác Hồ đã đến ở cùng bà con Việt kiều, để hoạt động cách mạng. Tại đây, Bác sống trong gia đình ông Võ Trọng Ðài, một người bạn của Bác khi còn ở Việt Nam. Hiện, ngôi nhà vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật của Bác những ngày ở bản Mạy cho đến tháng 11-1929 thì Người sang Trung Quốc.

Từ sáng kiến của Ðại tướng Cha-va-lit Y-ông-chai-út, Phó Thủ tướng Thái-lan, Chính phủ hai nước quyết định thành lập Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy và ngày 22-2-2004 thì được khai trương với sự có mặt của Thủ tướng hai nước. Làng hữu nghị Thái - Việt, nhất là Khu tưởng niệm Bác Hồ không những đáp ứng nguyện vọng của bà con Việt kiều, mong ước có một không gian tưởng nhớ Bác, mà còn tạo điều kiện cho người dân Thái-lan cũng như các du khách nước ngoài đến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Phong cảnh bản Mạy hôm nay như một làng quê Việt Nam thân quen, êm đềm. Hai bên đường vào Nhà lưu niệm Bác Hồ trong Làng hữu nghị là bóng dừa xanh biếc xen lẫn những hàng cau cao vút. Không chỉ hơn 100 hộ người Việt ở bản Mạy, mà lãnh đạo Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái-lan, Lãnh đạo các hội người Việt Nam sống ở các tỉnh bạn có mặt tại bản Mạy từ rất sớm. Anh Trần Duy Mão, một người Việt sống ở tỉnh Chăn-tha Bô-ri nói với tôi, anh đã đi gần 600 km về đây từ hôm qua để được gặp người lãnh đạo cao nhất của Ðảng ta. Còn ông Ðào Trọng Lý, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Na-khon Pha-nôm báo cáo với Tổng Bí thư rằng, nhiều ngày qua, bà con người Việt Nam trong tỉnh nô nức chờ đợi giây phút trọng đại này. Cả bản Mạy như một ngày hội lớn, ai cũng mặc đẹp, tay cầm cờ đỏ sao vàng và quốc kỳ nước bạn vẫy chào Tổng Bí thư.

Thăm Nhà bảo tàng, nghe giới thiệu những hình ảnh về thời kỳ Bác Hồ sống và hoạt động tại đây, thăm một trong những ngôi nhà mà Bác Hồ từng ở, Tổng Bí thư và mọi người trong Ðoàn ai cũng xúc động, bùi ngùi nhớ về những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ mà Người phải trải qua. Khi nói chuyện với bà con, Tổng Bí thư thân tình: Những ngày Bác Hồ dừng chân, hoạt động tại đây được nhân dân Thái-lan che chở. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Thái-lan cũng được nhân dân, Chính phủ Thái-lan giúp đỡ. Mong bà con nhớ lời dạy của Bác hãy tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao ý thức cộng đồng, vừa làm tốt nghĩa vụ công dân đối với nước sở tại, đồng thời luôn hướng về quê hương, góp phần xây dựng Tổ quốc. Ðã mang trong mình dòng máu Việt, dù ở đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hãy nghĩ về Tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Dù xa quê, nhưng trong trái tim mình hãy luôn luôn sáng lên hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, anh hùng. Ðảng, Nhà nước ta luôn luôn chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xác định bà con là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam... Trong vòng chưa đầy 15 phút Tổng Bí thư nói chuyện với bà con, nhưng có đến hơn mười lần cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Không khí thật thắm đượm tình quê hương dân tộc.

Trước khi rời bản Mạy, đồng chí Tổng Bí thư đã lần lượt chụp ảnh lưu niệm với từng đoàn bà con người Việt Nam có mặt tại buổi nói chuyện. Bác Thúy, quê Nam Ðịnh, sang Thái-lan khi mới lên mười, nay đã 84 tuổi, do chân yếu mà phải ngồi trên xe lăn, đã bộc bạch: Ai cũng muốn được lưu giữ hình ảnh với Tổng Bí thư. Ðó là sự kính trọng, là tình cảm và lòng khát khao của bà con xa xứ luôn hướng về quê hương đất nước.