30 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và sứ mệnh cao cả

 
Năm nay kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, là một dịp để chúng ta nhớ lại những năm tháng không thể nào quên của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt, nhưng cũng vô cùng gian khổ, đầy hy sinh của nhân dân ta.

Tôi nhớ lại, với việc tập kết hàng vạn bộ đội và cán bộ cùng hàng vạn con em cán bộ trong những năm 1954-1955, chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva và hy vọng trong vòng hai năm sẽ có tổng tuyển cử và trở về miền nam. Nhưng mong ước đó chỉ được thực hiện 20 năm sau.

Cái hay trong sâu thẳm của vấn đề là, sau một thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền nam, xa Trung ương, không có điều kiện được học tập, phần lớn cán bộ, chiến sĩ khi ra miền bắc giải phóng, trong chế độ Nhà nước XHCN, đã có điều kiện học tập thêm về văn hóa, lý luận chính trị cũng như về chuyên môn. Nhờ đó, một số đồng chí đã có thể đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc, và một số được chuẩn bị trở về miền nam sớm để phục vụ theo yêu cầu của chiến trường.

Tháng 12-1960, một sự kiện chính trị trọng đại đã diễn ra tại vùng giải phóng miền nam: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời, nhận lĩnh sứ mệnh đoàn kết và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân miền nam, các lực lượng yêu nước và kháng chiến trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai nhằm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức  yêu nước nổi tiếng ở Sài Gòn, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận, Ủy ban Mặt trận còn bao gồm nhiều nhân vật tiêu biểu khác ở miền nam.

Tôi và một số đồng chí, sau khi được bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuẩn bị đi "B" thì được yêu cầu đi hoạt động đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam - lúc đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi vào giai đoạn mới, vừa đấu tranh quân sự và chính trị trong nước, vừa mở rộng mặt trận quốc tế nhằm tranh thủ mọi lực lượng yêu hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới đoàn kết với Việt Nam và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Chúng tôi, phần lớn là cán bộ chính trị, đoàn thể, chưa hề học qua trường ngoại giao, nhưng nhờ mấy năm tập kết ra miền bắc đã học tập được nhiều. Điều đó chính là cái vốn để chúng tôi đi vào một hoạt động mới mẻ và phức tạp.

Từ đầu năm 1954, sau khi đánh thắng thực dân Pháp, Đảng đã nêu ra nhiệm vụ cho cả dân tộc là: "Đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước". Từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời, với Cương lĩnh 10 điểm, nhân dân thế giới càng hiểu được nguyện vọng của nhân dân ta từ nam chí bắc là: "Độc lập và thống nhất". Đế quốc Mỹ có chấm dứt xâm lược thì mới có độc lập, và có độc lập thì mới thống nhất được đất nước. Để tranh thủ dư luận rộng rãi của nhân dân thế giới và làm rõ thêm nguyện vọng của nhân dân ta, Cương lĩnh Mặt trận nhấn mạnh đến chủ trương ngoại giao hòa bình trung lập và hòa bình thống nhất Tổ quốc. Từ đó, ở nhiều nước trên thế giới, người ta bắt đầu biết đến lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, ngôi sao vàng ở giữa và cũng từ đó, đội quân đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam có mặt hầu như ở khắp  nơi, tại các hội nghị quốc tế, các diễn đàn gặp gỡ và giao lưu, các cuộc mít-tinh đoàn kết với Việt Nam.

Cơ quan đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đặt ở ba nơi: Hà Nội, Tây Ninh và sau này ở Cam Lộ (Quảng Trị), trong đó bộ phận chính là ở Hà Nội. Ban Thống nhất Trung ương, lúc này có mấy bộ phận trực tiếp liên quan đến công tác đối ngoại của Mặt trận: Văn phòng Ban do đồng chí Hoàng Bích Sơn làm Chánh Văn phòng, sau này đồng chí là Đại sứ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ở Cuba, rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam. Vụ 1A do tôi làm Vụ trưởng, phụ trách các đoàn thể nhân dân; Vụ 1B do đồng chí Võ Đông Giang làm Vụ trưởng, lo công tác nghiên cứu, sau này đồng chí làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời, rồi được cử làm Phó trưởng đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Ban liên hiệp quân sự bốn bên; Vụ 1C do đồng chí Nguyễn Văn Chấn làm Vụ trưởng, lo công tác tuyên truyền, sau đồng chí làm Đại sứ ở Liên Xô...

Chúng tôi ngày càng lớn cùng với quá trình mở rộng hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam. Đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam thành lập thì chúng tôi đã là một đội ngũ khá đông. Điều quan trọng hơn nữa là, chúng tôi đã có kinh nghiệm, hoạt động càng có hiệu quả.

Hoạt động những năm đầu của chúng tôi, phần lớn là cử đoàn đi tham dự các hội nghị quốc tế, từ Đại hội Thanh niên quốc tế, Hội nghị Phụ nữ dân chủ quốc tế đến Hội nghị Hội đồng Hòa bình thế giới, Công đoàn thế giới, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hội nghị đoàn kết Á-Phi, kinh tế Á-Phi, v.v.

Trong các hội nghị quốc tế chúng tôi tham dự lúc đó, đều có hai đoàn, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng  hòa và đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng, hai đoàn tuy cách nói có khác nhau, nhưng đều chung một nội dung là lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tố cáo tội ác và đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, để công việc của Việt Nam do người Việt Nam quyết định. Ở Hội nghị nào cũng vậy, đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam thường được phát biểu trước và nhiều khi  được phát biểu đầu tiên. Mỗi lần đoàn miền nam phát biểu xong, các đồng chí ở đoàn miền bắc lại xúc động chạy lên ôm anh chị em đoàn miền nam. Nghĩ đến cảnh chia cắt, đến những đau khổ của nhân dân, chúng tôi đều khóc. Cả hội trường im lặng và nhiều bạn nước ngoài cũng ràn rụa nước mắt. Có lẽ, cảnh tượng đó cũng nói lên tình cảm của nhân dân ta và nguyện vọng tha thiết của hai miền là được thống nhất đất nước.

Các đoàn miền bắc, miền nam, đều tranh thủ tiếp xúc với báo chí để làm cho họ hiểu rõ tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Phần lớn các phóng viên theo dõi tình hình từ lâu hiểu được ngay những điều chúng ta giải thích, nhưng có người hỏi: Tại sao nước Mỹ giàu có lại đi xâm lược một nước  ở xa xôi và nghèo như Việt Nam? Có người cũng hỏi giữa hai đoàn, miền bắc và miền nam có gì khác nhau không?... Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và  dân miền nam đồng loạt nổ ra khắp các thành thị miền nam và ngay tại trung tâm đầu não của địch là Sài Gòn, như sấm vang, chớp giật làm rung chuyển cả nền móng của cuộc chiến tranh xâm lược, gây chấn động lớn trong dư luận nước Mỹ và trên thế giới. Thanh thế của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lừng vang trên nhiều châu lục.

Điều mà tôi không bao giờ quên là, trong thời gian đầu, ta rất khó thuyết phục bạn bè công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam là "người đại diện duy nhất chân chính" của nhân dân miền nam, vì họ cho rằng, nói như vậy có cứng quá không? Có thể còn lực lượng khác cũng chân chính? Nhưng đến sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, khi ở miền nam Việt Nam có thêm Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ, hòa bình, chúng ta đề nghị các bạn không dùng chữ "duy nhất chân chính" đối với Mặt trận thì bạn bè lại không đồng ý, cho rằng, qua bao nhiêu năm đấu tranh, Mặt trận mới thật sự là người đại diện "duy nhất chân chính" của nhân dân miền nam.

Đến khi Hội nghị Paris về Việt Nam mở ra, tư thế của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đã khác hẳn. Mặt trận tham gia Hội nghị với tư cách một chính phủ, một bên bình đẳng của bốn bên, trong đó có Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Hội nghị, khi ta tố cáo đế quốc Mỹ xâm lược miền nam, thì họ lại đưa ra luận điệu miền bắc xâm lược miền nam. Một số phóng viên báo chí hỏi anh em đoàn miền nam: Có quân miền bắc ở miền nam không? Làm sao mà nói không có quân đội miền bắc chiến đấu tại miền nam, bởi đó là một thực tế lịch sử, một thực tế chứng minh cái quyền của nhân dân Việt Nam có thể chiến đấu chống quân  xâm lược ở bất cứ nơi nào trên Tổ quốc mình. Dẫu sao kẻ địch cũng lấy đó là cái cớ để xuyên tạc chúng ta và bào chữa cho sự có mặt bất hợp pháp của chúng ở miền nam. Chúng tôi (hai đoàn) đã thống nhất lựa chọn cách trả lời thích hợp nhất: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, khi có quân nước ngoài xâm lược đất nước, mọi người Việt Nam ở bất cứ đâu đều có nghĩa vụ chống xâm lăng". Cách trả lời như vậy tưởng như khó chấp nhận đối với các phóng viên báo chí, nhưng thật ra họ cũng ngầm hiểu rằng, đó là lẽ phải không thể bắt bẻ được.

Một hoạt động đối ngoại quan trọng  của Mặt trận, và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời là, đấu tranh trên dư luận và công tác tuyên truyền. Nhờ có Đài phát thanh Giải phóng, cho nên những thông tin, phát biểu, tuyên bố của Mặt trận và các tổ chức của Mặt trận được dư luận trong nước và ngoài nước biết đến nhanh chóng.

Tôi và các đồng chí Võ Đông Giang, Hoàng Bích Sơn, Nguyễn Văn Chấn được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Toàn Thư, lúc đó phụ trách Ban Thống nhất Trung ương, có trách nhiệm thảo các bản tuyên bố của Mặt trận, đập lại những luận điệu xuyên tạc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm sáng tỏ lập trường của ta. Vì chưa có kinh nghiệm, lúc đầu chúng tôi làm rất vất vả. Có lúc phải thức gần như suốt đêm để  viết xong một bản tuyên bố. Nhưng dần dần anh em thông thạo, các tuyên bố và phát ngôn của Mặt trận đưa ra một cách nhanh chóng, kịp thời với nội dung sắc bén.

Các sản phẩm tuyên truyền của chúng ta cũng ngày càng phong phú. Các đoàn miền nam đi công cán ở nước ngoài đều "vác" theo để phân phối cho đại biểu một cách rộng rãi, và cùng với những hoạt động của một số cơ quan thông tin, đại diện của Mặt trận đặt ở nhiều nước, nhân dân thế giới càng hiểu được tình hình cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Các cơ quan thông tin hoạt động sôi nổi nhất là ở Thụy Điển, Pháp, Tiệp Khắc, v.v.

Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập, có thể nói, bộ máy đối ngoại miền nam đã tương đối hoàn chỉnh. Bên trong CP72, tức là  Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời, được thành lập, bên ngoài chúng ta có gần 30 Đại sứ quán và Cơ quan đại diện. Sau khi quân, dân ta giải phóng Quảng Trị, từ năm 1973, Trụ sở của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam đóng tại Cam Lộ. Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp, nhận quốc thư của các Đại sứ các nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Kể từ lúc cuộc đàm phán bốn bên tại Paris bắt đầu, cuộc đấu tranh của nhân dân ta bước vào một giai đoạn mới  có tính  quyết định. Mục tiêu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là: Giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Nhưng hình thái cuộc đấu tranh mới hơn, nhân dân ta ở trên một thế và lực mới.

Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán kéo dài hơn bốn năm, một cuộc đàm phán quốc tế dài nhất trong lịch sử. Trong thời gian đó, nhân dân ta, cả hai miền bắc,  nam, đã phải chịu đựng bao nhiêu hy sinh mất mát. Sự giằng co giữa ta và địch trên chiến trường, lúc ta tiến, lúc phải lùi, nhưng cuối cùng đã chiến thắng.

Nhân dân ta đã buộc đế quốc Mỹ hiểu rằng, chúng không thể khuất phục ta bằng bom, đạn. Ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, rút toàn bộ quân đội và vũ khí ra khỏi miền nam Việt Nam.

Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy đất nước tạm thời bị chia cắt, nhưng cách mạng Việt Nam là do cả nhân dân miền nam và miền bắc luôn sát cánh bên nhau tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu. Cuộc kháng chiến tại miền nam, được sự chi viện không ngừng của miền bắc ruột thịt. Cả nước cùng nhau chia sẻ đau khổ, mất mát và hy sinh để đạt tới vinh quang của thắng lợi.

Tôi nhớ, có một lần đi thăm các bạn Palestine tại Ai Cập, nhiều người đã hỏi chúng tôi: Nhờ đâu mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam chiến đấu tài tình như vậy? Chúng tôi trả lời: Một là, Đảng Cộng sản lãnh đạo; hai là, nhân dân cả nước đoàn kết một lòng; ba là, có miền bắc XHCN làm chỗ dựa vững chắc.

Trên mặt trận ngoại giao cũng vậy, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam luôn luôn phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau, cùng chung tiếng nói, làm cho bạn bè càng hiểu lập trường chính nghĩa và nguyện vọng thiết tha về độc lập và thống nhất của nhân dân ta. Trên bàn đàm phán, chúng tôi thể hiện một cách nhất quán phương châm tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam và sau ngày 6-6-1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam luôn luôn là người được phát biểu trước, cũng là người được vinh dự đưa ra nhiều sáng kiến về ngoại giao. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao giờ cũng lên tiếng ủng hộ, phân tích rõ thêm tình hình và đòi phía đối phương phải đáp ứng yêu cầu chính đáng của Mặt trận. Những nội dung đấu tranh của hai đoàn tại bàn đàm phán, được báo chí các nước loan đi khắp thế giới, làm cho dư luận quốc tế và ngay tại Mỹ, ngày càng đồng tình, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt xâm lược, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của miền nam Việt Nam, v.v.

Với tinh thần đoàn kết anh em, cùng trách nhiệm chung như vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Mặt trận đã sát cánh với anh em cán bộ ngoại giao miền bắc, dày dạn kinh nghiệm hơn, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không những trên trường quốc tế, tại cuộc đàm phán bốn bên ở Paris, tại Hội nghị hiệp thương hai bên miền nam ở Pháp, mà cả trong hoạt động tại trung tâm đầu não của đối phương ở trại David (Tân Sơn Nhất), cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975.

Là một cán bộ của Đảng, được phân công hoạt động cho công tác đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam trong 15 năm, từ khi thành lập Mặt trận đến ngày Mặt trận hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 6 năm 1976), tôi có nhiều suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Rõ ràng, từ khi có ngọn cờ Mặt trận và Cương lĩnh 10 điểm đề cập lập trường của Mặt trận trên tất cả lĩnh vực đời sống, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến đối ngoại, cách mạng miền nam tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài các tầng lớp nhân dân đã từng đi theo Việt Minh, ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập từ năm 1945, chúng ta đã có thêm Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ, hòa bình, các lực lượng thứ ba, v.v.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam, với sách lược mềm dẻo, đã tranh thủ rộng rãi dư luận các nước. Phong trào nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam phát triển rộng lớn chưa từng có. Lá cờ đỏ xanh, sao vàng đã có mặt hầu như khắp nơi trên trái đất và ngay tại nước Mỹ...

Năm 2005 này, khi chúng ta kỷ niệm trọng thể 30 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc và 45 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc  giải phóng miền nam, tôi nghĩ rằng, cần nêu rõ và tôn vinh sự đóng góp to lớn của Mặt trận và những người đã hoạt động, chiến đấu dưới lá cờ của Mặt trận - mà suy đến cùng, là dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ  trương thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam -  một chủ trương tài tình của Đảng trong chính sách lớn về Mặt trận, về đại đoàn kết toàn dân, đó là một bài học quan trọng, quý giá của cách mạng Việt Nam trước đây, hiện nay và mãi mãi về sau.

Đánh giá về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam, Bác Hồ đã nói "một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Mặt trận Dân tộc giải phóng với chương trình hành động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân... đồng bào miền nam nhất định thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, nam, bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". (1)

...........................

(1) Hồ Chí Minh: Về Mặt trận Dân tộc thống nhất, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1972.