Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam

Đối với sản phẩm lúa gạo, nếu đầu tư nghiên cứu và chuyển giao theo cách như hiện nay thì sẽ rất khó xây dựng thương hiệu quốc gia. Bởi cùng một sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu mà có hàng trăm giống, quy trình sản xuất của từng giống, từng doanh nghiệp cũng khác nhau, dẫn đến không thể có sản phẩm đồng đều, chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó đạt được như mong muốn.

Vì thế cần có hình thức đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ phù hợp hơn cho sản phẩm lúa gạo, nhất là khâu giống. Không thể có thương hiệu gạo quốc gia trên nền tảng hàng trăm giống lúa và các giống lúa đó là bản quyền của từng doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Thái-lan cho thấy, mỗi sản phẩm gạo xuất khẩu như “gạo thơm”, “gạo thường” chỉ có từ một, đến hai giống có dạng hạt, kích cỡ và chất lượng giống nhau.

Muốn vậy, Nhà nước nên đầu tư nghiên cứu và giao cho đơn vị chuyên nghiên cứu quản lý giống gốc, giống siêu nguyên chủng. Từ giống siêu nguyên chủng đó, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống nguyên chủng đến giống xác nhận phục vụ kinh doanh. Trước mắt, Nhà nước có thể bỏ kinh phí mua bản quyền giống của tất cả các tác giả (kể cả giống của các doanh nghiệp) giao lại cho đơn vị nghiên cứu lúa chọn lọc, đánh giá để đưa ra giống quốc gia. Những năm tiếp theo, có thể “đặt hàng” giao nhiệm vụ cho đơn vị này trong khoảng thời gian nhất định cần có giống bổ sung. Riêng giống lúa phục vụ xuất khẩu “gạo đặc sản”, phục vụ tiêu dùng có thể xã hội hóa để sử dụng sức mạnh của doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp sẽ tổ chức từ sản xuất giống, chế biến đến xây dựng thương hiệu và xuất khẩu. Về kỹ thuật canh tác, khi đã có giống quốc gia, cần có gói kỹ thuật đồng bộ từ sản xuất đến chế biến. Có như vậy mới tạo ra sản phẩm đồng nhất, đáp ứng yêu cầu thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam.

NGUYỄN LẬP

TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đồng bào thiệt hại do hạn mặn 20 tỷ đồng

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa hỗ trợ 20 tỷ đồng cho đồng bào các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán.

Hiện tại, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền 70 đến 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm khoảng 15 đến 20 km. Kinh tế và đời sống dân sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

PV

Điện Biên xuất hiện Cò Nhạn có tên trong Sách Đỏ Việt Nam

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, gần đây, tại nhiều khu vực của tỉnh Điện Biên đã xuất hiện hàng nghìn con chim Cò Nhạn (còn có tên là Cò Ốc), có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc bậc R- loại cực kỳ quý hiếm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tiến hành điều tra, khảo sát, sau đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

PV

Quảng Bình thả rùa quý hiếm về biển

Ngày 8-4, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình phối hợp với UBND xã Ngư Thủy Trung (huyện Lệ Thủy) thả một con rùa biển nặng khoảng 25kg, được xác định là con rùa Quản Đồng có tên khoa học là “Cretta caretta” thuộc họ Vích (Bộ rùa biển). Đây là loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cực cao do ngư dân Hoàng Quốc Dao ở xã Ngư Thủy Trung trong lúc đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ bằng lưới rê, bắt được trao lại cho các cơ quan chức năng.

PV

Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng gạo sau thu hoạch

Ngày 8-4, tại TP Cần Thơ, Công ty tư vấn thương mại Sontag phối hợp Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội thảo "Giới thiệu công nghệ tiên tiến sau thu hoạch - Lưu trữ sinh thái - Gạo đồ chất lượng cao - Xay xát năng suất cao và các giải pháp năng lượng sinh thái". Theo đại diện của Viện lúa ĐBSCL, do sử dụng công nghệ lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch lúa, gạo ở khu vực ĐBSCL chiếm khoảng 13,7%, với giá trị thất thoát hơn 781 triệu USD/năm. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ làm mát trong kho kín để bảo quản lúa gạo là việc làm cần thiết, góp phần hạn chế thất thoát, đồng thời tăng giá trị cho hạt gạo xuất khẩu.