Vĩnh Long thích ứng an toàn để sản xuất trở lại

NDO -

Trong những ngày qua, tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận một số ổ dịch nhỏ phát sinh ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từng bước đưa Vĩnh Long thực hiện mục tiêu kép, hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào nề nếp ổn định. 

Công nhân Công ty TNHH BoHsing Vĩnh Long trong giờ sản xuất. (Ảnh: Bá Dũng).
Công nhân Công ty TNHH BoHsing Vĩnh Long trong giờ sản xuất. (Ảnh: Bá Dũng).

Đến nay, đã có hơn 90% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trở lại hoạt động theo các phương án phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Long triển khai nhanh Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua đó, tỉnh đã hỗ trợ người lao động, giảm, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm tiền điện, tiền nước cho các doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Vượt qua đại dịch  

Dịch bệnh Covid-19 ở Vĩnh Long trong thời gian qua đã làm cho khoảng 80% doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Số doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng theo phương án “3 tại chỗ”, 2 tại chỗ - 1 vùng xanh,… và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong tiền lệ như: chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động và những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu...

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Trong 9 tháng của năm 2021, kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm, một số mặt hàng nông sản có giá bán thấp, khó tiêu thụ; hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt dịch vụ vận tải, du lịch, khách sạn, ăn uống;...

Thu ngân sách nhà nước trong tháng 9 giảm mạnh (giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước); một số nguồn thu quan trọng gặp nhiều khó khăn như thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân; một số hoạt động phải tạm dừng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; có 161 doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và giải thể (60 doanh nghiệp giải thể; 101 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động)…

Tỉnh đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư 9 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 3.521 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 10 dự án, số vốn đăng ký giảm 6,82%.

Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực, kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng khá trong 9 tháng của năm 2021 như: Tổng số vốn đầu tư công năm 2021 đến tháng 9 hơn  4.320 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với kế hoạch vốn cùng thời điểm năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 420,9 triệu USD, đạt 69,7% kế hoạch và tăng 6,86% so cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp - thủy sản khá ổn định, là nền tảng, bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện sản xuất công nghiệp và thương mại chịu tác động, giảm sâu, nhất là trong tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2021.

Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, với diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19, dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, Vĩnh Long đã khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình hình mới theo kế hoạch đã ban hành.

Sản xuất an toàn trong dịch bệnh

Vĩnh Long thích ứng an toàn trong hoạt động sản xuất -0
 Lực lượng y tế tỉnh Vĩnh Long đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho lực lượng công nhân trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Bá Dũng)

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, các tổ công tác sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra và thẩm định các phương án của các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chính quyền địa phương giải quyết các trường hợp vướng mắc tại các doanh nghiệp, bảo đảm phương châm vừa chống dịch vừa hoạt động.

Tại khu công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) hầu hết tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động trở lại. Công ty TNHH BoHsing Vĩnh Long hiện đang có lượng công nhân khoảng 90% đang làm việc hối hả với những lô hàng gấp đã được thương thảo với các đối tác nước ngoài. Đa phần là công nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Anh Trần Lê Minh Nhựt, Phó Phòng Nhân sự Công ty TNHH BoHsing, cho biết vào thời điểm chưa có dịch, công ty hoạt động khoảng 1.700 công nhân, sản xuất khoảng 100.000 sản phẩm mỗi tháng với các loại áo khoác lông vũ xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng, công ty tiếp tục tuyển thêm lao động, mở rộng sản xuất… Tuy nhiên, tất cả đều được thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Hy vọng sẽ hoạt động sản xuất tốt hơn trong hình hình mới.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cho biết đến nay đã có gần 100% doanh nghiệp trong các khu, tuyến công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động với phương án 2 tại chỗ 1 vùng xanh. Lượng công nhân đến các doanh nghiệp đạt hơn 80%. Riêng Công ty Tỷ Xuân đạt hơn 50%. Tất cả công nhân làm việc đều đã được tiêm vaccin mũi 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, để xây dựng các giải pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt là cơ chế quản lý kiểm soát dịch trong điều kiện bình thường mới, triển khai thực hiện thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ có giải pháp hỗ trợ kết nối nhu cầu giữa doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động, tỉnh xem đây là một nội dung quan trọng để giúp doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực để tái hoạt động kinh doanh.

“Các giải pháp trong thời gian tới sẽ xoay quanh 3 nội dung chính: thứ nhất là triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách, hỗ trợ của Trung ương đến người dân và doanh nghiệp; thứ 2 là nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ theo dõi nguồn lực của địa phương, tập trung tháo gỡ về cơ chế và cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp, những giải pháp nào nằm ngoài thẩm quyền của địa phương thì tỉnh sẽ chủ động đề xuất, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành Trung ương; thứ 3 là thực hiện tốt các giải pháp về y tế, đánh giá tốt tình hình theo từng giai đoạn để thực hiện phương châm sản xuất phải an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế