Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh đạt thấp

NDO -

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Hà Tĩnh mới đạt 6,8%. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ và bằng 1/3 mức bình quân chung của cả nước (20,27%). Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương và các Ban Quản lý dự án trên địa bàn để đạt được kế hoạch đề ra.

Dự án đường liên xã Sơn Lễ-Sơn An-Sơn Tiến (Hương Sơn) có tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng là một trong những công trình không đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Dự án đường liên xã Sơn Lễ-Sơn An-Sơn Tiến (Hương Sơn) có tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng là một trong những công trình không đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Theo số liệu từ Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh được Trung ương phân bổ gần 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến ngày 15/5, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước ở Hà Tĩnh đạt hơn 407 tỷ đồng, đạt gần 7% kế hoạch. 

Ngoài ra, tỉnh còn 180,5 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 chưa phân bổ chi tiết; đây là phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa được hoàn thành thủ tục đầu tư; dự kiến đến ngày 30/5 sẽ hoàn thành và phân bổ hết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022. 

Lý giải về nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, đại liện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Theo quy định của Luật Xây dựng, các dự án khởi công mới, được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công (ngay cả dự án không vướng mắc giải phóng mặt bằng). Thời gian này thường mất từ 6 đến 8 tháng, do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Riêng các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài, cùng việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước, còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân,… theo các cam kết với nhà tài trợ, dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân mất rất nhiều thời gian, công đoạn.  

Cùng với đó, diễn biến thời tiết những tháng đầu năm trên địa bàn không thuận lợi trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng đột biến sau Tết Nguyên đán đã ảnh hưởng lớn tiến độ thi công các công trình trên địa bàn. Đặc biệt, giá cả một số vật tư, nhiên liệu, vật liệu liên tục tăng cao, giá đất ở tăng đột biến dẫn đến một số công trình khi áp giá đền bù vượt chi phí giải phóng mặt bằng dự tính ban đầu và vượt tổng mức đầu tư được duyệt nên phải xin điều chỉnh chủ trương và điều chỉnh dự án đầu tư làm kéo dài thời gian thi công.

Qua tìm hiểu được biết, bên cạnh những tác động khách quan, thời gian qua, một số chủ đầu tư chưa thường xuyên đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, hoàn tạm ứng khối lượng, thanh toán, quyết toán dự án; vẫn còn tâm lý, thói quen tập trung thanh toán vào những tháng cuối năm, đặc biệt là những công trình quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư thấp; năng lực của các nhà thầu, tư vấn còn hạn chế; chưa tập trung xử lý triệt để công tác đền bù giải phóng mặt bằng... dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm so yêu cầu.

Đánh giá về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan do tính đặc thù của địa phương và thực hiện đầu tư công theo quy định pháp luật nên cần thời gian…, địa phương cần thẳng thắn làm rõ, vì sao trong cùng một bối cảnh nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh khác lại có sự chênh lệnh; hiệu quả, năng lực quản lý, thực hiện các dự án trên địa bàn đã đáp ứng yêu cầu đề ra… 

Khẳng định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công không những tác động đến tiến độ hoàn thành các công trình, dự án, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, là căn cứ để đánh giá năng lực cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức. 

Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương phân bổ chi tiết và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương bổ sung có mục tiêu năm 2022 cho từng dự án; bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình khởi công mới; đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm. Chậm nhất đến ngày 30/9/2022 phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn.

Đặc biệt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; cần huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, phối hợp, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án; không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.