Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả

NDO -

Phát huy những lợi thế về khí hậu, đất đai, những năm qua một số địa phương phía bắc đã và đang đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có liên kết sản xuất nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, có một số vùng trồng cây ăn quả đang mang lại thu nhập cao cho nhân dân các địa phương.

Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) chăm sóc quýt.
Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) chăm sóc quýt.

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa và gia tăng xuất khẩu, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân. Đặc biệt, nhiều nơi đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vải, nhãn, cam, bưởi, xoài, chuối, na, mận.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2021 diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,17 triệu ha, riêng các tỉnh phía bắc có khoảng 441 nghìn ha. Hiện, khu vực phía bắc có 15 địa phương sản xuất cây ăn quả lớn, quy mô hơn 10 nghìn hecta/tỉnh. Trong đó, tỉnh Sơn La là địa phương có tốc độ tăng trưởng cây ăn quả nhanh chóng, hiện có quy mô diện tích đứng đầu tại phía bắc, tiếp theo là: Bắc Giang, Nghệ An, Hải Dương, Tuyên Quang, Hà Tĩnh và TP Hà Nội... Tính riêng 14 loại quả chủ yếu (hơn 5 nghìn hecta/loại), với diện tích hiện có khoảng 370,5 nghìn hecta, chiếm 84% tổng diện tích cây ăn quả miền bắc.

Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng đến nay nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được nghiên cứu, áp dụng thành công trong sản xuất cây ăn quả. Hàng nghìn cây đầu dòng, vườn đầu dòng cây ăn quả đã được bình tuyển/thẩm định, chuyển giao cho sản xuất ở nhiều địa phương; nhiều giống cây ăn quả mới được chọn, tạo chuyển giao kịp thời cho sản xuất như: Vải chín sớm, nhãn, cam chín sớm, chín muộn, hồng không hạt, chanh leo…

Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương Lê Thái Nghiệp cho biết, “theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh, năm 2021 trên địa bàn có hơn 21,5 nghìn hecta cây ăn quả với sản lượng khoảng 285,5 nghìn tấn, trong đó, sản lượng tăng chủ yếu là: Vải, ổi, chuối, nhãn. Giá trị sản xuất từ cây ăn quả theo giá thực tế khoảng hơn ba nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 142 triệu đồng/ha, tăng 11,7 triệu đồng/ha so năm 2020”.

Riêng với cây vải, tỉnh Hải Dương có gần 9 nghìn hecta, tập trung chủ yếu tại thành phố Chí Linh và huyện Thanh Hà. Trong đó, năng suất vải đạt khoảng 61,6 tạ/ha, sản lượng hơn 55 nghìn tấn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 2.133ha, sản lượng khoảng 12,5 nghìn tấn. Do đẩy mạnh xúc tiến và sản xuất an toàn nên năm 2021 nhãn tiếp tục được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường nội địa và xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Australia… trong đó lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, trên địa bàn có diện tích cây ăn quả khoảng 78 nghìn hecta. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như nhãn, xoài, mận hậu. Để cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã khảo nghiệm và đưa vào sản xuất 20 giống có năng suất, chất lượng cao, giống rải vụ thu hoạch vào sản xuất. Cùng với đó, bà con nông dân cũng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả gần một nghìn ha.

Nhằm bảo đảm tiêu thụ ổn định các sản phẩm cây ăn quả sản xuất ra được bán trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân trong tỉnh. Bên cạnh đó là tiêu thụ ở thị trường trong nước qua hệ thống các siêu thị với số lượng lớn. Năm 2021, các sản phẩm cây ăn quả như: Xoài, nhãn, mận được xuất khẩu khoảng 17.323 tấn tới các thị trường: Trung Quốc, Australia, Anh, Ba Lan, Hà Lan...

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đấy sản xuất cây ăn quả trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay trên địa bàn có diện tích cây ăn quả khoảng 51,4 nghìn hecta, giá trị ước đạt hơn 170 triệu đồng/ha/năm.

Để tiếp tục phát triển sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả hiệu quả và bền vững trong thời gian tới, Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng trồng theo hướng hàng hóa tập trung; căn cứ vào định hướng phát triển chung, mỗi địa phương chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến.

Đồng thời quan tâm phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương, vùng; ưu tiên việc bình tuyển, phục tráng các giống bản địa, đặc sản địa phương; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới, có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch; xây dựng, hình thành hệ thống sản xuất cây giống chất lượng cao, sạch bệnh cung cấp cho trồng thay thế và ghép cải tạo cây ăn quả, nhất là cây có múi.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả chủ lực trồng tập trung theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm an toàn, hiệu quả cao, bền vững: Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ để nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu.