Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022

Mặc dù dự báo còn nhiều thách thức, rủi ro nhưng dòng chảy chính của kinh tế sẽ là phục hồi. Động lực mới cho tăng trưởng đến từ những ngành nghề được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19.

Cảng Đình Vũ (TP Hải Phòng).
Cảng Đình Vũ (TP Hải Phòng).

Khép lại năm 2021 đầy biến động, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng 2,58%, lạm phát bình quân tăng 1,84%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19.

Một năm vượt khó

Không nằm ngoài dự đoán, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV phục hồi lên mức 5,22%, góp phần thúc đẩy GDP chung đạt được mức tăng trưởng theo kịch bản dự báo lạc quan được điều chỉnh, cập nhật cuối năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Nói về điểm sáng và sự khởi sắc của nền kinh tế, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đến sự bứt phá của hoạt động xuất, nhập khẩu. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, chi phí sản xuất tăng cao nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn thiết lập kỷ lục mới, giúp Việt Nam duy trì năm thứ sáu xuất siêu liên tiếp và trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó là sự phục hồi nhanh của hoạt động sản xuất công nghiệp, giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ được vai trò là động lực tăng trưởng dẫn dắt của toàn nền kinh tế. Hoạt động của doanh nghiệp cũng khởi sắc rõ nét về cuối năm. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 81,7% doanh nghiệp đánh giá quý I/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so quý IV/2021.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại là một chỉ dấu thể hiện mức tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Đáng lưu ý, tinh thần vượt khó của cộng đồng sản xuất, kinh doanh đã góp phần tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng mạnh trong quý IV, cho thấy sự vững tin của doanh nghiệp vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế.

Nhưng mức tăng trưởng dưới mục tiêu đề ra của năm 2021 cũng phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Sau bốn đợt bùng phát dịch Covid-19, lĩnh vực thương mại và dịch vụ chịu tác động rất nặng nề, đến nay vẫn tăng trưởng âm. Sụt giảm mạnh nhất về doanh thu là dịch vụ giáo dục và đào tạo, vui chơi giải trí, vận chuyển hành khách. Tính chung cả năm, doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng, vốn đăng ký, số lao động và đang phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất do áp lực lạm phát, thiếu hụt nguồn nhân lực.

Sự phục hồi của thị trường lao động mặc dù đã xuất hiện trong quý cuối cùng của năm nhưng chưa bền vững, chủ yếu mới ở khu vực lao động phi chính thức. Làn sóng di cư của hơn 2,2 triệu người từ các thành phố lớn về quê tránh dịch cũng gây ra biến động về số lượng, chất lượng lao động của cả địa phương nơi đến và nơi đi. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong ba động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2021 là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, chỉ duy nhất động lực xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực chính trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Những động lực tăng trưởng mới

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, và người dân và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, Tổng cục Thống kê nhận định: Nhiều dự báo cho thấy dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Nhưng với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương không thực hiện giãn cách trên diện rộng để phòng, chống dịch và tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam cũng đã đạt ở mức cao, hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ... Cơ quan này đề xuất sáu giải pháp điều hành để đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong năm 2022, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cần tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất. Đồng thời phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lưu thông; cơ cấu lại và phục hồi, phát triển một số ngành quan trọng như logistics, vận tải, hàng không, du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 đều nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng từ những ngành nghề đang được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 như kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, kinh tế số và đổi mới sáng tạo tới đây sẽ diễn ra mạnh hơn. Đi cùng với đó là xu hướng tăng tốc thương mại, dịch vụ điện tử. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm tám triệu người tiêu dùng số mới với hơn một nửa đến từ khu vực nông thôn. Thương mại điện tử cũng có mức tăng gấp đôi chỉ trong hơn hai năm.

Trước Covid-19, đây là điều không tưởng, và doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ tụt lại phía sau. Còn theo quan điểm của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, sự phục hồi đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 không phải là trở lại trạng thái của ngày hôm qua, mà phải bắt đầu một diện mạo mới, mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu. Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là lực lượng xương sống, nếu được thúc đẩy bởi cải cách thể chế mạnh mẽ.

Đó là nền tảng quan trọng để tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, cùng với sự trợ lực từ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài đang được Chính phủ xem xét, quyết định.

TÔ HÀ