Triển khai các phương án tiêu thụ vải thiều

NDO -

Mùa thu hoạch vải đang đến gần, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương lên phương án để tiêu thụ vải thiều an toàn trong mùa dịch.

Thời gian thu hoạch vai năm nay dự kiến bắt đầu từ ngày 20-5 đến 30-7.
Thời gian thu hoạch vai năm nay dự kiến bắt đầu từ ngày 20-5 đến 30-7.

Chuẩn bị hai kịch bản tiêu thụ vải trong mùa dịch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218 ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.

Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với hai phương án.

Cụ thể, phương án một khi tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường. Với phương án này, UBND dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114 nghìn tấn (trong đó: tiêu thụ trong nước: 51 nghìn tấn, xuất khẩu: 53 nghìn tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn).

Phương án hai nếu tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, UBND huyện dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95 nghìn tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60 nghìn tấn, xuất khẩu: 35 nghìn tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25 nghìn tấn.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Lục Ngạn cần triển khai song song hai phương án tiêu thụ vải. Trong đó, tập trung cao cho phương án hai, quan tâm thị trường trong nước, sấy khô vải… bởi dịch bệnh diễn biến khó lường và yêu cầu Sở Công thương tỉnh Bắc Giang tham mưu giúp Lục Ngạn triển khai thật tốt phương án này.

Đồng thời, yêu cầu huyện Lục Ngạn cần bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh về sản xuất và tiêu thụ vải trong năm nay. Trước mắt, tập trung chăm sóc vải, hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm trong mùa thu hoạch vải nhưng phải bảo đảm phòng dịch Covid-19.

Triển khai các phương án tiêu thụ vải thiều -0
Bắc Giang chuẩn bị các phương án sơ chế vải tươi để xuất xuất khẩu.

164 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh để thu mua vải thiều

Theo thông tin từ Sở Công thương Bắc Giang, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa đồng ý cho 164 người nước ngoài, là những thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều.

Để đáp ứng đủ các điều kiện có thể tham gia thu mua vải thiều, các thương nhân Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định.

Theo đó, các thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian ba ngày.

Các thương nhân Trung Quốc cũng phải tuân thủ cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm vào lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung.

Tại mỗi điểm cách ly các thương nhân Trung Quốc sẽ được bố trí nhân viên y tế, công an, lễ tân phục vụ công tác kiểm soát, ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập từ người nước ngoài nhập cảnh vào thu mua vải thiều.

Được biết, năm 2021, vải thiều của Bắc Giang tiếp tục được mùa, thời gian thu hoạch vải dự kiến từ ngày 20-5 đến 30-7.

Vụ thu hoạch vải thiều năm 2020 cũng đã có 309 thương nhân Trung Quốc đến Bắc Giang đàm phán, thu mua vải thiều sau khi bắt buộc phải hoàn thành thời gian cách ly, có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian ba ngày.

Năm 2020 nhờ chủ động các phương án tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều nên mặc dù dịch Covid-19 tác động nặng nề nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn thu được gần 7.000 tỷ đồng từ vải thiều và các dịch vụ liên quan, cao nhất từ trước đến nay.