Tránh biến thanh tra thành “ma trận” làm khó doanh nghiệp

NDO -

Thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 13/6, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra, đồng thời cho rằng cần phải có các đánh giá đầy đủ về tình hình thanh tra trong doanh nghiệp để bổ sung vào dự án Luật, tránh biến các hoạt động thanh tra thành “ma trận” làm khó doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 13/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 13/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Thanh tra, kiểm tra chồng chéo

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhấn mạnh, hoạt động thanh tra là công cụ nhà nước có mặt tích cực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, đại biểu cho rằng, thanh tra giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoạt động thanh tra lại có thể gây nguy cơ gây phiền hà cho các đối tượng thanh tra, gây gánh nặng khi hoạt động thanh tra có thể bị trùng lặp.

Cho biết trong các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền, chủ đề thanh tra luôn được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đây là điều cần hết sức lưu ý khi soạn thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu dẫn thống kê từ 2017 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có 3 văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra kiểm tra, trong đó gần đây nhất là Chị thị số 11 về các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19, trong đó cũng đã nêu rõ chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, yêu cầu không tổ chức thanh tra định kỳ và không thanh tra ngoài kế hoạch.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, thực trạng về thanh tra trong doanh nghiệp vẫn rất đáng ngại, khi số liệu từ Điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy, 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết trong thực tế có tiếp các đoàn thanh tra. Trong số đó, 20% cho biết phải trả các chi phí không chính thức, 14% doanh nghiệp cho rằng vẫn bị gây phiền hà, 10% cho biết phải tiếp đón đoàn thanh tra nhiều hơn 3 lần/năm.

Tránh biến thanh tra thành “ma trận” làm khó doanh nghiệp -0Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 13/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu rõ, “ma trận” các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp trong thời gian qua là một trong những điểm nghẽn khá điển hình của môi trường kinh doanh nước ta suốt trong nhiều năm và cũng là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rất nhiều.

“Nhiều đoàn kiểm tra, thậm chí hàng chục đoàn cùng đến 1 địa điểm trong 1 năm để thanh tra cùng 1 vấn đề đã không còn là chuyện lạ”, đại biểu nêu lên thực trạng.

Những năm gần đây, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 35, Chỉ thị 20, hay gần đây là Chỉ thị 11, công tác kiểm tra, thanh tra đã có chuyển biến, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, theo đại biểu, quy định pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập, dẫn đến yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo, trùng lặp và nâng cao chất lượng của các hoạt động thanh tra, kiểm tra còn là vấn đề chưa được giải quyết tận gốc, vừa gây áp lực đối với cơ quan thanh tra, kiểm tra, lại vừa gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Tránh thanh tra trùng lặp, không cần thiết

Từ phân tích các tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị một số giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động thanh tra. Trong đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trong báo cáo tổng kết, đánh giá đầy đủ tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nêu rõ những khó khăn, thực trạng và vướng mắc để làm cơ sở cho xây dựng những quy định về thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật Thanh tra lần này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị tách riêng quy định về thanh tra chuyên ngành với thanh tra hành chính. Theo đại biểu phân tích, nếu đối tượng chủ yếu của thanh tra chuyên ngành là doanh nghiệp thì phạm vi hoạt động của doanh nghiệp là trong phạm vi rộng khắp cả nước, liên quan đến rất nhiều đơn vị hành chính, nhiều lĩnh vực. Nếu như việc tổ chức hệ thống thanh tra theo cấp hành chính, theo chuyên ngành, hay theo lĩnh vực thì nguy cơ 1 doanh nghiệp có thể bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều bởi các cơ quan thanh tra là có. Như vậy, rõ ràng cần thiết phải có 1 quy định riêng, đặc thù để hạn chế việc thanh tra trùng lặp, thanh tra không cần thiết.

Nhấn mạnh việc cần có 1 quy định riêng, đặc thù cho thanh tra chuyên ngành với đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất khi xây dựng quy định về thanh tra chuyên ngành, cơ quan soạn thảo nên chủ động tham khảo ý kiến, tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, không nên bị động.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần phân biệt rõ quy định về thanh tra chuyên ngành với mối quan hệ của các quy định liên quan để các quy định chi tiết, cụ thể của các cơ quan thanh tra chuyên ngành không thể bị lạm dụng, có nghĩa là hình thành khung pháp lý để tránh việc lạm dụng thanh tra chuyên ngành gây phiền hà hoặc trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, đại biểu nêu rõ.

Tránh biến thanh tra thành “ma trận” làm khó doanh nghiệp -0
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 13/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Nhất trí với nội dung trong dự án Luật quy định về các hình thức thanh tra, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với ý kiến các đại biểu là luật quy định chỉ có thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, có thể bị lạm dụng, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra.

Ngoài ra, về quy định xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán gây khó khăn, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại phù hợp với khoản 3 Điều 64a của Luật Kiểm toán là khi xảy ra việc chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và Kiểm toán Nhà nước thì kiểm toán chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý, đồng thời quy định cơ quan nào có kế hoạch thực hiện trước mà trùng nội dung với nhau thì giao cho cơ quan đó thực hiện để không xảy ra trùng lặp.

Để khắc phục một cách triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) kiến nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về trọng tâm, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là thanh tra hướng vào bên trong các cơ quan quản lý nhà nước, gắn với việc thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong khi đó, xác định trọng tâm, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực là hoạt động thanh tra chuyên ngành hướng ra bên ngoài với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội nói chung, gắn với việc kiểm tra, xử phạt vi phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV