Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh

NDO -

Sáng 28-5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 với sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 10 tỉnh, thành phố khác. Hội nghị nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội.
Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm nay, thời tiết thuận lợi, diện tích 19.026 ha trồng xoài của tỉnh sẽ cho sản lượng thu hoạch khoảng 65.223 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Đối với trái nhãn, hiện diện tích trồng là 19.224 ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn, thời điểm thu hoạch diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu dự báo gặp nhiều khó khăn. Địa phương xác định, ngoài thị trường xuất khẩu, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Hiện, Sơn La đã xây dựng các kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể như: tăng cường phòng, chống dịch, khử trùng đối với các xe vận chuyển nông sản ra vào tỉnh. Các lái xe vận chuyển nông sản của Sơn La được lập danh sách, tiêm phòng vaccine và cấp chứng nhận vận chuyển nông sản. Người dân trong vùng trồng, các đơn vị thu mua cũng phải tuân thủ các giải pháp phòng, chống dịch….

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay với Sơn La, tạo điều kiện trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đến vụ thu hoạch. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa xoài, nhãn và nông sản của Sơn La giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Cục sẽ phối hợp Viettel Post và Bưu điện Việt Nam để hỗ trợ chính người trồng, chủ các trang trại bán hàng trực tuyến bằng hình thức livestream. Đây là hình thức hiệu quả hơn thương mại điện tử do không đòi hỏi nhiều về khâu bao bì, đóng gói, thương hiệu… Các đơn vị VNPost và Viettel Post sẽ hỗ trợ cước phí đường truyền cho các chủ trang trại, đồng thời giao hàng tới người tiêu dùng, bảo đảm hàng hóa tươi ngon, kịp thời.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Big C khu vực miền bắc Lê Mạnh Phong cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chương trình xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông sản không được tổ chức. Do đó, các kênh phân phối đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên kênh trực tuyến như các kênh online của đơn vị như trên website, zalo, App bán hàng..., kết quả rất khả thi. Doanh nghiệp sẽ yêu cầu đội ngũ thu mua làm việc với nhà cung cấp về quy cách đóng gói để thuận lợi hơn trong việc bán hàng trực tuyến. Đồng thời, đề nghị tỉnh giám sát để sản phẩm của Sơn La có chất lượng ổn định khi đưa vào hệ thống siêu thị.

Một giải pháp căn cơ hơn, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm sản, phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để tránh áp lực tiêu thụ số lượng nông sản lớn vào chính vụ thu hoạch phải có giải pháp chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để cấp đông, cất trữ ngay tại vùng trồng, sau đó có thể lâu dài cung cấp nguyên liệu ổn định cho các đơn vị sản xuất. Đây là giải pháp với chi phí thấp và được nhiều nước triển khai, tránh tình trạng “được mùa mất giá” lâu nay.

Hà Nội là thị trường lớn, nhiều năm qua đã phối hợp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là vào những thời điểm khó khăn. Với tinh thần đó, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để giúp các địa phương tiêu thụ nông sản. Sở đề nghị phía tỉnh Sơn La lập danh sách chi tiết các xe, phương tiện chuyên chở trái cây, nông sản Sơn La (biển số xe, trọng tải, địa điểm đi- đến; tên, điện thoại lái xe) gửi về Sở Công thương Hà Nội để được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông ra vào thành phố.

Đồng thời, tỉnh Sơn La cung cấp thông tin danh sách chi tiết doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm trái cây, nông sản Sơn La để Sở Công thương Hà Nội gửi đến các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, doanh nghiệp chế biến, cửa hàng trái cây, tiểu thương kinh doanh tại chợ..., qua đó kết nối khai thác hàng hóa. Trong bối cảnh không tổ chức được các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương  mại, Sở Công thương sẽ đề xuất tổ chức các điểm bán hàng cố định cho các doanh nghiệp, HTX nông sản Sơn La đưa hàng về bán tại Hà Nội trong thời điểm chính vụ.