Tìm giải pháp phục hồi ngành da giày

Cũng như ngành dệt may, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành da giày đối diện với tình trạng đứt gãy nguồn cung, người lao động, các khoản chi phí tăng cao, nhiều đơn vị trong ngành đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản. Những tháng cuối năm luôn là thời kỳ cao điểm tập trung, đẩy mạnh sản xuất nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, nhưng để làm được điều này, không chỉ cần nỗ lực của chính doanh nghiệp, mà còn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Công nhân Công ty cổ phần Giày Thái Bình (Đồng Nai) sản xuất giày thể thao xuất khẩu. (Ảnh: Quang Hưng)
Công nhân Công ty cổ phần Giày Thái Bình (Đồng Nai) sản xuất giày thể thao xuất khẩu. (Ảnh: Quang Hưng)

Ðể thúc đẩy sản xuất, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển của người dân và thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định, tăng năng suất, kịp thời trả các đơn hàng, giữ vững uy tín trên thị trường.

Thiếu hụt nguồn lao động

Ðại diện của Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tác động của dịch Covid-19 đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại các tỉnh thành phía nam (chiếm 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành) phải đóng cửa, dừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”.

Tại các tỉnh miền trung và miền bắc, các doanh nghiệp chỉ hoạt động đạt 50% đến 80% công suất do phải giãn cách xã hội và thiếu lao động. Mặc dù bị đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất bị đình trệ nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản chi phí để duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động khiến các doanh nghiệp hoạt động hết sức khó khăn, bị kiệt quệ về dòng tiền, đứng trước nguy cơ phá sản ngày càng lớn. Do đó, việc nới lỏng giãn cách, tạo sự thông thoáng trong lưu thông hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó, đẩy mạnh sản xuất.

Số liệu khảo sát do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Lefaso và Nhóm Hợp tác công tư (PPP) thực hiện với 256 doanh nghiệp dệt may, da giày mới đây cho thấy, có 65,3% số doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16 phải ngừng hoạt động trong tháng 9, trong khi 62,7% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì hoạt động. Chi phí vận hành doanh nghiệp trong đại dịch cũng rất cao, lên tới 2,2 tỷ đồng/tuần cho nhà máy có khoảng 1.000 lao động. Không chỉ áp lực chi phí, gần 70% doanh nghiệp cho biết bị nhãn hàng phạt giao hàng chậm; 48,4% chậm giao hàng và 19,9% đơn hàng bị hủy, phạt hợp đồng,...

Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm cho biết, dệt may và da giày hiện đang sử dụng gần 3,5 triệu lao động công nghiệp, tuy nhiên, do tâm lý lo sợ lây nhiễm dịch Covid-19 cùng với đời sống khó khăn không có việc làm, thu nhập đã khiến hàng triệu lao động bỏ nhà máy về quê. Ðiều này đã tạo áp lực rất lớn tới các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh sản xuất sau giãn cách. Chuỗi cung ứng hai ngành này lại đứng trước nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước được thể hiện qua cách thức phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu. Ðây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thay cho chủ trương “không Covid-19”.

Đẩy mạnh sản xuất

Theo Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, Trần Văn Tắc cho biết, chưa bao giờ công ty phải đối diện với những khó khăn như trong thời gian vừa qua, khi hoạt động sản xuất bị đình trệ, khách hàng yêu cầu hủy đơn, phạt chậm giao hàng,... Ðứng trước tình trạng trên, công ty đã phải đàm phán với đối tác, nên các đơn hàng không bị hủy như một số doanh nghiệp khác nhưng đành phải chấp nhận việc khách yêu cầu giảm giá sản phẩm từ 5% đến 20% để giãn thời gian giao hàng. Từ tháng 10 trở đi là thời kỳ cao điểm của ngành da giày nên công ty đã chủ động lên phương án và tăng cường lực lượng lao động để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng. Ðồng thời, công ty cũng đặt gia công bên ngoài, nhất là những cơ sở sản xuất ở miền Tây Nam Bộ, nơi dễ huy động nguồn nhân lực hồi hương để thực hiện những công đoạn như: May mũi giày để nâng cao năng suất, bù đắp lượng hàng bị thiếu hụt do dừng sản xuất.

Ðánh giá về bước hồi phục của các doanh nghiệp sau giãn cách, TS Ðỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, biện pháp hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp lúc này đó là đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho người lao động, nhất là những lao động ở khu vực miền bắc, miền trung và người lao động di cư về quê. Thực hiện giảm thuế phí cũng như cần có thương lượng giữa hiệp hội với nhãn hàng để chia sẻ chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm, tạm ứng tiền trả lương cho người lao động. Ðồng thời nới lỏng biện pháp chống dịch bằng cách được lưu thông giữa các địa phương, cho phép người lao động đã tiêm một mũi vắc-xin làm việc bình thường.

Hiện nay, mặc dù người lao động đã bắt đầu đổ về các thành phố lớn để làm việc, nhưng một lượng lớn lao động khu vực phía nam đã về quê và chưa dám quay trở lại, dẫn đến sự bấp bênh trong sản xuất. Do đó, ngoài việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thống nhất cách thức di chuyển tại các địa phương, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc miễn hoặc giảm mạnh hơn các loại thuế, phí, triển khai các gói hỗ trợ lãi suất tín dụng một cách nhanh chóng, dễ tiếp cận, nới lỏng quy định về tổng số giờ làm thêm của người lao động...

Các địa phương hỗ trợ chi phí suất ăn ca, thuê trọ, tổ chức xét nghiệm định kỳ miễn phí cho người lao động tại doanh nghiệp. Những biện pháp tổng hòa, thống nhất sẽ bảo đảm sự liên tục, thông suốt và nhịp nhàng của chuỗi cung ứng, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.