Tìm đường ra cho nguồn vốn

Trong khi nhiều ngân hàng đang chật vật tìm kiếm khách hàng cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thì cũng có không ít doanh nghiệp (DN) vẫn đang đau đầu với bài toán vốn đầu tư. "Khoảng cách mênh mông" giữa bên cho vay và bên cần vay, tưởng chừng được thu hẹp bởi chính sách giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây nhưng thực tế, vẫn còn nhiều rào cản khiến dòng vốn tín dụng chưa tới được DN.

Công ty cổ phần Ðầu tư Phong Phú Sơn Trà (Ðà Nẵng) nhờ vay vốn đầu tư sản xuất, mỗi năm xuất xưởng 10 triệu m vải, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, lương bình quân ba triệu đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần Ðầu tư Phong Phú Sơn Trà (Ðà Nẵng) nhờ vay vốn đầu tư sản xuất, mỗi năm xuất xưởng 10 triệu m vải, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, lương bình quân ba triệu đồng/người/tháng.

Vay vốn: Người muốn, kẻ sợ

Chia sẻ về những khó khăn DN đang gặp phải hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Gatreco) Trần Ngọc Trinh cho biết, nhu cầu về vốn vẫn đang là áp lực không nhỏ đối với hầu hết các DN. Mức lãi suất cho vay xấp xỉ 10%/năm, dù thấp hơn rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn là cao đối với khả năng của nhiều DN. Giám đốc Trần Ngọc Trinh phân tích: Hiện, tỷ suất lợi nhuận của các DN chỉ đạt khoảng 20%, nếu phải trả lãi ngân hàng như hiện nay và các chi phí khác thì lợi nhuận còn lại chẳng được bao nhiêu.

Thực tế, những DN cần vay vốn đều là những DN khó khăn. Vượt qua những thăng trầm trong giai đoạn vừa qua, đây chính là lúc DN cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng lại không hề dễ dàng. Ðiển hình như tại Gatreco, nếu trước đây, khi có đơn hàng tốt, DN có thể dễ dàng vay vốn bằng hình thức tín chấp, còn hiện nay, kể cả vay bằng hình thức thế chấp cũng khó khăn. Nhiều khoản nợ của DN đến nay vẫn chưa được cơ cấu lại. Giám đốc Công ty cổ phần Ðại Dương, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp B1 - Ðại Dương Nguyễn Văn Tư cho biết, khi đầu tư vào dự án Khu công nghiệp B1 - Ðại Dương và một số dự án khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, DN phải vay vốn với lãi suất khá cao. Song, đến thời điểm hiện nay, nhiều khoản vay cũ của DN vẫn chưa được điều chỉnh theo lãi suất hiện tại. Hiện, mức lãi suất trung bình Công ty cổ phần Ðại Dương đang phải trả lên tới 13,5%/năm. Nếu so sánh mức lãi suất huy động áp dụng hiện nay từ 6% đến 7%/năm, thì lãi suất cho vay vẫn quá cao.

Theo đánh giá của nhiều DN, hiện sức mua trên thị trường rất yếu, sản phẩm làm ra không chỉ "bí" đầu ra mà còn phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Pomina 2 Ðỗ Xuân Chiểu cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay về mức hiện nay là cố gắng rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng. Nhưng nếu so với mức lãi suất mà các DN thép khác của nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, như Vina Keyoei, Posco..., đang được hưởng từ các ngân hàng thương mại của họ, thì mức lãi suất hiện tại mà DN trong nước phải chịu vẫn quá cao. Ðây chính là lý do khiến các DN ngành thép cũng như nhiều ngành sản xuất khác "sợ" vay vốn.

Cùng chung tình cảnh này, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Khuyên chuyên sản xuất gia công hàng thủy tinh (TP Ðà Nẵng) Nguyễn Thị Tuyết cho biết: "Mặc dù ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng tiêu chí cho vay và các thủ tục thẩm định của ngân hàng rất chặt chẽ. Trong khi đó, do hiểu biết hạn chế về các thủ tục này cho nên DN càng không thể thuyết phục được ngân hàng cho vay, nhất là nguồn vốn vay trung và dài hạn để đầu tư thiết bị, công nghệ cao...

Bên cạnh những DN khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng thì cũng có không ít DN được ngân hàng "săn tìm" chào mời vay vốn. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường (TP Ðà Nẵng) Hà Giang cho biết: Hằng năm, công ty vay từ năm đến mười tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn để làm vốn lưu động. Theo ông Hà Giang, sở dĩ Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường luôn là đối tượng được các ngân hàng "săn đón" bởi các tiêu chí ngân hàng đặt ra như doanh thu tăng trưởng, nghĩa vụ thuế, thu nhập người lao động,.. công ty đều đáp ứng đầy đủ. Việc vay được vốn với lãi suất thấp hơn nữa có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả kinh doanh của DN.

Ngân hàng "mỏi mắt" tìm khách vay

Không quá lo lắng về nhiệm vụ huy động vốn, nhưng sự sụt giảm tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm 2014 đang tạo sức ép, khiến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu khó có thể hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2014. Giám đốc Agribank Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Cần cho biết: So với cuối năm 2013, dư nợ tín dụng của chi nhánh giảm 200 tỷ đồng. Ðây là áp lực không nhỏ đối với ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt hiện nay của toàn hệ thống.

Tương tự, lãnh đạo Ngân hàng Techcombank chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khẳng định, mức lãi suất cho vay xấp xỉ 8%/năm được xem là lý tưởng sau nhiều năm đứng ở mức cao và rất khó tiếp cận. Nhưng việc tăng dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất khó cho dù phía ngân hàng đã có nhiều ưu đãi. Lý giải về vấn đề này, một cán bộ tín dụng trên địa bàn cho rằng, sau những khó khăn chung của cả nền kinh tế, nhiều DN rơi vào khủng hoảng. Một số DN trụ vững nhưng đối mặt với nhiều bất ổn. Ðể bảo đảm an toàn, các DN này vẫn chọn giải pháp "chờ thời" cho nên vẫn chưa có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, cũng có DN có phương án kinh doanh tốt, có đơn hàng và dự án khả thi nhưng lại vướng những quy định ngặt nghèo của hệ thống, như rơi vào nhóm nợ xấu, tài sản thế chấp không bảo đảm..., cho nên phía ngân hàng cũng không thể giải ngân.

Tìm đường ra cho nguồn vốn ảnh 1

Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường (TP Ðà Nẵng) sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Ảnh: THANH LỘC

Giám đốc Agribank Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Cần cũng cho rằng, việc tìm được những DN đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng hiện nay là rất khó, bởi đây phải là những DN làm ăn hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh. Trong khi những DN này lại hầu như không có nhu cầu vay vốn hoặc đang là khách hàng "ruột" của nhiều ngân hàng khác. Còn theo Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Công Lợi, không dễ tìm được DN vừa có "sức khỏe" tốt lại vừa có phương án kinh doanh hiệu quả. Lấy thí dụ về các DN thủy, hải sản trên địa bàn như: Baseafood, Coimex..., đều là khách hàng truyền thống của Vietinbank. Khi cần vay vốn thực hiện các đơn hàng, ngân hàng đều đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thiếu trầm trọng, hầu hết các DN thủy sản đều không có nhu cầu vay vốn, mở rộng sản xuất. Ðây chính là nguyên nhân khiến dư nợ của ngân hàng sụt giảm hơn 100 tỷ đồng so cuối năm 2013.

Tìm đường ra cho nguồn vốn

Ðể gỡ "nút thắt" về vốn, các DN đề nghị Nhà nước có sự hỗ trợ nguồn vốn trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay hợp lý hơn. Các ngân hàng tạo điều kiện cho DN vay vốn, nhất là những DN có chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhưng phần lớn không có đủ tài sản để thế chấp ngân hàng... Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2014, Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ nhằm hỗ trợ DN.

Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đối với lãi suất của các khoản cho vay cũ, đây là thỏa thuận dân sự đã được ký kết trong hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất phải thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa TCTD và khách hàng. TCTD cũng phải rà soát, xem xét khả năng tài chính, chi phí vốn huy động để có căn cứ giảm lãi suất. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hệ thống ngân hàng cũng đã rất tích cực giảm lãi suất các khoản vay cũ. Nếu như vào thời điểm trước ngày 15-7-2012, dư nợ cho vay có lãi suất hơn 15%/năm chiếm tới 65,8% thì nay chỉ còn 5,6%. Dư nợ cho vay có lãi suất hơn 13%/năm đến nay cũng chỉ còn khoảng 17 đến 18% trong tổng dư nợ cho vay so với tỷ lệ 31% vào cuối tháng 6-2013. Ðối với dư nợ cho vay có lãi suất hơn 13%/năm, theo các ngân hàng, chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng các mặt hàng có khấu hao lớn, vay tín chấp của một số công ty tài chính, các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản có rủi ro cao; một số khoản vay trung, dài hạn của các doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, có nguy cơ phá sản, cho nên các ngân hàng giữ mức lãi suất cho vay cao để tạo động lực cho khách hàng trả nợ gốc của các khoản vay, nếu khách hàng trả được nợ gốc, một số TCTD sẵn sàng giảm hoặc miễn lãi cho khách hàng.

Bên cạnh đó, việc không cho vay ra được trong khi nguồn tiền huy động vẫn dồi dào đã khiến nhiều ngân hàng chọn giải pháp đầu tư trái phiếu, tín phiếu để giải quyết đầu ra của mình trong quý I năm nay. Theo số liệu từ NHNN, từ đầu năm đến nay, các TCTD đã mua khoảng 85% lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành (số liệu đến ngày 18-3, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành khoảng 78.000 tỷ đồng). Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Hồng, việc các TCTD tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP) là sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn khi tín dụng chưa thể mở rộng trong những tháng đầu năm. Việc tăng đầu tư vào TPCP có tác động rất tốt ở chỗ trong khi tín dụng chưa thể mở rộng, việc các TCTD đầu tư TPCP có thể giúp tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Khi các khoản vốn này được giải ngân và sử dụng hiệu quả, sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nền kinh tế. Các dự án, DN thuộc diện sử dụng nguồn TPCP có tiền để đầu tư, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ của nhiều DN khác, qua đó có tác động lan tỏa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.