Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

NDO -

Sáng 17/5, tại thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các thành viên đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các địa phương thực hiện cấp bách các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các địa phương thực hiện cấp bách các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 5 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là 29.032,404 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã phân bổ, giao chi tiết toàn bộ số vốn nêu trên cho từng nhiệm vụ, dự án. Tính đến ngày 15/5, có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (20,27%) là Hà Tĩnh (6,83%), Quảng Bình (12,51%%), Quảng Trị (10,37%).

Theo lý giải của các địa phương, Luật Xây dựng quy định các dự án khởi công mới, được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục, thẩm định và phê duyệt thiết kế-dự toán công trình thì mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, thi công (ngay cả các dự án không vướng giải phóng mặt bằng). Thời gian này thường mất từ 6 đến 8 tháng, do đó tiến độ giải ngân những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối.

Những tháng đầu năm 2022, thời tiết trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ không thuận lợi, việc thi công gặp nhiều khó khăn. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... đang là nút thắt lớn đối với việc triển khai các dự án đầu tư công.

Cùng với đó, việc thiếu hụt vật liệu xây dựng do giá cả nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ là những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một số quy định của Luật Đầu tư công, Luật Khoáng sản và tại một số Nghị định liên quan của Chính phủ. Đồng thời đề nghị Trung ương sớm giao vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022 và vốn đầu tư các năm trước năm 2021 sang năm 2022.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Bình Minh đánh giá, tình hình phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2022 đã có những bước tăng trưởng tốt, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội theo kế hoạch và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng và mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Tuy vậy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các địa phương còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, năm 2022 nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương khá lớn, vì vậy vấn đề đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, không những tác động đến tiến độ hoàn thành các công trình, dự án, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Do đó, các tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, bám sát yêu cầu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sẵn sàng thay thế những tổ chức, cá nhân phụ trách không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đến cuối tháng 6/2022, nếu bộ, ngành và địa phương nào xét thấy không có khả năng giải ngân nguồn vốn đầu tư đã được phân bổ thì báo cáo để Chính phủ điều chuyển cho các đơn vị có khối lượng, tiến độ giải ngân cao thực hiện.

Liên quan các kiến nghị về điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản thuộc phạm vi các bộ luật và nghị định, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu, nếu thấy cần thiết sẽ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung. Trong thời gian chờ đợi điều chỉnh bổ sung, các địa phương cần tiếp tục cần triển khai ngay các phần việc theo quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Bình Minh đã tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các địa phương; đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công...