Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo

NDO -

Ngày 19-1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 - Thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Bùi Nhật Quang, Ủy Viên dự khuyết T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, được thế giới ca ngợi là “hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19”.

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ Đổi mới (năm 1986) nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II-2020, và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Hiện nay, số ca mắc và tử vong trên thế giới do Covid-19 tiếp tục tăng nhanh từng ngày trong khi quá trình tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 không đồng đều giữa các quốc gia và trong các quốc gia, làm cho cuộc chiến chống Covid-19 khó kết thúc trong ngày một ngày hai. Vì vậy, nền kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi nhanh chóng một cách dễ dàng.

Trước tình hình đó, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn “hậu Covid-19” dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần hỗ trợ “đủ liều, đủ dài” sau khi dịch chấm dứt đối với các doanh nghiệp công nghệ số; chuyển từ hỗ trợ mang tính trung tính/truyền thống sang hỗ trợ có tính “chuyên biệt Covid” để tăng hiệu quả. Khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn.

Để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng, triển khai thực hiện sớm Chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan.

Đồng thời, xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn như vấn đề an ninh số, khớp nối các chuẩn mực/tiêu chí lao động trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế truyền thống, bảo đảm tính chính thống khi nhận hỗ trợ Nhà nước.

Ông Lý Đại Hùng, Phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2021 Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm, 10 năm, cho nên đây là thời điểm rất quan trọng đối với nền kinh tế.

“Dựa trên mô hình phân tích ứng dụng vào dự báo, chúng tôi đưa ra ba kịch bản dự báo, trong đó nhấn mạnh đến kịch bản cơ sở Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 5,49% vào năm 2021, và đây là kết quả chung nhất”, ông Hùng nêu quan điểm.

Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất, đối với các điểm nghẽn của nền kinh tế phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt. Phải có đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước. Để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và để mới sáng tạo cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.