Thông tin kinh tế

Tháp Mười nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Đến ngày 15/10, Tháp Mười là một trong ba huyện, thành phố của tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 (từ 14 ngày trở lên chưa ghi nhận ca mắc cộng đồng). Từ đây, đã tiếp thêm đà cho sự khôi phục kinh tế - xã hội của toàn huyện.

Tháp Mười luôn nỗ lực trong phòng, chống dịch để giữ vững vùng xanh.
Tháp Mười luôn nỗ lực trong phòng, chống dịch để giữ vững vùng xanh.

Cuối tháng 5/2021, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại xã Phú Điền. Tiếp đó, dịch bùng phát mạnh ở các địa bàn giáp ranh với huyện, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến ngày 14/9.

Dù là cửa ngõ giáp các địa phương trong và ngoài tỉnh có diễn biến dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, nhưng đến nay huyện Tháp Mười là một trong ít địa phương có số ca nhiễm thấp nhất với 219 ca. Xếp mức độ nguy cơ cấp xã thì tất cả xã, thị trấn của huyện đều trong trạng thái bình thường mới.

Qua những ngày gian khó nhất mùa dịch

Mới đó mà đã gần 5 tháng, kể từ ngày xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Tháp Mười, cũng là ca nhiễm đầu tiên ở Đồng Tháp trong đợt dịch thứ tư. Khi ấy, cả tỉnh xôn xao và không khỏi lo lắng bởi ca lây nhiễm từ bên ngoài vào địa phương, nhưng rồi huyện cũng đã nhanh chóng dập được dịch.

Song chưa đầy một tháng sau, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp trên địa bàn Đồng Tháp, các ngành, các cấp ở huyện Tháp Mười phải cùng cả tỉnh không quản gian khó, nguy hiểm ngày đêm chống dịch.

Mấy tháng qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của huyện. Các công ty, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, còn số ít được duy trì nhưng phải giảm quy mô và đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”; việc giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ nông, thủy sản.

Một số chợ tạm ngưng hoặc giảm số lượng người bán và hạn chế thời gian hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhiều tổ chức và người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, Lê Văn Ngọt cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh rất phức tạp, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Huyện thành lập các chốt, huy động lực lượng trực 24/7 để kiểm soát, bảo vệ, giữ vững địa bàn; chủ động tầm soát, truy vết, khoanh vùng ổ dịch phát sinh; tranh thủ tiêm nhanh vaccine khi được phân bổ, tập trung vào những người có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh”.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong phòng, chống dịch, đến nay Tháp Mười đã kiểm soát tốt được dịch Covid-19, không có ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, số ca điều trị âm tính tăng nhanh, 13/13 xã, thị trấn thiết lập vùng xanh. Một số hoạt động được khôi phục trở lại bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bước đầu được nhân dân đồng tình, phấn khởi thực hiện.

“Nhìn huyện mình đạt kết quả phòng, chống dịch đến thời điểm này tôi rất vui. Quả là rất tuyệt vời khi huyện có rất ít ca nhiễm trong cộng đồng thời gian qua. Tôi hy vọng, những ngày tới huyện mình hạn chế được thấp nhất số ca nhiễm Covid-19 mới” - anh Trần Văn Phúc, ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười vui vẻ nói.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

Dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng đến nay sản xuất nông nghiệp ở Tháp Mười được duy trì, ổn định. Tổng giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm đạt 4.797 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch, 100,58% so với cùng kỳ. Diện tích xuống giống lúa thấp hơn cùng kỳ 1.821 ha nhưng năng suất bình quân đạt 7,13 tấn/ha, cao hơn 0,23 tấn/ha; sản lượng đạt 524.388 tấn, cao hơn cùng kỳ 4.228 tấn; diện tích liên kết tiêu thụ lúa 23.210 ha đạt 105,5% so với kế hoạch, tăng hơn cùng kỳ là 2.176 ha. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục được duy trì.

Những ngày Covid-19 “hoành hành”, lĩnh vực công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, nhiều công ty, doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Nay tình hình sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định trở lại theo phương án “4 tại chỗ”. Công tác kêu gọi đầu tư có những tín hiệu tích cực, có hai dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Huyện tổ chức diễn đàn khởi nghiệp tạo động lực, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên.

Nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021 cho thấy sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội ở Tháp Mười.

Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Trần Thị Quý cho biết, huyện tiếp tục thực hiện vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Từng bước thích ứng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình huống dịch vẫn còn diễn biến, tạo động lực ổn định cuộc sống của người dân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xúc tiến đầu tư trong tình hình mới.

Trong quá trình điều hành phục hồi và phát triển kinh tế, Tháp Mười yêu cầu các ngành, các cấp phải bám sát cơ sở, linh hoạt chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng vào cuộc giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền, báo cáo cấp ủy, UBND huyện các trường hợp vượt thẩm quyền. Hiện nay, các doanh nghiệp có đông công nhân trên địa bàn Tháp Mười đã khởi động lại; 36 loại hình doanh nghiệp và gần 500 cơ sở sản xuất kinh doanh đã hoạt động trở lại.

“Ban Thường vụ đã ban hành kế hoạch cụ thể về tiến độ thực hiện vừa phòng dịch, vừa khôi phục kinh tế. Trong đó, xác định cuối tháng 10 quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch để có thể phục hồi ít nhất 90% các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Huyện đã có những chỉ đạo kích hoạt lại các tổ giới thiệu việc làm ở địa phương để tiếp tục nắm nhu cầu lao động, sớm giới thiệu lao động cho doanh nghiệp”. Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Nguyễn Văn Vũ Minh khẳng định.

Tại buổi làm việc mới đây với Huyện ủy Tháp Mười, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, Phan Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế” và đề nghị huyện huy động toàn lực trong công cuộc này.

“Tôi đề nghị địa phương, dẫu các doanh nghiệp mới có bước chuẩn bị trong hoạt động khôi phục sản xuất nhưng huyện cần nắm bắt tình hình để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm sản xuất an toàn. Cần chú ý khôi phục sản xuất nông nghiệp, đây là thế mạnh của huyện và được xem là cơ hội vàng; vì dịch bệnh hàng hóa có thể giảm, nhưng giá trị sản phẩm từ nông nghiệp mang lại cao”, đồng chí Phan Văn Thắng nhấn mạnh.

F0748194_1228_4450_B256_AFC1D7C-1634269926798.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đánh giá cao việc thực hiện mục tiêu kép của Tháp Mười.
Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép