Tháo gỡ khó khăn tài chính cho các công ty thủy lợi

Hằng năm, các doanh nghiệp thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó có ba đơn vị công ích thủy nông trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đều được cấp dự toán ngân sách thông qua hình thức lệnh chi tiền.

Cán bộ, công nhân Công ty Bắc Hưng Hải kiểm tra hệ thống cống bơm.
Cán bộ, công nhân Công ty Bắc Hưng Hải kiểm tra hệ thống cống bơm.

Với mục đích giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường kiểm soát chi trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, năm 2022 hình thức cấp dự toán ngân sách được thay đổi từ lệnh chi tiền sang rút dự toán ngân sách… Sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp thủy lợi rơi vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng có...

Nợ tiền điện, tiền nước, tiền xăng dầu... và nhất là nợ tiền lương người lao động trong nhiều tháng qua là tình cảnh hiện nay của các doanh nghiệp thủy lợi thuộc Bộ NN và PTNT, tạo ra áp lực lớn từ thực hiện nhiệm vụ được giao đến bảo đảm đời sống người lao động, trong khi cao điểm của mùa mưa bão đã đến…

Cao điểm của khó khăn

Một ngày cuối tháng 6, dưới tiết trời nắng nóng, chúng tôi gặp ba công nhân Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải) đang vận hành trạm bơm. Anh Trần Quang Xuân, công nhân Trạm Quản lý công trình sông Sặt cho biết: Trong suốt 25 năm công tác, công việc lúc thăng lúc trầm, đời sống lúc khó lúc dễ, nhưng chưa bao giờ anh khó khăn như hiện tại, phần vì đại dịch Covid-19, phần vì hơn sáu tháng qua anh chưa nhận được lương.

Cùng cảnh ngộ như anh Xuân, Trạm trưởng Quản lý âu thuyền cầu Cất, Công ty Bắc Hưng Hải, Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: "Ðể bảo đảm an toàn cho hệ thống, chúng tôi bắt buộc phải mua vật tư phục vụ công việc định kỳ. Thời gian đầu thì anh em ứng tiền cá nhân, những tháng tiếp theo phải "mua chịu". Gần đây, ngày nào cũng phải nhận hàng chục cuộc điện thoại đòi nợ từ các đơn vị cung ứng".

Theo giấy thông báo cắt điện lần 2 của Công ty TNHH Ðiện lực thành phố Hải Dương thì "Ðiện lực Hải Dương sẽ tạm ngừng cung cấp điện tới quý khách hàng. Thời gian ngừng cấp bắt đầu từ 7 giờ 00 phút ngày 29/6/2022. Lý do: Quý khách hàng chưa thực hiện thanh toán tiền điện đầy đủ, đúng hạn. Thời gian dự kiến đóng điện trở lại: Sau khi khách hàng thanh toán đầy đủ tiền điện, tiền chi phí đóng cắt và các khoản khác (nếu có). Ðiện lực thành phố Hải Dương không chịu trách nhiệm những thiệt hại của quý khách hàng do việc ngừng cấp điện gây ra".

Trưởng phòng Hành chính Công ty Bắc Hưng Hải, Bùi Văn Kiện cho biết: Ngoài tiền điện mà công ty đã chậm thanh toán với bên điện lực thì những khoản chi khác để phục vụ vận hành thường xuyên như vật tư xăng dầu, đơn vị cũng phải mua chịu. Trong khi đó, hiện nay là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa bão, công ty vẫn phải bảo đảm các công việc theo đúng quy định về bảo dưỡng, vận hành hệ thống thủy lợi. Vì vậy, công ty rất khó khăn về kinh phí hoạt động, đơn vị đã từng nghĩ đến phương án phải vay ngân hàng, nhưng theo luật quy định thì cũng không được bởi doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, không có tài sản thế chấp…

Chủ tịch Công đoàn Công ty Bắc Hưng Hải, Vũ Hữu Tuấn nói, đơn vị có 159 cán bộ, công nhân viên, trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng làm trong công ty, do đó lương là nguồn thu duy nhất để bảo đảm cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Trong khi tại khoản 4 Ðiều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Ðưa chúng tôi đến Trạm bơm Hữu Bị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà (Công ty Bắc Nam Hà) Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Với diễn biến bất thường của thời tiết thời gian qua, có thời điểm trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Trạm Hữu Bị phải bơm tiêu úng cả bốn máy liên tục trong nhiều ngày, mỗi máy có công suất 32 nghìn mét khối nước trên một giờ. Do công suất lớn, tiền nợ điện cũng tăng lên hằng giờ. Tuy vậy, trạm vẫn phải vận hành thì mới bảo đảm an toàn sản xuất cho nhân dân.

Tính đến hết tháng 5/2022, đơn vị này nhận được thông báo dư nợ từ Tổng công ty Ðiện lực Hà Nam là hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó số dư nợ tiền quá hạn phải thanh toán là hơn 1,8 tỷ đồng.

Chủ tịch Công ty Bắc Nam Hà, Nguyễn Ðình Kính cho biết: Ngay từ tháng 1/2022, Công ty Bắc Nam Hà có Tờ trình đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí (đợt 1) theo Ðiều 16 Nghị định số 96/2018/NÐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay đã hết tháng 6, Công ty Bắc Nam Hà vẫn chưa nhận được kinh phí trong dự toán ngân sách năm 2022 đã được phê duyệt. Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ, nhất là công tác sửa chữa, bảo trì công trình máy móc, thiết bị, do không có kinh phí để mua vật tư, thiết bị chuyên dụng phục vụ sửa chữa các tổ máy bơm lớn. Hiện công ty chỉ tập trung bảo dưỡng máy bơm, cống dưới đê, một số hạng mục công trình chưa bảo đảm an toàn để vận hành, phòng, chống lũ lụt, úng năm 2022. Trong khi tiền lương chi trả cho hàng trăm người lao động vẫn chưa có.

Thực tế này thật sự báo động bởi các công ty Bắc Nam Hà; Bắc Hưng Hải; Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa là những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ NN và PTNT, có nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai trên địa bàn cả nước.

Tháo gỡ khó khăn tài chính cho các công ty thủy lợi -0

Công nhân Công ty Bắc Nam Hà vận hành máy tại trạm bơm Hữu Bị, Nam Ðịnh. 

Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc

Trong Văn bản số 2838/BNN-QLDN của Bộ NN và PTNT gửi Bộ Tài chính ngày 9/5/2022 viện dẫn nhiều văn bản quy phạm pháp luật dẫn tới vướng mắc khi thực hiện rút tiền dự toán qua Kho bạc nhà nước trong đó: Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có quy định, một số khoản chi được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện và hạch toán quyết toán vào ngân sách năm sau, nhưng các khoản chi này lại không bao gồm chi phí hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp công ích thủy nông.

Bên cạnh đó, theo Luật Kế toán thì thời điểm ngày 31/3 năm sau doanh nghiệp mới đối chiếu, thanh toán và lập báo cáo quyết toán gửi cho cơ quan quản lý. Ðối với doanh nghiệp như vậy có độ lệch ba tháng so với năm ngân sách (ngày 31/12 năm tài chính). Mặt khác, các hướng dẫn rút dự toán từ ngân sách mới lại quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho nên không phù hợp khi áp dụng cho các doanh nghiệp. Do đó, cần phải có hướng dẫn riêng về kiểm soát, thanh toán đối với hình thức rút dự toán từ Kho bạc nhà nước áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước.

Từ những viện dẫn nêu trên, Bộ NN và PTNT đề nghị Bộ Tài chính: Tiếp tục thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích theo dự toán năm 2022 cho các doanh nghiệp Bộ NN và PTNT theo hình thức lệnh chi tiền. Việc thực hiện cấp ngân sách theo hình thức rút dự toán có thể triển khai từ năm 2023 khi các cơ chế chính sách được sửa đổi phù hợp.

Ngày 13/6 vừa qua, Bộ Tài chính có Văn bản số 5547/BTC-TCDN (về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022) trả lời Bộ NN và PTNT với hai nội dung về chuyển hình thức thanh toán từ lệnh chi tiền sang rút dự toán tại Kho bạc nhà nước từ năm 2022 và về việc chuyển hình thức giao nhiệm vụ sang hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời của Bộ Tài chính không đề cập đến Nghị định 96/2018/NÐ-CP vẫn còn hiệu lực.

Câu chuyện ba công ty thủy nông lớn đang gặp khó khăn về tài chính gây ảnh hưởng đến an toàn sản xuất nông nghiệp, khiến đời sống của gần một nghìn lao động vốn đã khó khăn trong đại dịch Covid-19 nay lại càng vất vả hơn... rất cần các cấp có thẩm quyền sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm■