Tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế ở Đà Nẵng

NDO -

Ngày 26/5, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ hai, nhằm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề xuất của cử tri thành phố Đà Nẵng để xử lý những vấn đề vướng mắc, bất cập từ thực tiễn của người dân, từng bước khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau đại dịch.

Chương trình “Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng với cử tri” lần thứ hai.
Chương trình “Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng với cử tri” lần thứ hai.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và trên fanpage của Cổng Thông tin điện tử thành phố. Cử tri có thể gửi ý kiến, kiến nghị thông qua số điện thoại tiếp nhận ý kiến cử tri của Hội đồng nhân dân thành phố hoặc email, zalo của và số tổng đài 1022.

Sự quan tâm của cử tri tập trung chủ yếu vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch. Cử tri Trần Vĩnh Thái, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chất vấn: Trong năm 2021, thành phố đã thực hiện việc rà soát, lập danh sách người lao động tự do, yếu thế như bán hàng rong, đánh giày, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, bán hàng, người buôn bán nhỏ… để có kế hoạch thực hiện việc hỗ trợ do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.

Cử tri Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng nêu vấn đề: Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ nhất đã thống nhất kết luận đề nghị thành phố khẩn trương rà soát, sửa đổi để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, có chính sách khuyến khích xã hội hóa trên một số lĩnh vực và chính sách hỗ trợ lãi suất để đầu tư các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố, nhưng đến nay các doanh nghiệp ở Đà Nẵng vẫn chưa tiếp cận được với các chính sách nêu trên.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, 4 tháng đầu năm nay đã miễn giảm thuế, phí và lệ phí 324 tỷ đồng. Lũy kế đến 31/3, thành phố đã hỗ trợ tài chính, cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 20.000 tỷ đồng cho hơn 9.000 khách hàng. Doanh số cho vay mới đến nay đã giải ngân 309.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đã thực hiện 5 đợt giảm giá tiền điện hơn 289 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng thực hiện miễn giảm tiền sử dụng nước sạch, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương.

Về chính sách hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến, đến nay mới chỉ thực hiện hỗ trợ cho hơn 16.000 giáo viên ngoài công lập và người có công cách mạng với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho hơn 8.000 hộ lao động tự do với số tiền hơn 21 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục thống kê rà soát đối tượng lao động tự do để tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang chưa chi trả khoản tiền này, đề nghị Hội đồng nhân dân chỉ đạo sát sao, các địa phương cần thực hiện ngay việc hỗ trợ cho nhân dân.

Về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ngoài chính sách của Trung ương, Đà Nẵng ban hành 11 chính sách riêng của thành phố để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch với tổng số tiền 1.240 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, những khó khăn, thách thức cho sự phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng tiếp tục đòi hỏi các cấp lãnh đạo, chính quyền, địa phương tiếp tục không ngừng nỗ lực để có thể quyết định những giải pháp căn cơ, nhất là việc xử lý những ý kiến, kiến nghị bức xúc của cử tri, cũng như đề ra những chính sách thực sự cần thiết, khả thi bảo đảm kinh tế-xã hội của thành phố phát triển một cách ổn định, bền vững.

Về an sinh xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tập trung giám sát, giải quyết các kiến nghị bức xúc, kéo dài của cử tri, trong đó tập trung vào việc đầu tư mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng; tiến độ thực hiện Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố; việc bảo đảm cơ sở vật chất trường học để học sinh được học 2 buổi/ngày; công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị; việc kiểm tra, xử lý và tiến hành nạo vét tuyến cống trên các tuyến đường nhằm bảo đảm khả năng thoát nước; việc thu thuế đất phi nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng đời sống nhân dân.

Kết luận chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ hai, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định: thành phố đã có 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có nhiều chính sách miễn giảm tiền thuế, tiền điện, tiền nước. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn sau đại dịch. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố cần tiếp tục rà soát hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.