Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tạo “đòn bẩy” phát triển

NDO -

Chiều 17/5, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hoạt động giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh buổi hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhóm vấn đề liên quan quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và môi trường, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ, công chức, cải cách tiền lương, đặc thù thành phố Thủ Đức… được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra tại cuộc giám sát.

Về quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến và đề xuất Quốc hội nhanh chóng sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 ngay sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Trong đó, cần quy định cụ thể thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với khu đất đối ứng cho các công trình, dự án theo hình thức BT, BOT.

Cũng liên quan việc sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị có quy định tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm với các chỉ tiêu sử dụng đất được duyệt tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được chuyển mục đích sử dụng đất nếu còn chỉ tiêu trong năm kế hoạch sử dụng đất mà cá nhân, hộ gia đình không phải thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất.

Đối với dịch vụ du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao về thủ tục visa cho khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, xem xét mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện chính sách e-visa; gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách 21% đến năm 2025 để tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Kiến nghị Quốc hội cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức được thực hiện một số thẩm quyền như: Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, lập biên bản, xử lý vi phạm trong sử dụng điện và an toàn điện; xúc tiến thương mại, công bố hợp quy, ngành nghề kinh doanh có điều kiện như khí (gas), hóa chất, kể cả xuất, nhập khẩu, hóa chất,…

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đòn bẩy phát triển -0

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi giám sát.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư dự án là 75.377,86 tỷ đồng, sử dụng kết hợp nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.

Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh là “điểm tựa của đòn bẩy”, nếu chúng ta biết cách sử dụng điểm tựa này sẽ bẩy đòn bẩy đi lên. Đây cũng chính là một lợi thế rất lớn của thành phố nên việc Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương có chính sách tương xứng, đột phá là hoàn toàn phù hợp. Những cơ chế chính sách đặc thù như tăng lương, thu nhập tăng thêm, biên chế, thu hút chuyên gia chính là tạo đà nhiều hơn cho thành phố phát triển, giúp thành phố hoàn thành nhiện vụ và hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Tại buổi giám sát, các đại biểu Quốc hội cũng nghe Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của thành phố 4 tháng đầu năm và phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, thành phố đã nhìn thấy còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà Nghị quyết 54 đề ra. Các vấn đề chưa làm được như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay nguồn thu từ đấu giá tài sản công... hầu hết do vướng thủ tục pháp lý chung của cả nước, chứ không riêng thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực, tiếp tục thực hiện những tháng còn lại của Nghị quyết 54.

Theo ông Võ Văn Hoan, tinh thần là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà thành phố cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước.