Thái Nguyên tạo đột phá thu hút đầu tư

NDO -

Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội trên địa bàn được đầu tư mở mới, nâng cấp, từng bước hoàn thiện và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Thái Nguyên đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối khu công nghiệp Sông Công II.
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối khu công nghiệp Sông Công II.

Tạo xung lực mới phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, tỉnh Thái Nguyên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên thu hút 139 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 8,7 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực. Đây là nguồn lực quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây.

Đạt được thành quả đó, tỉnh Thái Nguyên đã phát huy lợi thế quy hoạch phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, khám, chữa bệnh.

Tỉnh nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, trong đó chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại và đối nội. Từ khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng bắc bộ, đầu tư vào Thái Nguyên phát triển mạnh, trong đó có những dự án FDI với số vốn rất lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao. 

Xác định phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp phía nam tỉnh gắn kết với quy hoạch phát triển vùng Thủ đô Hà Nội để thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá phát triển kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã, đang và chuẩn bị đầu tư nhiều dự án giao thông lớn. 

Đó là, đã cơ bản hoàn thành đường vành đai 5 trên địa bàn tỉnh kết nối cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến vành đai 5 kết nối với Quốc lộ 37. Cuối năm nay đưa vào sử dụng đường Việt Bắc kéo dài kết nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với khu du lịch hồ Núi Cốc với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương đầu tư mở rộng, nâng cấp đường ĐT 266 nối huyện Phú Bình với thị xã Phổ Yên, TP Sông Công đi qua các khu, cụm công nghiệp tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư. Đường ĐT 261 cũng đang được đầu tư nâng cấp, tạo thế phát triển vùng sườn đông Tam Đảo. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 9 dự án giao thông với tổng số vốn hơn 6.500 tỷ đồng, trong đó có những dự án có tính lan tỏa rất cao, đó là tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc dài 42,5 km, tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng; tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; đoạn tuyến vành đai 5 kết nối với tỉnh Bắc Giang với vốn đầu tư 700 tỷ đồng... các dự án giao thông quan trọng này sẽ hoàn thành vào năm 2025”. 

Thực tế cho thấy, khi các tuyến đường mới được mở ra, như đường Bắc Sơn kéo dài, đường vành đai 5 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra quỹ đất hai bên đường rất lớn để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Các tuyến đường mới được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và cam kết hoàn thành đúng tiến độ, nhiều nhà đầu tư rất yên tâm, tiến hành đầu tư, nghiên cứu các dự án công nghiệp, du lịch, đô thị lớn trên địa bàn thị xã Phổ Yên (dự kiến trở thành thành phố vào năm 2023), huyện Phú Bình, thành phố Sông Công.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với số vốn đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp này đều được kết nối giao thông thuận lợi, khi hoàn thành sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Thái Nguyên xác định, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra quỹ đất lớn hai bên nhằm phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo đột phá thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.