Thái Nguyên: Cần gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư

NDO -

Nhu cầu mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất lớn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa đủ nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, dẫn đến doanh nghiệp phải chờ rất lâu để có mặt bằng đầu tư, sản xuất đang là rào cản đối với phát triển kinh tế.

Nhiều năm qua, còn 50ha quy hoạch khu công nghiệp Yên Bình chưa giải phóng xong mặt bằng, vì chưa có khu tái định cư cho người dân.
Nhiều năm qua, còn 50ha quy hoạch khu công nghiệp Yên Bình chưa giải phóng xong mặt bằng, vì chưa có khu tái định cư cho người dân.

Không có mặt bằng để đầu tư

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, khu công nghiệp Yên Bình đã thu hút vốn FDI đạt gần 8 tỷ USD, chiếm 75% tổng vốn đầu tư FDI đầu tư vào tỉnh và hơn 4.400 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; sản xuất ra phần lớn giá trị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên.

Khu Công nghiệp Yên Bình có vị trí thuận lợi về giao thông, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp này có phương thức quản trị hiện đại, cung cấp đồng bộ các dịch vụ cấp nước sạch, xử lý nước thải, hạ tầng nên đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Trưởng Ban phát triển dự án khu công nghiệp Yên Bình Nguyễn Hải Trung, cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Yên Bình, nhưng còn 50ha nhiều năm qua giải phóng xong mặt bằng nên chúng tôi không thể đầu tư hạ tầng và cho thuê đất được”.

Chưa giải phóng xong mặt bằng là do người dân chưa được bố trí tái định cư. Chính quyền địa phương, cụ thể là thị xã, nay là thành phố Phổ Yên có trách nhiệm đầu tư khu tái định cư, nhưng hai khu tái định cư Thanh Hoa và Đồng Tiến chưa được đầu tư kịp thời và hoàn thiện nên chưa bố trí đủ quỹ đất tái định cư cho người dân.

Tương tự như vậy, “nút thắt” tái định cư giải phóng mặt bằng mỏ than Khánh Hoà là rào cản lớn đối với sản xuất gần ba năm qua. Thời gian tới, nếu thành phố Thái Nguyên chưa đầu tư xây dựng khu tái định cư Tân Long để chuyển 110 hộ đến sinh sống thì mỏ than Khánh Hoà sẽ phải dừng khai thác( mỗi năm khoảng 450 nghìn tấn than) từ năm 2023 vì không có mặt bằng để mở rộng khai trường, đổ thải. Khi đó, sẽ thiếu than cho nhiều nhà máy sản xuất điện, xi-măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, cho biết: Trách nhiệm xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng mỏ than Khánh Hoà thuộc thành phố Thái Nguyên, nhưng thời gian vừa qua chúng tôi chưa cân đối được nguồn lực.

Thời gian vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Thượng mại TNG có bảy dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với tổng số vốn gần một nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều dự án chưa có mặt bằng để triển khai, lỡ cơ hội đầu tư. 

Trên đây chỉ là một số trong nhiều dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp đang chờ tái định cư cho người dân. 

Cần cơ chế đột phá 

Trong khi nguồn lực còn eo hẹp, cùng lúc triển khai nhiều dự án, chính quyền địa phương thường ưu tiên xây dựng khu tái định cư cho các công trình, dự án đầu tư công, vốn ngân sách từ nguồn nước ngoài nên ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hỗ trợ chính quyền khắc phục khó khăn về vốn, là doanh nghiệp tư nhân, gần mười năm trước, Công ty cổ phần Đầu tư Yên Bình đã ứng hàng trăm tỷ đồng cho chính quyền thành phố Phổ Yên xây dựng khu tái định cư giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Yên Bình. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà đầu tư chưa quyết toán được khoản ứng này. 

Đến nay mỏ than Khánh Hoà cũng đã ứng hơn 600 tỷ đồng để bồi thường cho các hộ dân, số tiền này được đối trừ vào tiền thuê đất hằng năm. Tuy nhiên, Phó Giám đốc mỏ than Khánh Hoà Vũ Thành Hưng, cho biết: “Theo quy định, doanh nghiệp ứng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích bao nhiêu thì đối trừ tiền thuê đất diện tích ấy. Vì vậy mỗi năm chúng tôi chỉ được đối trừ khoảng 3 tỷ đồng, trong khi đó dự án chỉ còn 18 năm nữa là kết thúc, hết thời gian thuê đất. Bên cạnh đó, hiện nay rất khó để doanh nghiệp nhà nước cho chính quyền địa phương vay, ứng vốn xây dựng khu tái định cư”.

Với cơ chế tài chính chưa rõ ràng, hấp dẫn, thời gian vừa qua hầu hết doanh nghiệp không muốn ứng vốn cho chính quyền địa phương sử dụng bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, trong khi đó chính quyền địa phương không có vốn để giải quyết vấn đề này. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải chờ, có khi đến vài năm để có mặt bằng đấu tư dự án.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời, kiến nghị: Để hỗ trợ chính quyền giải quyết vấn đề thiếu vốn, trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định dự toán, giám sát của cơ quan quản lý, cần có cơ chế thông thoáng cho phép nhà đầu tư xây dựng khu tái định cư, hoặc cho chính quyền vay, ứng xây dựng khu tái định cư. Sau đó, khoản đầu tư này hạch toán vào dự án đầu tư của doanh nghiệp, đối trừ các nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện nhằm tháo gỡ “rào cản” về giải phóng mặt bằng hiện nay.