Thái Bình nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài

NDO -

Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang trở thành xu thế phát triển tất yếu. Với một tỉnh nông nghiệp như Thái Bình, mục tiêu thu hút các dự án FDI có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế bền vững, có chiều sâu.

Công ty Toyoda (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất vô lăng ô-tô tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thu hút hơn 1 nghìn lao động địa phương.
Công ty Toyoda (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất vô lăng ô-tô tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thu hút hơn 1 nghìn lao động địa phương.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tại Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã thu hút được 5 dự án FDI mới, có tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 420 triệu USD, tăng 7 lần so với cùng kỳ 2020 và lớn hơn tổng vốn đầu tư FDI đăng ký của cả giai đoạn 2016-2020. Đây là con số rất ý nghĩa trong bối cảnh Thái Bình đang thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Nổi bật là Dự án đầu tư nhà máy LOTES Thái Thụy Việt Nam của Công ty TNHH LOTES Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu Kinh tế Thái Bình), với diện tích sử dụng đất 15 ha, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD. Đây là dự án sản xuất chân kết nối Ram máy tính, cáp nối (cable) dùng cho máy tính và thiết bị điện tử.

Ông Kung Yung Sheng, Tổng giám đốc Công ty TNHH LOTES Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi quyết định chọn Thái Bình để đầu tư xây dựng nhà máy, bởi ở đây có nguồn nhân lực dồi dào. Sản phẩm chủ yếu được xuất đi các nước bằng máy bay, trong khi khoảng cách từ Thái Bình đến sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng chưa đến 40 km, khá thích hợp trong việc trung chuyển hàng hóa. Tập đoàn LOTES chuyên sản xuất linh kiện điện tử và đây là dự án đầu tiên của LOTES tại Việt Nam.

Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài ở Thái Bình -0

Công ty LOTES Việt Nam triển khai đào tạo công nhân kỹ thuật cho dự án đầu tư Nhà máy LOTES Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vốn đầu tư 120 triệu USD.

Theo Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình), hiện toàn tỉnh có 97 dự án FDI, giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động và nộp ngân sách 12 triệu USD (năm 2020). Các dự án FDI giúp tỉnh thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào chủ yếu tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, sử dụng lao động thủ công sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Từ đầu năm đến nay, địa phương thu hút được nhiều dự án FDI có số vốn đăng ký đầu tư lớn là do tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, Thái Bình đã nỗ lực phát huy các tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Thái Bình, hạ tầng giao thông kết nối với thành phố Hải Phòng, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhiều năm qua đã tạo dựng. Thái Bình coi phát triển Khu kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên các nhà đầu tư vào Khu kinh tế được tỉnh đặc biệt quan tâm, hỗ trợ về giải quyết các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án. Các nhà đầu tư đến với Thái Bình chỉ cần chuẩn bị ý tưởng đầu tư, nguồn vốn đầu tư, các thủ tục đầu tư sẽ được các sở, ngành hỗ trợ, giải quyết một cách nhanh nhất.

Để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu công nghiệp. Kịp thời bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Tiêu biểu như Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu Kinh tế Thái Bình) với diện tích gần 600 ha. Chỉ sau 8 tháng thành lập đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 300 ha, bàn giao đất cho nhà đầu tư. Đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút được 2 dự án lớn và ký cam kết đầu tư một dự án với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Đặc biệt, trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã có buổi khảo sát và làm việc tại tỉnh Thái Bình. Tại đây, ông khẳng định địa phương có thế mạnh về nguồn nhân lực và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Với vị thế của mình, ông Choi Joo Ho cho biết sẽ hỗ trợ tỉnh thu hút đầu tư, nhất là giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc về tiềm năng, thế mạnh và hướng thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay.

Nhằm tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt kiểm soát dịch Covid-19, tỉnh Thái Bình đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, nhằm xây dựng khu kinh tế này thành trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Đây cũng là động lực để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng trong 5 năm tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đề ra.