Tàu vỏ thép giúp ngư dân vững vàng bám biển

Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, ngư dân tại một số tỉnh ven biển đã được hỗ trợ vay vốn đóng tàu vỏ thép. Những con tàu vỏ thép công suất lớn không chỉ bảo đảm an toàn cho ngư dân trước sóng gió biển khơi, giúp tăng năng suất, chất lượng đánh bắt thủy sản, mà còn giúp ngư dân bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ vững vàng chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Công nhân Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Đào đang thi công lắp ráp tàu vỏ thép.
Công nhân Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Đào đang thi công lắp ráp tàu vỏ thép.

Chính sách đúng đắn

Trong nắng chiều oi ả, những con tàu câu bò gù (cá ngừ đại dương) của bà con ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) nối đuôi về cảng sau chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày. Quệt giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng, anh Nguyễn Văn Minh, chủ tàu BD-95270 vừa hối thúc các thuyền viên bốc cá vào kho thu mua, vừa tâm sự: "Bây giờ nghề đi biển khó lắm, thời tiết khắc nghiệt, mưa bão thất thường, sản lượng đánh bắt không ổn định, giá cả bấp bênh,... Nay, nghe tin Nhà nước có chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép, tôi mừng quá. Tàu vỏ thép sẽ bền hơn, an toàn hơn cho những chuyến ra khơi, và năng suất đánh bắt chắc chắn sẽ cao hơn hẳn nhờ áp dụng công nghệ mới".

Nước ta có lợi thế lớn về biển, với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, vùng kinh tế biển rộng hơn một triệu km2, nhưng lâu nay, việc đánh bắt hải sản còn lạc hậu, chủ yếu khai thác thủ công. Trong hơn 130 nghìn tàu cá trên cả nước, có tới 99% là tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ, thời gian đi biển ngắn, khả năng bảo quản sản phẩm và chống chịu kém. Vì vậy, chủ trương dành 16 nghìn tỷ đồng cân đối ngân sách Nhà nước để đầu tư cho ngành đánh bắt hải sản, mở đường cho lộ trình thay thế 3.000 tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân. Ðây sẽ là cú hích quan trọng, nhằm chuyển dịch từ truyền thống đánh bắt hải sản lạc hậu sang sử dụng kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu khai thác hiệu quả, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tàu vỏ thép giúp ngư dân vững vàng bám biển ảnh 1

Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Bình neo đậu tại cửa biển Nhật Lệ sau chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ.

Trưởng ban Kinh doanh thương mại, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) Phạm Bình Minh phân tích: So với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép có độ bền cao gấp nhiều lần, hình dáng được thiết kế tối ưu nhằm đạt vận tốc cao hơn và tiết kiệm nhiên liệu. Thân tàu được chia thành các khoang kín nước riêng biệt nên mang được nhiều nguyên, nhiên liệu và nước ngọt hơn, khi ngập một khoang bất kỳ, tàu vẫn an toàn trên biển. Các khoang lạnh được thi công đúng tiêu chuẩn, giúp hải sản được bảo quản với chất lượng tốt, tăng hiệu quả kinh tế. Nhất là tàu vỏ thép có khả năng chịu sóng gió đến cấp 9 trong khi tàu vỏ gỗ chỉ chịu được cấp 6 - 7. Theo tính toán, tuy giá thành đóng mới cao hơn khoảng 50-60% so đóng tàu vỏ gỗ nhưng về lâu dài, tàu vỏ thép sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Vẫn biết tàu vỏ thép ưu việt, nhưng bà con ngư dân còn rất nhiều trăn trở. Ngư dân Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 2 (xã Tam Quan Bắc) băn khoăn: "Trước đến giờ, ngư dân đánh bắt hải sản hoàn toàn dựa theo kinh nghiệm truyền thống. Nay với tàu vỏ thép có nhiều công nghệ mới, không biết có quen được không? Quan trọng hơn, tàu vỏ thép khi cần sẽ được bảo dưỡng như thế nào, ở đâu?". Giải đáp điều này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ðóng tàu Nha Trang Lê Quang Lâm cho biết: Ðể làm ra con tàu phù hợp yêu cầu và truyền thống đánh bắt của ngư dân, từ lúc thiết kế đến khi thi công, công ty thường xuyên tham khảo ý kiến người dân để kịp thời điều chỉnh. Chủ tàu cùng tham gia và giám sát quá trình đóng tàu, bước đầu hiểu rõ tính năng cơ bản của tàu. Ðặc biệt, ngư dân có thể tự tìm kiếm và đặt mua từ động cơ đến các loại máy móc khác theo đúng yêu cầu, chỉ cần bảo đảm có chứng nhận đăng kiểm đầy đủ. Sau đó, quá trình chạy thử nghiệm cũng chính là khóa học, nơi những người chủ tương lai của con tàu được hướng dẫn cặn kẽ từ kỹ thuật lái, đánh bắt, đến xử lý và sửa chữa những hỏng hóc đơn giản,... Về phần bảo dưỡng, các tàu do SBIC đóng được bảo hành một năm tại nhà máy, tất cả các tàu cá vỏ thép khác đều có thể bảo dưỡng, sửa chữa tại bất cứ nhà máy nào trong 18 đơn vị thuộc SBIC nằm dọc đất nước.

Giải pháp đồng bộ

Phải khẳng định, chương trình đánh bắt xa bờ được Chính phủ triển khai từ năm 1997 tuy gặp vướng mắc trong quá trình thu hồi vốn, song đó chính là "tiếng kèn xung trận" đầu tiên, cổ vũ ngư dân cả nước tham gia đánh bắt xa bờ. Ngư dân Phan Trọng Nghiệp, ngụ tại xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) kể: Trước đây, ngư dân Bình Ðịnh chủ yếu đánh bắt ven bờ. Mỗi lần ra khơi, đi được năm, mười giờ đã thấy xa. Nhờ nhận được hỗ trợ từ chương trình, phong trào đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Ðịnh mới rộng khắp như hiện nay. Giờ đây, mỗi chuyến đi biển của ngư dân thường kéo dài hơn 20 ngày, vươn xa đến hơn 120 hải lý. Ðúc kết từ những kinh nghiệm đã có, nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản chuẩn bị ban hành càng thể hiện rõ sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân, giúp bà con tăng sản lượng đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo thêm niềm tin để ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia. Thực tế, vốn đầu tư đóng tàu vỏ thép hiện nay vẫn còn quá lớn so với khả năng của phần lớn ngư dân, nên cần có thêm các chính sách ưu đãi khác nhằm hỗ trợ bà con. Ngư dân Lê Ngọc Sơn ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trải lòng: Ðây là chương trình hỗ trợ ngư dân, nhằm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nếu Nhà nước miễn thuế VAT thì tốt quá, 10% cũng đủ để đầu tư nhiều hơn cho con tàu mới, mang lại nhiều lợi ích hơn,

Ðể chương trình triển khai hiệu quả, ngoài tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tín dụng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khác cho ngư dân. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của ngư dân chung quanh chuyện đóng tàu vỏ thép cần thiết kế sao cho phù hợp theo từng mục đích đánh bắt và dải công suất để ngư dân lựa chọn theo nhu cầu, phù hợp tập quán, khả năng và năng lực khai thác của ngư dân tại các địa phương khác nhau. Chủ tịch HÐTV SBIC Nguyễn Ngọc Sự khẳng định: SBIC đã chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ, từ nhân lực đến thiết bị, máy móc, với hơn 10 mẫu tàu cá vỏ thép được thiết kế phù hợp nhất theo từng ngành nghề đánh bắt khác nhau, hiện vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. SBIC cũng lên kế hoạch thiết kế những mẫu tàu khác nhau, phù hợp tập quán đối với từng vùng miền. Giờ đây, chỉ chờ cơ chế ban hành, ngay lập tức SBIC có thể triển khai đóng tàu hàng loạt. Khi đó, do tiết giảm được nhiều chi phí từ khâu thiết kế đến mua sắm vật liệu,... giá thành tàu vỏ thép sẽ thấp hơn nhiều. Ngoài ra, một số thiết bị như chân vịt, tời neo,... đều nằm trong khả năng sản xuất của các đơn vị thuộc SBIC, sẽ giúp hạ giá thành, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tàu vỏ thép.

Các tàu cá khi vươn khơi không nên đi riêng lẻ mà cần kết hợp khai thác theo tổ, đội, nhằm hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Từng địa phương cần xây dựng kế hoạch và bố trí vốn ngân sách đầu tư đồng bộ cảng cá, khu hậu cần, neo đậu, khơi thông luồng lạch,... Mô hình tàu mẹ - tàu con cũng nên được nhân rộng; khuyến khích đóng mới các tàu dịch vụ hậu cần cung ứng nhu yếu phẩm, thu mua sản phẩm đánh bắt từ ngoài khơi, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày. Ước tính đóng một tàu dịch vụ hậu cần dài hơn 40 m, công suất máy 1.000 CV có giá khoảng 20 tỷ đồng. Ðể mô hình này thành công, đòi hỏi cần những cơ chế hỗ trợ đặc thù, vì vốn đầu tư và chi phí cho hoạt động của tàu dịch vụ hậu cần rất lớn. Ðầu ra cho sản phẩm thủy sản cũng là lo lắng của nhiều ngư dân. Các ban, ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ về giá, tránh tình trạng khi năng suất tăng lại bị thương lái ép giá, gây thiệt hại cho ngư dân.

Theo Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, khi đóng mới tàu, trong tổng lãi suất 5%, thay vì chủ tàu phải trả lãi suất tối đa 3%/năm, nay chỉ phải trả 2%, thậm chí đối với tàu dịch vụ hậu cần và tàu đánh cá vỏ thép công suất máy từ 800 CV trở lên, chỉ phải trả lãi 1%/năm, số còn lại được ngân sách hỗ trợ. Ngoài ra, chủ tàu còn được vay vốn ngân hàng thương mại ở mức tối đa 95% và tối thiểu 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu các loại.