Tạo sức bật cho hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để củng cố và phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế tại các địa phương phía nam cho thấy, kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn cần sớm tháo gỡ để tạo sức bật mới cho các mô hình HTX kiểu mới.

Chăm sóc rau trồng theo phương pháp thủy canh tại HTX sản xuất rau an toàn Tiến Phát, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh (Bình Thuận). (Ảnh ĐÌNH CHÂU)
Chăm sóc rau trồng theo phương pháp thủy canh tại HTX sản xuất rau an toàn Tiến Phát, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh (Bình Thuận). (Ảnh ĐÌNH CHÂU)

Bài 1: Tập trung tháo gỡ khó khăn

HTX nông nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp của thành viên, người dân. Tuy vậy, nhiều HTX hoạt động vẫn còn khó khăn; mối liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu…

Theo đánh giá chung của nhiều địa phương phía nam, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng hiệu quả, có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX "ăn nên, làm ra"

HTX Mỹ Tịnh An, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được thành lập năm 2009 với ngành nghề chính là sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long, dừa và các nông sản khác; cung ứng vật tư nông nghiệp. Hiện, HTX có 100 thành viên, sản xuất 100 ha thanh long; vốn điều lệ hai tỷ đồng, vốn hoạt động 10 tỷ đồng.

Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện cho biết, HTX đã hướng dẫn cho các thành viên sản xuất quả thanh long an toàn theo tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP với diện tích sản xuất hơn 100 ha, trong đó có 30 ha đạt chứng nhận GlobalGAP từ năm 2015. HTX ký hợp đồng với các thành viên với mức giá sàn 10.000 đồng/kg, khi giá thị trường cao hơn HTX sẽ mua cao hơn ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn. HTX còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp để cung ứng cho các thành viên với giá gốc bằng hình thức ghi sổ công nợ đến khi thu hoạch sẽ cấn trừ, không tính lãi.

Tại Bình Dương, một trong những mô hình hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả có múi ở huyện Bắc Tân Uyên, là HTX cây ăn quả Tân Mỹ. Được thành lập năm 2012 và bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2015 với số vốn điều lệ bốn tỷ đồng huy động từ các thành viên trong HTX, HTX cây ăn quả Tân Mỹ luôn là đối tác tin cậy, cung cấp sản phẩm bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, quýt đường cho hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc.

Với diện tích 62 ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu trồng bưởi da xanh, đường lá cam chiếm khoảng 90%, còn lại 10% diện tích trồng quýt đường, cam và 1,5 ha trồng dưa trong nhà màng. Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ Lê Minh Sang cho biết, HTX phấn đấu doanh thu bình quân tăng từ 15-20%/năm; tích cực huy động vốn nhàn rỗi trong thành viên, vốn cá nhân, các thành phần kinh tế để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm thường xuyên cho người lao động ở địa phương.

Trong khi đó, dù mới thành lập, đi vào hoạt động hơn ba năm, nhưng HTX Thanh Bình, huyện Trảng Bom được đánh giá là điểm sáng trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch tại tỉnh Đồng Nai hiện nay. Giám đốc HTX Thanh Bình Lý Minh Hùng cho biết, HTX có diện tích sản xuất hơn 300 ha cây chuối, trong đó, 70 ha của hơn 30 hộ thành viên, còn lại là liên kết với nông dân trong vùng để trồng, chế biến, tiêu thụ. Trước khi sản xuất, HTX chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên người nông dân hoàn toàn yên tâm. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu hơn 3.500 tấn sản phẩm chuối vào thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu những năm gần đây, HTX nông nghiệp, thương mại, du lịch Bầu Mây đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc cũng như của nhiều đối tác trong nước và nước ngoài. Nhiều sản phẩm về tiêu của HTX được khách hàng tin dùng, có giá bán cao hơn từ 20 đến 30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, Phước An là HTX điển hình tiên tiến, sản xuất sản phẩm an toàn, chủ động liên kết đầu ra và được coi là một trong những mô hình sản xuất rau an toàn tiêu biểu tại thành phố. Với diện tích sản xuất 29 ha, doanh thu mỗi năm của HTX trong những năm gần đây đạt hơn 15 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 54 lao động. Qua 15 năm hoạt động, thương hiệu HTX Phước An đã đứng vững trên thị trường về uy tín cũng như chất lượng rau, củ, quả.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều địa phương phía nam đã tập trung hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với chế biến, bảo quản; lập các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao thông qua việc triển khai các chương trình, dự án. Từ đó, có không ít HTX ngày càng "ăn nên, làm ra"...

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, nhiều HTX nông nghiệp không còn thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước giảm mạnh, các sản phẩm như rau, củ, quả ùn ứ, một số HTX đã phải cầu cứu chính quyền địa phương các cấp vận động "giải cứu".

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận Lê Hoài Nam cho biết, việc tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 vẫn còn nhiều vướng mắc như: Nhiều thành viên không góp vốn, chưa xác lập được danh sách thành viên, chưa cấp giấy chứng nhận góp vốn, sổ đăng ký thành viên; chưa chấp hành đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính theo quy định, dẫn đến khó khăn trong tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX, khó quan hệ vay vốn với các tổ chức tín dụng; trên bình diện chung, số HTX mạnh chiếm tỷ lệ vẫn còn khá khiêm tốn; các HTX khó khăn, cầm cự để hoạt động còn khá lớn. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là từ nội tại như nguồn lực, vốn và đầu ra của sản phẩm. Thí dụ trong 100 ha nuôi tôm của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở phường Long Hương, thành phố Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) hiện chỉ có 2 ha được nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín trong nhà màng. Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng việc chuyển đổi mô hình không dễ dàng bởi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Giám đốc HTX Quyết Thắng Nguyễn Kim Chuyên cho biết, các mô hình nuôi tôm hiện nay như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh trong ao đất với các loại tôm thẻ và tôm sú, mỗi năm chỉ sản xuất được một đến hai vụ và nguy cơ tôm bị dịch bệnh rất cao. Khi ứng dụng công nghệ mới này, HTX đã tăng lên ba vụ/năm, năng suất đạt 50-60 tấn/vụ/2ha. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với HTX chính là nguồn vốn để chuyển đổi 100 ha nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn khá lớn, vượt khả năng của HTX.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Long An Trần Quốc Toản, HTX khó tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ do không đủ điều kiện để ngân hàng cho vay nên chưa thể mở rộng quy mô sản xuất. Cách thức hoạt động của HTX còn rời rạc, chưa liên kết để tận dụng thế mạnh của từng thành viên. Công việc của HTX chưa thật sự hấp dẫn, thu nhập thấp nên khó thu hút cán bộ chuyên môn có năng lực tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại HTX. Một số nơi, thành viên tham gia HTX mang tính hình thức. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, hiện quy mô sản xuất của các HTX vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; thu nhập bình quân của thành viên HTX còn thấp. Các HTX chưa làm tốt dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; việc ứng dụng khoa học-công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, việc thực hiện cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc còn rất thấp; thiếu nguồn lực để hoạt động, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít.

Thực tế tại nhiều địa phương cũng cho thấy, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn tình trạng thành lập mới HTX để đáp ứng tiêu chí; sau khi thành lập thiếu quan tâm hướng dẫn triển khai phương án sản xuất, kinh doanh nên hầu hết các HTX được thành lập theo hình thức như vậy hoạt động cầm chừng hoặc không hiệu quả. Mặt khác, nhiều HTX vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số HTX chưa tuân thủ các quy định của pháp luật…

(Còn nữa)