Tăng cường phát triển kỹ năng phục vụ chuyển đổi sang CMCN 4.0

NDO -

Phát triển các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề chuyên biệt là một trong những yêu cầu cấp thiết để tạo điều kiện chuyển đổi sang cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), qua đó giúp tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo khuyến nghị từ nghiên cứu mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Lao động sau đào tạo sản xuất tinh bột nghệ tại Hợp tác xã Tân Thành (TP Bắc Kạn). (Ảnh: Tuấn Sơn)
Lao động sau đào tạo sản xuất tinh bột nghệ tại Hợp tác xã Tân Thành (TP Bắc Kạn). (Ảnh: Tuấn Sơn)

Với chủ đề “Gặt hái lợi ích của CMCN 4.0 thông qua phát triển kỹ năng ở Việt Nam”, nghiên cứu công bố ngày 20-1 của ADB tập trung vào các ngành logistic và chế biến nông sản ở Việt Nam - hai lĩnh vực quan trọng đối với tăng trưởng, việc làm, năng lực cạnh tranh quốc tế và CMCN 4.0.

Báo cáo nhận thấy, các công nghệ của CMCN 4.0 có thể sẽ xóa bỏ khoảng từ 1/4 đến 1/3 số việc làm trong các ngành nói trên. Song, sự cắt giảm này sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng nhu cầu lao động mới, từ đó có thể dẫn tới lợi ích tích cực về việc làm ở cả hai ngành.

Theo ADB, do tác động của đại dịch Covid-19 tới các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, ngành chế biến nông sản của Việt Nam sẽ cần phải điều chỉnh để phù hợp sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Mặc dù, ngành logistics có thể chứng kiến sự tăng trưởng mạnh sau đại dịch do sự gia tăng của thương mại điện tử và tính chất đang thay đổi của ngành bán lẻ, cả hai ngành này sẽ cần tích hợp các chuỗi cung ứng điện tử và khởi động những sáng kiến số, qua đó khiến nhu cầu nâng cao năng lực và đào tạo lại thậm chí còn cấp thiết hơn.

Nghiên cứu cho thấy, 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam cho biết, họ đã được trang bị tốt cho CMCN 4.0. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so một số nước trong khu vực được nghiên cứu trong báo cáo, gồm Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%).

Cũng có sự khác biệt về nhận thức giữa các cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động về sự sẵn sàng cho công việc của học viên tốt nghiệp. Chỉ 4% số cơ sở đào tạo báo cáo có sử dụng các nền tảng giáo dục trực tuyến, trong khi 18% cho biết đã sử dụng các công cụ thực tế ảo và thực tế tăng cường cho việc giảng dạy.

Bà Shanti Jagannathan, chuyên gia giáo dục chính của ADB nhận định, khi các công nghệ của CMCN 4.0 nhanh chóng phủ rộng, các khoản đầu tư rộng khắp vào năng lực kỹ thuật số sẽ nâng cao cơ hội của thanh thiếu niên và người lớn tuổi trong việc tiếp cận việc làm có chất lượng cao hơn và giảm rủi ro mất việc làm.

Đây là thời điểm để tư duy lại về việc trang bị kỹ năng thông qua sử dụng những nền tảng ảo và công nghệ di động, phát triển các cơ sở đào tạo linh hoạt với những khóa học và chứng chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, bà Jagannathan khuyến nghị.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, đầu tư thỏa đáng và kịp thời vào phát triển kỹ năng có thể giúp Việt Nam không những khai thác được tiềm năng của CMCN 4.0 để nâng cao năng suất mà còn bảo đảm CMCN 4.0 sẽ mang lại lợi ích cho người lao động nói chung.

“Trong khi việc ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển lên trên trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ, Việt Nam cũng cần cân nhắc những cách tiếp cận mới để bảo đảm lợi ích bao trùm và bảo trợ xã hội đối với công nhân tay nghề thấp, đặc biệt những người có nguy cơ bị thay thế và những người cần nâng cao tay nghề”, Giám đốc ADB khuyến nghị.